Một dòng hồi tưởng rất quý

Trước mắt tôi, một chồng hồi ký mới tái bản, dày dặn, trang nhã, còn thơm mùi mực mới. Người kể là các tướng lĩnh lừng danh: Đại tướng Hoàng Văn Thái (Điện Biên Phủ, chiến dịch lịch sử; Những năm tháng quyết định), Thượng tướng Phùng Thế Tài (Bác Hồ, những kỷ niệm không quên), Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (Ký ức Tây Nguyên), Thượng tướng Nguyễn Hữu An (Chiến trường mới), Trung tướng Nguyễn Đôn (Bình minh Ba Tơ), Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (Đường xuyên Trường Sơn)… Và dày dặn, quy mô hơn cả là bốn tập hồi ký 1.586 trang của vị tướng huyền thoại - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử).

Trước hết là do đặc trưng của thể loại và uy tín của người kể, người viết - không chỉ là chứng nhân bình thường, mà họ - với tư cách người trong cuộc, thậm chí giữ vai trò rất quan trọng trong những năm tháng đầy biến động, dồn dập những sự kiện lớn lao trọng đại, mang tính bước ngoặt của lịch sử - đã kể lại với sự cẩn trọng, trung thực. Mỗi tập hồi ký như một trang tranh đấu sử kỳ diệu, xếp chúng liền bên nhau tự nhiên hình thành một bộ tranh liên hoàn, một bộ phim sử thi hoành tráng về “những năm tháng không thể nào quên”. Không thể quên, vì những năm tháng ấy dân tộc ta, nói như Chế Lan Viên “chói lòa, hóa thân, đột biến”.

Không thể quên những ngày người chiến sĩ cách mạng lão thành Hồ Chí Minh bền bỉ kiên trì vận động cách mạng ở Trung Quốc dưới con mắt dò xét của chính quyền Tưởng Giới Thạch (Phùng Thế Tài: Bác Hồ, những kỷ niệm không quên). Không thể quên hình ảnh những đồng bào ta ở Quảng Ngãi - nông dân có, học sinh có - đã đến với cách mạng, trưởng thành nhờ “Trường học trong nhà tù” để rồi quyết tâm khởi nghĩa cướp chính quyền (Nguyễn Đôn - Bình minh Ba Tơ).

Bốn tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bao quát suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ những ngày đầu phòng ngự hết sức gian khổ, phải “Chiến đấu trong vòng vây” điệp trùng của giặc cho đến khi lá cờ Tổ quốc được giương cao trên nóc hầm De Castries giữa lòng chảo Điện Biên.

Bức tranh kháng chiến chín năm ấy đã được các tướng lĩnh khác điểm xuyết thêm. Phùng Thế Tài với trọng trách Tư lệnh mặt trận Hà Nội đã cho người đọc biết khá chi tiết những ngày đầu quân dân Hà Nội kiên cường chống chọi lại đạo quân xâm lược Pháp trong tương quan lực lượng hoàn toàn chênh lệch có lợi cho giặc.

Đại tướng Hoàng Văn Thái, với tư cách Tham mưu trưởng mặt trận, đã tái hiện sinh động chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ những ngày chuẩn bị chiến dịch tỉ mỉ, khẩn trương trong cơ quan tham mưu đến những quyết sách sáng suốt, dũng cảm của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại chỉ huy sở trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam được nhiều vị tướng lĩnh đặc biệt quan tâm. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã dựng lại một chiến công đặc biệt: 120.000 bộ đội, thanh niên xung phong, kỹ sư, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ… đã lặng lẽ đổ công sức, mồ hôi và cả máu trong non 15 năm để xây dựng, bảo vệ và mở rộng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Hai vị Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Nguyễn Hữu An kể về mặt trận Tây Nguyên. Đại tướng Hoàng Văn Thái nói về những ngày chỉ huy đánh Mỹ ở Nam bộ. Thượng tướng Phùng Thế Tài hào hứng nhớ lại với tư cách Tư lệnh Phòng không - Không quân những trận thắng vang dội, bắn rơi đủ loại máy bay siêu hiện đại của Mỹ: Thần sấm, Con ma, Giặc nhà trời, B52… của binh chủng tên lửa không quân non trẻ.

