Một năm đầy biến động

Khi đồng hồ trên toàn thế giới đang bắt đầu đếm ngược để đánh dấu giờ khắc giao thừa năm 2015, mọi người hân hoan chuẩn bị đón chào năm mới thì thông tin về số phận chuyến bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia đã làm lòng người chùn xuống.

Khi đồng hồ trên toàn thế giới đang bắt đầu đếm ngược để đánh dấu giờ khắc giao thừa năm 2015, mọi người hân hoan chuẩn bị đón chào năm mới thì thông tin về số phận chuyến bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia đã làm lòng người chùn xuống.

Có thể nói, năm 2014 là năm đại họa đối với giao thông thế giới. Những vụ tai nạn máy bay rơi và mất tích bí ẩn, những vụ chìm phà, lật tàu hỏa… cướp đi sinh mạng cả ngàn người.

Nhưng năm 2014 không chỉ có thế. Có thể nói về năm qua gói gọn trong 4 từ: khủng bố, ly khai, tai nạn và dịch bệnh. Tổ chức gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nổi lên còn tàn bạo hơn al-Qaeda, đe dọa vẽ lại bản đồ của cả vùng Trung Đông rộng lớn, đặt thế giới vào tình trạng bất an như sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 trên đất Mỹ.

Sự kiện bán đảo Crimea tuyên bố ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga cùng với các tỉnh miền Đông Ukraine đòi tự trị đã trở thành “Bức tường Berlin vô hình của thế kỷ 21” khi mà nó chính thức đặt Đông và Tây châu Âu vào hai tuyến đối đầu. Khi đó, Mỹ bắn một mũi tên trúng nhiều mục tiêu. Đó là thuyết phục đồng minh cấm vận Nga và hạ giá dầu thế giới. Nga điêu đứng vì là nước xuất khẩu dầu hỏa hàng đầu với nguồn thu chiếm 50% giá trị xuất khẩu và đóng góp 30% GDP, trong khi “liều thuốc” này cũng đang gây “tác dụng phụ” ở hai nước không cùng tuyến với Mỹ là Iran và Venezuela. Cấm vận Nga thì các nước châu Âu - đồng minh chính trị, quân sự nhưng là đối thủ về kinh tế của Mỹ - bị thiệt chứ riêng Mỹ không bị thiệt gì. Trong khi đó, Mỹ “ngồi rung đùi” hưởng lợi vì là nước nhập khẩu dầu. Dù Mỹ đã giảm tỷ lệ nhập khẩu dầu nhưng hiện vẫn phải nhập tương đương 28% sản lượng tiêu thụ trong nước tính đến cuối tháng 9-2014. Chính phủ Mỹ lại được dịp tăng tỷ lệ ủng hộ của cử tri, trong lúc kinh tế đang khó khăn mà giá xăng dầu lại hạ thì còn gì bằng.

Nói đến sự ủng hộ của cử tri, nhớ đến tín hiệu vui trong những ngày cuối năm. Đó là việc Cuba và Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm căng thẳng. Đối với Cuba, đây là một thắng lợi lớn, cho thấy sự bao vây cấm vận của Mỹ không làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa cũng như không xóa bỏ được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở hòn đảo xinh đẹp trong vùng biển Caribe. Đối với Mỹ, đây cũng là một quyết định giành lại lá phiếu cử tri. Nhưng cần chú ý không phải lá phiếu của dân thường mà là lá phiếu của các tập đoàn kinh tế. Các tập đoàn kinh tế Mỹ đã đi về như con thoi giữa La Habana và Washington mấy năm rồi và thuyết phục chính phủ rằng Cuba là một thị trường mới có rất nhiều tiềm năng. Đứng từ góc độ chính trị, Chính phủ Mỹ nhận thấy cần có cách tiếp cận khác để thay đổi chế độ ở Cuba. Chính phủ Mỹ không thể kiên nhẫn mãi với Cuba để rồi nước này đang có sức lan tỏa mạnh trong khu vực Mỹ Latinh, nơi đã có 14 nước có chính phủ cánh tả cầm quyền, trong đó 10 nước tuyên bố quyết tâm theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đối với Mỹ, không có thất bại nào lớn hơn và tệ hơn nếu các nước noi gương Venezuela quốc hữu hóa các ngành công nghiệp hàng đầu như khai thác dầu, khoáng sản, và “mời” các công ty Mỹ về nước.

Thế mới thấy vai trò của lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế quan trọng như thế nào trong đời sống chính trị, xã hội ở các nước tư bản. Năm 2014, giữa lúc dịch bệnh Ebola bùng phát, giết chết hàng ngàn người ở châu Phi, các chuyên gia kinh tế, chính trị nhận định nếu như bệnh nhân là người da trắng và có tiền thì chắc dịch bệnh đã được ngăn chặn từ rất sớm. Sở dĩ có nhận xét như thế vì một số công ty dược lớn trên thế giới đã từ chối đầu tư nghiên cứu thuốc chữa bệnh do không có lợi nhuận, vì hầu như thuốc được sản xuất ra sẽ được cung cấp miễn phí hoặc bán với giá rẻ cho các nước nghèo ở Tây Phi đang bị dịch Ebola hoành hành. Sự kiện này gợi nhớ đến việc các tập đoàn dược phẩm lớn trong những năm đầu thế kỷ 21 từng từ chối chuyển nhượng bản quyền sản xuất thuốc chữa căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS cho các nước đang phát triển để có thuốc rẻ hơn cho bệnh nhân nghèo.

Tai nạn, dịch bệnh có lẽ cũng không khiến con người lo sợ bằng nguy cơ chiến tranh. Năm 2014, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông, dùng sức mạnh đe dọa tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam đã làm cho biển Đông -một vùng biển trong Thái Bình Dương đã không còn thái bình.

Một năm trôi qua đầy biến động, vậy năm 2015 sẽ như thế nào? Không ai đoán trước được tai nạn, dịch bệnh, thiên tai. Nhưng cục diện chính trị thế giới sẽ xoay quanh trục quan hệ Nga - Trung - Mỹ, trong đó Nga và Mỹ mà đằng sau là khối Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục căng thẳng, còn Trung, Mỹ sẽ hòa hoãn. Bởi Mỹ không thể để Nga bắt tay Trung Quốc đối đầu với mình vì Mỹ không thể căng kéo cùng lúc ở Thái Bình Dương và Biển Đen. Điều này đã được chứng minh bằng thỏa thuận Mỹ - Trung về tránh va chạm quân sự hồi tháng 11-2014, các thỏa thuận thương mại song phương mới đây và việc Mỹ hối thúc Nhật, Trung cải thiện quan hệ.

Nhưng trong bối cảnh quốc tế, với những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, liệu các nước có xích lại gần nhau để chung tay giải quyết các vấn đề chung của nhân loại?.

  VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục