Một năm ra "biển lớn"

Ngày mai, 11-1-2008, tròn một năm kể từ ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO. Năm qua nền kinh tế nước ta diễn biến khá sôi động và đa dạng: thu hút FDI đạt kỷ lục 20,3 tỷ USD; xuất khẩu đạt 48,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2006, nhưng nhập siêu cũng tăng trên 35%; lạm phát ở mức 2 con số; khả năng hấp thụ vốn chưa đạt yêu cầu…

Nhiều người đã khẳng định “WTO không phải là phương thuốc thần kỳ”, điều quan trọng là Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội mà WTO mang lại như thế nào. Từ những bài học của năm qua, có thể thấy, về mặt vĩ mô cần có những biện pháp mạnh, quyết liệt  hơn nữa. Đó là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để tăng khả năng hấp thụ các dòng vốn đầu tư; đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm chiếm giữ những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng sẽ góp phần giảm nhập siêu. Những yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát là bài toán lớn cần giải quyết trong năm 2008, như phải làm tốt công tác dự báo và có biện pháp kiềm chế quyết liệt.

Đặc biệt, khi hội nhập, nông nghiệp (hiện đang chiếm 80% ở nước ta) là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Vì thế, tăng nguồn lực cho nông nghiệp và nông thôn trong thời gian tới là vô cùng cần thiết. Điều này cũng rất trùng hợp với mục tiêu tăng trưởng và giảm nghèo một cách bền vững của Việt Nam.

Một yếu tố khác không thể không nhắc tới khi nói tới WTO là khu vực doanh nghiệp. Năm qua doanh nghiệp nước ta có những phản ứng tích cực với hội nhập, thể hiện qua sự gia tăng vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu và cải thiện việc điều hành trong quản lý, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong “đại dương” WTO, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang giống như một “phi đội thuyền nan”. Giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang có đang có khoảng cách xa về việc tận dụng cơ hội hội nhập. Dòng FDI tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội và lợi ích kinh doanh dài hạn ở Việt Nam.

Trong khi đó, một bộ phận lớn doanh nghiệp trong nước bị hút vào các mục tiêu ngắn hạn. Dù sao đi nữa, những động thái này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang hết sức sôi động, phát triển đa dạng, đa thái cực, qua đó sẽ bộc lộ những thế mạnh, điểm yếu và cả những khuyết tật. Những vấn đề này cần được đánh giá nghiêm túc để hội nhập thật sự hiệu quả.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Tin cùng chuyên mục