Khác với những trang bút ký, ký sự ghi lại những lời kể của các anh hùng, chiến sĩ trực tiếp cầm súng; là những người giữ cương vị chỉ huy - chỉ huy quân chủng, binh chủng, chỉ huy quân đoàn, quân khu…, các tướng lĩnh còn cho người đọc thấy rõ bản lĩnh của người cầm quân: khả năng phân tích sắc sảo tình hình, tương quan lực lượng địch - ta; sự linh hoạt quyền biến trong việc hoạch định chiến thuật; tinh thần dám chịu trách nhiệm trước trung ương về những quyết định khó khăn liên quan đến cả đại cục, đến sự thắng thua của cách mạng.

Tôi đã đọc đi đọc lại chương 10 (Chiến đấu ở Quảng Trị) trong hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Hữu An. Trong những ngày quần nhau với phi pháo và bộ binh địch đến nghẹt thở ở khu vực thành cổ Quảng Trị, vị tướng này đã suy nghĩ, cân nhắc hết sức nghiêm túc về chiến thuật cho toàn trận địa không ngại bản thân bị cấp trên và đồng đội hiểu sai: cứ tiếp tục tấn công bất chấp tổn thất nặng nề, hay nên tạm thời quay về phòng ngự để bảo toàn lực lượng?

Và có thể nói chương bốn (Quyết định khó khăn nhất) trong tập Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử giúp ta hiểu được tài năng, nhân cách của đại tướng tổng tư lệnh, đồng thời đó cũng là bài học rất quí, vĩnh viễn mang tính thời sự cho những ai làm công tác lãnh đạo. Thế trận đã dàn xong, chiến thuật đã được Bộ Chính trị duyệt. Thế nhưng, liệu có nên cứ “đánh nhanh”, khi không có căn cứ để tin sẽ “thắng nhanh”? Đại tướng đã khiến người đọc cảm động khi nhắc lại lời dặn của Hồ Chủ tịch trước lúc ông ra trận: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!”.

Ông kể thêm: “Đêm ngày 25 tháng 1 năm 1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu” (trang 101). Và như ta đã biết, vị tướng đáng kính này đã họp bộ chỉ huy mặt trận, sau đó vừa nghiêm túc cảm thông với đoàn chuyên gia quân sự nước bạn vừa báo cáo với thường vụ Trung ương Đảng về một quyết định dũng cảm mà nếu còn nghĩ đến quyền lợi cá nhân thì không ai dám làm như thế: kéo pháo ra, bố trí lại trận địa, thực hiện chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc”.

Chính vì vậy, có thể nói đọc các tập hồi ký này ta không chỉ biết những sự kiện lịch sử lớn lao mà còn tiếp cận những con người tưởng như khô khan, lý trí, thực ra rất giàu tình người. Trải đều trong các tập, ta gặp không ít trang ghi lại tâm tư tình cảm của các tướng lĩnh, tấm lòng của họ đối với đồng đội, nhân dân; lòng trung thành kiên định của họ đối với lý tưởng; phong cách sống có lý có tình của họ trong bất kỳ hoàn cảnh gian nan nguy hiểm nào.

Nối tiếp Binh thư yếu lược, Hổ trướng khu cơ của tiền nhân, những gì các tướng lĩnh kể lại trong hồi ký đã làm phong phú thêm gấp bội nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Cùng với những trận Hàm Tử, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… các tướng lĩnh đã cùng quân dân cả nước viết tiếp những trang chói sáng: Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đọc các tập hồi ký rất quý này, tất yếu chúng ta còn nghĩ đến ý nghĩa, tác dụng của nó đối với cuộc sống hôm nay - một cuộc sống khá đặc biệt: vừa phải tấn công quyết liệt vào đói nghèo lạc hậu để nước ta không hổ thẹn với bè bạn năm châu, vừa phải hết sức cảnh giác trước mọi mưu mô thủ đoạn xâm lược của thế lực thù địch bên ngoài. Cả hai mặt trận ấy đều đòi hỏi phải có những con người sống hết mình cho Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, dám chịu trách nhiệm. Đọc hồi ký của các tướng lĩnh, nghĩ đến thành công trọn vẹn của chặng đường hơn hai phần ba thế kỷ trước, càng thấy tính cấp thiết phải có những con người như thế cho hôm nay và mai sau. 

TRẦN HỮU TÁ

Tin cùng chuyên mục