Một năm sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản - Bài 2: Câu hỏi lớn về điện hạt nhân

Tokyo suýt lâm nguy?
Một năm sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản - Bài 2: Câu hỏi lớn về điện hạt nhân

Mới đây, thị trưởng 3 thành phố lớn ở khu vực Kansai, gồm Osaka, Kyoto và Kobe đã yêu cầu Công ty điện lực Kansai (KEPCO) nỗ lực để phá bỏ sự phụ thuộc vào điện hạt nhân. Vấn đề an toàn hạt nhân vẫn đang là nỗi lo canh cánh khiến người dân Nhật Bản bất an khi tiết lộ mới nhất cho thấy chính phủ đã che giấu thông tin về thảm họa hạt nhân để trấn an dân chúng.

Những công nhân đảm nhận việc dọn sạch rò rỉ phóng xạ bên trong Nhà máy Fukushima.

Những công nhân đảm nhận việc dọn sạch rò rỉ phóng xạ bên trong Nhà máy Fukushima.

Tokyo suýt lâm nguy?

Gần 1 năm sau thảm họa động đất - sóng thần, gây ra tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, kế hoạch bí mật trên mới được Quỹ sáng kiến Tái thiết Nhật Bản (Rebuild Japan Initiative Foundation – RJIF) tiết lộ. Đây là tổ chức tư nhân, được thành lập để mang đến cho công chúng cái nhìn bao quát nhất về một Nhật Bản trong và sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân. Tổ chức này có sự tham gia của 30 giáo sư đại học, luật sư và nhà báo. Họ đã dành hơn 6 tháng để tìm hiểu phản ứng của nước Nhật trước thảm họa hạt nhân.

Tham gia cuộc điều tra còn có khoảng 300 chuyên gia hạt nhân hàng đầu, nhiều quan chức chính phủ, thậm chí cả Thủ tướng Nhật lúc đó là Naoto Kan và nhiều người khác từng chứng kiến những sự kiện. Bản báo cáo điều tra dày 400 trang đã đề cập tới những bí mật chưa từng được biết tới trước đây xung quanh thảm họa hạt nhân Nhật Bản, cung cấp nhiều bằng chứng, chứng minh chính phủ đã che giấu công chúng về hậu quả và mối đe dọa từ tai nạn Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Cuộc điều tra cũng vẽ nên bức tranh về tình trạng bối rối của chính phủ Nhật Bản trong những ngày tiếp theo sau sự cố. Sự hoảng loạn trong nội bộ các nhà lãnh đạo, trước khả năng rò rỉ phóng xạ từ hơn 10.000 thanh nhiên liệu hạt nhân tại những bể chứa gần các lò phản ứng đang gặp nguy hiểm.

Người phát ngôn của Chính phủ Nhật vào lúc xảy ra tai nạn Yukio Edano nói với các nhà điều tra rằng, ông đã nghĩ đến một kịch bản “khủng khiếp”, còn hai nhà máy điện hạt nhân nữa có thể bị hư hại. Một cơ sở trong số này nằm ở vùng phụ cận Tokyo. Một khi các lò phản ứng hạt nhân lần lượt phát nổ và trong trường hợp như thế thì thủ đô Tokyo coi như bị hủy diệt. Chính phủ Nhật lúc đó cũng đã dự trù những kế hoạch đại quy mô để sơ tán thủ đô Tokyo 150 dặm về hướng Nam vào giữa tháng 3-2011, lúc họ chưa biết chắc có thể khống chế được sự cố hạt nhân ở Fukushima hay không.

Mặc dù đả kích cựu Thủ tướng Kan vì đã hạ thấp tai họa, không phổ biến thông tin quan trọng về phóng xạ rò rỉ, nhưng RJIF “ghi công” Thủ tướng Naoto Kan về lệnh buộc công ty điện Tokyo (TEPCO) không rút nhân viên để nỗ lực kiểm soát tình thế. Theo các chuyên gia, nếu Thủ tướng Kan không kiên quyết với TEPCO, tai nạn hạt nhân Fukushima có lẽ đã trầm trọng hơn, với những hậu quả thảm khốc.

