Một khu dân cư hoang tàn

Ngay góc ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập, giữa khu đô thị đẹp, hiện đại lại có một khu vực hoang tàn dưới chân cầu vượt, đó là khu dân cư Phương Nam (phường Tân Phú, quận 7, TPHCM). 
Gọi là khu dân cư, nhưng dãy nhà mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh chỉ lèo tèo vài căn nhà lầu cũ kỹ, chen lẫn với cây cỏ dại và rác. 
Gần 10 năm chưa có điện
Ông Nguyễn Kim Chung (chủ căn hộ 5B) cho biết: “Cuối năm 1997, tôi mua một nền đất của Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà ở Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) với giá khoảng 70 cây vàng. Năm 2000 tôi được giao đất và năm 2004 tôi xây nhà theo đúng thiết kế của Công ty Phương Nam. Khi tôi xây nhà xong, Công ty Phương Nam đề nghị tôi nộp thêm một khoản tiền tương đương với tiền mua nền đất để được cấp đồng hồ điện. Tôi không đồng ý. Bởi lẽ, trong hợp đồng mua bán nền nhà, có điều khoản ghi rõ trách nhiệm của bên A (Công ty Phương Nam) là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật: san lấp mặt bằng, làm hệ thống thoát nước, cấp điện, hệ thống giao thông. Sau đó ít ngày, công ty gửi cho tôi một văn bản đề nghị tôi ký. Đó là văn bản có nội dung không sử dụng hạ tầng kỹ thuật của khu dân cư Phương Nam, như: hồ bơi, công viên, sân quần vợt, thể dục dụng cụ. Trong đó không hề nhắc đến việc không sử dụng điện nước, vậy mà chính văn bản này đã gây khó cho tôi về sau này, suốt gần 10 năm nhà không có điện”.
Một khu dân cư hoang tàn ảnh 1 Cây cỏ dại mọc um tùm tại khu dân cư Phương Nam
Do không có điện nên không thể đưa gia đình về ở, ông Chung làm đơn cầu cứu gửi ngành điện. Công ty Điện lực Tân Thuận có công văn trả lời, cho biết Công ty Phương Nam chưa bàn giao lưới điện và trạm biến áp trong khu dân cư, do vậy công ty phải có nghĩa vụ cung cấp điện cho hộ ông Chung. Khoản 6, Điều 17 Nghị định 11/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị đã quy định rất rõ việc này. Khi ông Chung nộp đơn kiện, Công ty Phương Nam đã gửi công văn đề nghị Tòa án nhân dân quận 7 kết luận ông Chung phải nộp 1,6 tỷ đồng để làm nghĩa vụ nộp tiền hạ tầng kỹ thuật. 
Còn ông Lê Văn Huấn (chủ căn hộ 4B) cho biết: “Khi xây dựng xong, để nhà được cấp điện, tôi và một số chủ hộ đã phải đấu tranh rất gay gắt với Công ty Phương Nam, và rồi đã phải chấp nhận đóng thêm hơn 20 triệu đồng để được kéo điện từ trạm phát của công ty về căn hộ. Số tiền đó lúc ấy khá lớn, nhưng vì cần có điện để ở nên phải đành cắn răng chịu thiệt. Không chỉ vậy, đến nay phần đông các hộ ở khu dân cư Phương Nam vẫn chưa có sổ đỏ. Năm 2007, gia đình tôi chuyển về đây ở. Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty Phương Nam để đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng công ty luôn trì hoãn. Năm 2012, tôi khởi kiện và tòa án đã nhiều lần đưa ra xét xử. Vào năm 2015, Công ty Phương Nam đưa cho tôi giấy giới thiệu và công văn gửi Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM (TN-MT) để đi làm thủ tục nhận sổ đỏ. Nhưng thực tế Sở TN-MT không thể cấp sổ đỏ được, vì Công ty Phương Nam chưa thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án. Khi biết chúng tôi làm đơn khởi kiện đòi sổ đỏ, Công ty Phương Nam đã cắt điện vài lần, nên chúng tôi cứ phải sống trong phập phồng”. 
Sự chây ỳ của chủ dự án
Qua nghiên cứu hợp đồng sang nhượng nền đất nhà ở giữa Công ty Phương Nam và khách hàng, có thể thấy công ty đã vi phạm hợp đồng khi buộc khách hàng đóng 1,6 tỷ đồng hay 20 triệu đồng/hộ thì mới cấp điện, và mãi đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục khiến các hộ chưa có sổ đỏ. Theo Điều 3 Hợp đồng sang nhượng nền đất nhà ở, Công ty Phương Nam có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san lấp mặt bằng, làm hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, cấp nước và hệ thống giao thông; hệ thống cấp nước, cấp điện dẫn đến hàng rào bên B (tức các chủ mua đất và xây dựng nhà). 
Ngày 28-4-2017, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng đã ký công văn số 4195, kiến nghị UBND TPHCM giao Thanh tra TP thanh tra toàn bộ việc thực hiện dự án khu nhà ở tại phường Tân Phú của Công ty Phương Nam. Công văn nêu rõ, Công ty Phương Nam được giao đất từ năm 1998, đến năm 2007 thì có điều chỉnh ranh khu đất thực hiện dự án. Đến nay đã 10 năm, công ty vẫn không thực hiện điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến không có cơ sở cấp giấy chứng nhận cho một số nền đất mà người dân đã nhận chuyển nhượng, đồng thời có một phần diện tích khu đất phía Nam của dự án không được đầu tư xây dựng do chưa có quy hoạch chi tiết 1/500.
Người dân đang chờ đợi cơ quan chức năng xử lý Công ty Phương Nam về sự chây ỳ, thiếu trách nhiệm và xâm hại quyền lợi chính đáng của cư dân.

Tin cùng chuyên mục