Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, một thần tượng thi ca trong tôi. Đến giờ đây nhà thơ Y Phương , tức thằng bạn từ thuở lính Hứa Vĩnh Sước vẫn khẳng định rằng: Cái tên ký Châu La Việt của tôi là bắt đầu từ ba chữ cái CLV của tên ông Chế Lan Viên!
… Tôi yêu thơ Chế lan Viên từ những ngày thơ trẻ, nhất là yêu những câu thơ cuồn cuộn một tình yêu lớn với đất nước, quê hương “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ như cha như vợ như chồng/ Ôi tổ quốc nếu khi cần ta chết /Cho mỗi ngôi nhà mỗi đỉnh núi,dòng sông” hoặc “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” nghe dào dạt lắm, nghe sướng lắm. Những câu thơ ấy vừa như chính khúc hát của tâm hồn trai trẻ của mình, mà lại vừa như thắp thêm một ngọn lửa diệu kỳ về tình yêu quê hương Tổ quốc trong trái tim mình… Nhất lại vào những ngày kháng chiến, những ngày mà vì tiếng gọi non sông, vì tình yêu Tổ quốc, ai cũng thiết tha cầm súng lên đường, sẵn sàng hy sinh tất cả…
Vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên bên hai con gái.
May mắn cho tôi là vào cái buổi mình yêu thơ Tố Hữu, yêu thơ Chế Lan Viên nồng nhiệt, tôi lại có may mắn được gặp ông. Do mẹ tôi thân với ông từ thời chống Pháp ở Khu Tư, ở Bình Trị Thiên; lại là người đồng hương nên khi thấy tôi thích thơ ông quá, một hôm mẹ tôi mới dẫn tôi đến thăm ông, trong một căn nhà nhỏ trong khu nhà 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Gặp nhau, hai người mải mê trò chuyện về quê hương Quảng Trị. Ngồi yên bên mẹ, được chiêm ngưỡng ông, được nghe chuyện của ông, tôi như bị hớp hồn… nhưng tôi vẫn chợt nhận ra một điều rất buồn cười. Trên bàn làm việc của ông có một tấm biển nhỏ ghi hàng chữ: “Tôi rất bận, xin các bạn không ngồi lâu quá 5 phút”. ”Răng rứa anh?”, mẹ tôi cười hỏi ông. Ông cũng nở một nụ cười: “Anh nhiều khách quá nên phải đặt ra nguyên tắc ấy. Bất cứ vị khách nào đến, dù công việc gì anh cũng xin phép tiếp đúng 5 phút thôi”. Mẹ tôi hỏi đùa ông: “Nhưng họ cứ ngồi lỳ ra thì mần răng?” “Thì đây” - Thần tượng của tôi nở một nụ cười hóm hỉnh, tay bấm một công tắc điện, lập tức một chiếc đèn con màu đỏ nhấp nháy liên hồi ở cái biển “xin không ngồi quá 5 phút”. Vui chuyện thế, mà ông cũng liền đứng dậy tiễn mẹ tôi ra cửa, xoa xoa lên tóc tôi: “Cháu về nhé, có gì muốn hỏi về thơ thì cháu cứ đến đây…”
Sau này tôi có đến thăm ông một đôi lần, nhưng lần nào từ cửa nhìn vào cũng thấy căn phòng ông có khách. Thế là lặng lẽ ra về. Chỉ có một lần tôi đánh bạo vào, lí nhí nói với ông là cháu có làm được ít bài thơ, nhờ bác đọc và chỉ bảo cho cháu. Tôi run run đưa ông cuốn vở nhỏ chép thơ - những bài thơ đầu đời vụng dại. Ông đón nhận trìu mến: “Cháu cứ để bác xem, rồi bác sẽ ghi ý kiến nhận xét.” Nói rồi ông quay sang nói với mấy vị khách trong phòng như giới thiệu về tôi : “Con trai Tân Nhân đấy”. Tôi nghe những tiếng thì thầm: “Con Hoàng Thi Thơ à?”. Có lẽ thế. Nhìn nó giống lắm!.” Lại tiếng thì thào: “Sao nó không đi viết nhạc mà đi làm thơ hè”?
