Một đời người, một nghiệp võ

Bán nhà làm băng đĩa...cho không!
Một đời người, một nghiệp võ

13 tuổi học võ rồi theo đoàn ca kịch dân tộc đi diễn khắp các địa phương miền Bắc, ngoài 20 tuổi được kết nạp Đảng, cả đời cống hiến cho nghiệp võ, đạt tới đẳng cấp bạch đai, hết lòng vì sự nghiệp giảng dạy, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, khi tuổi đã xế chiều, ai cũng nghĩ căn bệnh ung thư di căn đến não sẽ làm cuộc hành trình của võ sư Nguyễn Thu Vân dừng lại…

Bán nhà làm băng đĩa...cho không!

Một đời người, một nghiệp võ ảnh 1

Nhờ sự chỉ dạy tận tình của võ sư Thu Vân (trái) em nhỏ này đã có thể ca, diễn ở các câu lạc bộ và kiếm được tiền nuôi sống bản thân mình.

Một ngày cuối năm 1999, nữ võ sư Thu Vân tổ chức cuộc họp gia đình để… xin bán căn nhà mà cả gia đình đang sống. Nhớ lại cảm giác lúc đó, con gái bà vẫn còn thảng thốt: “Thời gian này, ba phát bệnh rất nặng. Bệnh viện đã “chê”, trả về, bảo chỉ còn sống được một tháng. Nghe tin, mẹ khóc. Tôi hỏi: Mẹ khóc làm gì, khi  lúc nào mẹ cũng bỏ ba mà đi. Bây giờ lại đòi bán nhà? Nhưng rồi, vì mẹ, chúng tôi phải chấp nhận bán căn nhà mà chúng tôi đã gắn bó suốt cả tuổi thơ”.

Gắn bó với nghệ thuật cải lương từ ngày còn trẻ, bà muốn giữ lại chất ngọc của ngành nghệ thuật này. Mà những nghệ sĩ sân khấu tài danh như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Ba Vân, NSND Dương Ngọc Thạch, NSND Phùng Há, nghệ sĩ Văn Ngà… tuổi đã quá xế chiều. Nếu không tranh thủ làm bây giờ, tài hoa, trí tuệ, công phu đó sẽ theo các thầy về với đất. Sau này, dẫu có tiền muôn bạc vạn cũng không tìm lại được. Nghĩ vậy, bà lặng lẽ gõ cửa từng nhà nghệ sĩ để xin tất cả các cuộn phim quay những vở tuồng kinh điển về làm tư liệu. Bà lặng lẽ quay, chụp, góp nhặt hình ảnh, ghi nhận kinh nghiệm về diễn xuất của những diễn viên bậc thầy để biên soạn giáo trình về “Múa trình thức võ thuật trên sân khấu”, “Múa trình thức võ đạo trên sân khấu” rồi in thành sách, chuyển qua băng video, VCD. Đó là bộ giáo trình bằng hình ảnh đầu tiên của nền sân khấu Việt Nam.

Nghệ sĩ Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật kể: “Vân làm băng, in đĩa phát ra mà không thu lại đồng nào. Túng ngặt thì liều vay nợ lãi. Có lúc tôi cũng bị cuốn theo lòng nhiệt tình của Vân, cũng chạy vạy cùng với Vân để tìm nguồn tài trợ”. Kể về quyết định liều lĩnh của mình, bà nhớ lại: “Khi không còn biết xoay đường nào, tôi đánh liều viết thư kể rõ mọi chuyện rồi xin đảng viên anh, đảng viên chị, đảng viên chồng giúp! Nhận thư, cả nhà phẫn nộ. Tôi liền bật những đoạn phim tư liệu mình làm còn dang dở cho mọi người xem. Đến lúc này thì mọi người đồng ý cho tôi bán nhà và bắt tôi ký cam kết… không được tái phạm!”.

Vậy là cả gia đình dời về sống trong một căn nhà nhỏ tít ở đường Cộng Hòa. Một tháng đầy lo âu trôi qua. Chồng bà may mắn thoát khỏi tay thần chết nhưng phải sống với căn bệnh suy thận cấp cho đến lúc cuối đời.

Phải có cái tâm mới làm nổi

– Các con nắm tay vào, bái tổ, chuẩn bị xuống tấn!