Thời gian sau đó, tôi có quyết định nhập ngũ. Tôi đến chào ông để lên đường. Ông có vẻ bất ngờ: “Cháu sẽ vào chiến đấu ở đâu? ở binh chủng gì?”. Tôi nói với ông có lẽ miền Nam bác ạ. Ông bảo ông cũng có một người con trai mới lên đường. Rồi ông đưa ra tập thơ của tôi, được cất trong một phong bì bằng giấy báo do ông tự cắt dán: “Thơ của cháu đây, bác đã đọc kỹ rồi, và có ghi kỹ những nhận xét. Cháu có tâm hồn thơ, nay lại có thêm thực tế chiến đấu ở mặt trận, sẽ rất tốt cho thơ cháu tương lai. Nếu cháu làm được bài thơ nào, cháu gửi về cho bác xem nhé”. Chưa hết, ông còn lấy một tấm ảnh nhỏ đặt trên bàn, ảnh chụp ông với một người chiến sĩ trẻ, quần áo còn thơm lựng mùi hồ, rồi ghi vào sau đó dòng chữ:”Tặng cháu Châu La Việt tấm ảnh bác chụp với Phan Lai Triều ngày anh Triều nhập ngũ”.Tay tôi run lên đón nhận tấm ảnh ông trao, có cả bút tích của ông, như một kỷ niệm thiêng liêng ông dành cho tôi đi vào mặt trận…
Tấm ảnh ấy đã theo tôi qua nhiều sông, nhiều suối, nhiều chặng đường bom đạn, khi bên đông lại khi bên tây Trường Sơn. Theo tấm ảnh ấy, gặp cánh quân nào tôi cũng xem có gương mặt nào tương tự như anh Triều con ông hay không, để hy vọng anh em gặp nhau hàn huyên tâm sự với nhau về ông, về một người cha mà cả hai đều rất yêu quý. Nhưng bao cánh quân giao nhau mà vẫn không một lần được gặp. Sau này tôi biết anh Phạm Tiến Duật cũng nhiều năm tháng trên đường Trường Sơn cũng tìm anh Triều, gặp đoàn quân nào cũng hỏi: “Thằng Triều con anh Hoan / Có trong đoàn quân ấy?” (Trường ca Những vùng rừng không dân)
Đã không gặp được anh Triều, mà rồi tôi cũng không giữ được tấm ảnh! Có lẽ đó là một trong những tiếc nuối nhất của tôi về kỷ vật trong chiến tranh. Nhưng mất đi tấm ảnh không phải do tôi. Trong một trận chiến đấu, máy bay Mỹ phóng bom trúng vào trận địa, chúng tôi người còn kẻ mất, ba lô quần áo cháy hết. Tấm ảnh cũng cháy đen. Từ đấy tôi chỉ còn hình ảnh ông và người con trai ông trong trái tim mình…
Nhiều năm tháng sau khi ông đã mất, vật kỷ niệm ông trao tôi ngày lên đường có hình ảnh, có bút tích thương yêu của ông luôn là một tiếc nuối lớn trong tôi. Có một lần ra nhà sách Fahasa, thoáng thấy một cuốn Nắng gió Trường Sơn của tác giả Phan Lai Triều, tôi liền mua ngay. Thật bất ngờ trong tập sách ấy, có tấm hình nhà thơ Chế Lan Viên và anh Phan Lai Triều chụp ngày anh Triều năm xưa nhập ngũ. Hệt như chính tấm ảnh ông đã tặng tôi mà bom đạn đã thiêu cháy. Trái tim tôi như bóp lại. Tôi đã tìm lại được kỷ niệm xưa đầy thiêng liêng của mình, đã tìm lại được trái tim nhân ái và đầy yêu thương của bác Chế Lan Viên ngày ấy đã dành cho một người lính trẻ là tôi…
Rồi một lần tôi đến thăm mẹ tôi, tôi lại bất ngờ gặp anh Phan Lai Triều. Anh đang ôm đàn và hát cho mẹ tôi nghe một bài hát anh mới viết về đồng đội ở Trường Sơn… Cũng buồn cười, tôi là con ca sĩ nhưng lại mê bố anh nhà thơ, còn anh là con nhà thơ lại mê mẹ tôi, ca sĩ …
Có một điều liên quan đến tấm ảnh mà anh Triều đã kể lại cho tôi nghe rằng: Ngày anh lên đường, bố anh nhờ một người bạn nhiếp ảnh chụp cho hai cha con một tấm làm kỷ niệm, rồi in ra hai tấm. Anh Triều mang theo một tấm lên đường, còn ông giữ một tấm, trang trọng để ngay trên bàn làm việc để nguôi ngoai nhớ đứa con đi xa… Nhưng ngày tiễn tôi, ông đã gỡ tấm ảnh ấy ra trao tặng nốt. Anh Triều bảo, có lẽ ngày ấy bố anh cũng đã coi tôi như con…”
*
Năm 2010 tôi xây nhà ở quận 9. Bên những hàng tre hàng trúc, tôi trồng một cây khế. Con tôi hỏi vì sao ba trồng cây khế, tôi bảo là vì ba yêu thơ ông Chế Lan Viên. Rồi đến mùa khế ra hoa, thành quả. Cầm trái khế trên tay, tôi không chỉ nhớ Chế Lan Viên, mà cả vô cùng nhớ mẹ. “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/ Khế trong vườn thêm một tý rau thơm/ Ừ,thế đó mà một đời xa mẹ…”. Cứ đọc đến câu này là tôi lại khóc, dù đọc một mình hay đọc cho vợ con nghe. Nhớ thương mẹ vô vàn.
CHÂU LA VIỆT