– Cô ơi, con không nhìn thấy…

Nghe mấy đứa trẻ rụt rè lên tiếng, bà giận sự vô ý của mình. Nhanh nhẹn co tay làm mẫu, bà nhẹ nhàng đến bên từng đứa, cho chúng sờ vào tay mình để bắt chước. Làm sao để cho những em bé chưa từng nhìn thấy ánh sáng, chưa từng có khái niệm hình tượng về bất cứ động tác hình thể nào có thể học được võ? Chỉ còn cách diễn tả bằng lời, tập mẫu cho các em… sờ thấy, rồi chỉnh sửa từng tư thế. Kiên trì từng chút, từng chút, sau những ngày cô trò hò hét khản giọng, lần lượt từng em nhỏ yếu đuối nhất cũng tập được những thế võ đầu tiên.

Vở kịch đầu tiên mà bà tập cho các em là vở “Trần Quốc Toản ra quân”. Các em không nhìn thấy nhau, bà nghĩ ra cách tập riêng từng phần rồi bấm vai ra hiệu cho từng em, khi đến phần diễn. Chứng kiến vở diễn xúc động này, Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét: “Em mù “lồng tiếng” cho em câm. Em có chân, tay làm thay những động tác cho em khuyết tật. Thu Vân đã làm cho những em nhỏ không thấy mà như thấy, không nghe mà như nghe, không nói được mà như hát được. Cái đó, phải có cái tâm mới làm nổi!”.

Vượt lên bạo bệnh

Trong khi ông vẫn chịu cảnh một tuần 3 lần chạy thận nhân tạo, đứa con gái mắc chứng bệnh kỳ lạ, rụng tóc đến trọc cả đầu thì bà phát bệnh nan y: ung thư giai đoạn cuối, có dấu hiệu di căn lên não. Khó khăn đến cùng cực! Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc của một vài tờ báo, bà vượt qua giai đoạn ngặt nghèo. Xạ trị xong, nữ võ sư bạch đai rụng hết tóc và chỉ còn nặng 35 kg. Bà bắt đầu quãng đời còn lại của mình bằng cách đưa võ thuật đến với các em nhỏ tật nguyền. Đến nay, bà đã cùng các nghệ sĩ, võ sư, nhà giáo về hưu mở lớp võ thuật cho các em nhỏ của hơn 10 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mái ấm, nhà mở tại TPHCM.

Mới đây, trong lần ra chùa Ngòi, Bắc Ninh chữa bệnh, bà tập hợp và mở luôn lớp dạy võ, diễn xuất cho hơn 500 trẻ mồ côi, cơ nhỡ, tàn tật, lang thang. Bà khoe: “Vừa rồi, đã có người cho được 3 đầu lân, 9 trống, 30 cờ, 1 dàn nhạc cụ để tập cho các em. Nhìn các em luyện tập thiếu thốn, không áo, không quần, có giáo viên trong nhóm cầm luôn xe máy để may đồ, mua kiếm, ống sáo và giày dép cho tụi nhỏ. Nhìn thằng nhỏ chân tay đen đúa không nén nổi vui sướng khi xỏ chân vào đôi hia để đóng vai tướng, chúng tôi hạnh phúc rơi nước mắt”.

Bây giờ, cứ cách 2 tuần, bà lại lặng lẽ soạn đồ ra Bắc Ninh chữa bệnh và tập bài tập mới cho 500 em võ sinh. Bà đi một mình, về cũng một mình. Ngày xưa, lúc bà trốn viện, trốn nhà đi tập võ, đi làm cascadeur, ông giận, không thèm nhìn mặt. Còn bây giờ, giữa cơn thở dốc sau những lần lọc máu, ông lại chậm rãi “cố vấn” cho bà từng chỗ quen biết để vận động tài trợ cho lớp võ tình thương. Nhiều lúc, Thủy, con gái bà năn nỉ: “Con xin mẹ, mẹ đừng làm nữa, mẹ về với ba đi!”. Bà trả lời: “Mẹ nghỉ thì bỏ các cháu khuyết tật cho ai?”.

Thủy im lặng. Cô hiểu, ba mẹ mình - hai đảng viên trên 40 năm tuổi Đảng - đã quyết định tận hiến những ngày còn lại cho hạnh phúc của những em nhỏ tật nguyền, bất hạnh.

Đoàn Mai Hương

Tin cùng chuyên mục