Chưa có hướng giải quyết chất thải nhiễm xạ

Một năm đã trôi qua, tại vùng Fukushima công việc dọn sạch chất thải hạt nhân vẫn chưa kết thúc. Hãng tin AP ngày 5-3 cho biết, còn 60 tấn chất thải nhiễm xạ chưa được xử lý. Nhiều chuyên gia thực hiện các dự án do chính phủ tài trợ đã không đảm bảo được thành công. Họ nói việc họ đang nỗ lực làm là thứ chưa từng xảy ra trong lịch sử, cho nên đây chỉ là một thử nghiệm. Thậm chí khi thành công, họ cũng không biết có giải quyết triệt để được hay không. Đó là sẽ chôn tất cả đất và chất thải nhiễm xạ ở đâu? Hàng chục phương pháp dọn chất thải nhiễm xạ đang được tiến hành, từ rửa, loại bỏ đất đến sử dụng hóa chất để loại bỏ phóng xạ từ đất nông nghiệp, làm khô đất đá…

Tuy nhiên, Cơ quan Nguyên tử Nhật Bản thừa nhận: “Đây chỉ là thử nghiệm vì khử độc theo các cách hiện nay chỉ là đưa chất ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác. Chúng tôi chỉ có thể giữ chất phóng xạ cách xa con người và không gian sống của họ, nhưng có thể không giũ sạch được chúng hoàn toàn. Mặc dù chính phủ đã chi 14 tỷ USD từ đây cho đến tháng 3-2014 để dọn sạch chất phóng xạ, nhưng công việc này có thể phải đến mấy thập kỷ”.

Còn bên trong nhà máy Fukushima, với mức lương ít nhất 8.000 yên (khoảng 2 triệu đồng) mỗi ngày, những công nhân đang có nhiệm vụ làm sạch chất rò rỉ phóng xạ trong hệ thống làm lạnh của nhà máy. Trong một tiết lộ mới đây, hãng tin AFP cho biết, với sức nóng thủy ngân lên đến 38 độ C, những công nhân này phải làm việc liên tục trong 3 giờ, một khoảng thời gian dài nhưng không uống nước vì không được phép cởi mặt nạ phòng hộ.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết, ít nhất 167 công nhân không còn khả năng làm việc trong những nhà máy hạt nhân nữa bởi mức phơi nhiễm phóng xạ của họ đã lên đến mức 100 millisieverts – cao hơn giới hạn cho phép của một công nhân làm việc trong môi trường hạt nhân.

Ngày 1-3, Ủy ban An toàn hạt nhân của Nhật Bản (NSCJ) đã yêu cầu các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân ở nước này chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xảy ra sóng thần lớn nhất. NSCJ đã quyết định sửa đổi văn bản hướng dẫn được cập nhật lần cuối năm 2006 mà trong đó chỉ có những chỉ dẫn hạn chế về sóng thần. Ủy ban này sẽ yêu cầu các nhà máy điện hạt nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn để chống chọi được các trận động đất và sóng thần lớn. Theo văn bản hướng dẫn, mỗi nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản được yêu cầu phải lường trước được trận sóng thần tồi tệ nhất có thể xảy ra, cho dù khả năng xảy ra thiên tai như vậy là cực thấp.

Trước đó, ngày 27-2, thị trưởng ba thành phố lớn ở khu vực Kansai đã yêu cầu Công ty điện lực Kansai (KEPCO) nỗ lực để chấm dứt sự phụ thuộc vào điện hạt nhân. Trong văn bản gửi KEPCO, công ty cung cấp điện năng cho khu vực Kansai, ba thành phố trên cũng đã yêu cầu công ty này công khai thông tin về nhu cầu và nguồn cung điện năng. Thị trưởng thành phố Osaka Toru Hashimoto còn dự định đề nghị từ bỏ sự phụ thuộc vào điện hạt nhân trong cuộc họp các cổ đông KEPCO vào tháng 6 tới.

Hạnh Chi (tổng hợp)


Tưởng niệm 1 năm ngày xảy ra động đất, sóng thần ở Nhật Bản

Tối 9-3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm 1 năm ngày xảy ra động đất ở vùng Đông Bắc Nhật Bản. Đó là trận động đất có quy mô lớn nhất trong lịch sử xảy ra ngày 11-3-2011, gây sóng thần rất lớn, cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người và đến nay, hơn 3.000 người vẫn đang mất tích. Các đại biểu và khách dự lễ tưởng niệm đã mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki nhấn mạnh, đó là một thảm họa đau buồn và cam go nhất mà người dân Nhật Bản phải gánh chịu. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm đó, Nhật Bản đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tính đến nay, Nhật Bản đã nhận được hơn 346,6 tỷ yên, tương đương với khoảng 88.000 tỷ đồng Việt Nam từ các nguồn quyên góp trong và ngoài nước. Hiện 80% nguồn hỗ trợ đó đã được chuyển đến các nạn nhân động đất và sóng thần. Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ như: cung cấp dịch vụ y tế, trợ giúp giáo dục, cải thiện đời sống cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Đại sứ Tanizaki khẳng định, người dân Nhật Bản luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam, đó là nguồn động viên lớn giúp Nhật Bản nhanh chóng phục hồi để tiếp tục phát triển.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những thiệt hại mà người dân Nhật Bản đã phải gánh chịu trong thảm họa động đất, sóng thần. Phó Thủ tướng đánh giá cao Nhật Bản dù đang còn nhiều khó khăn vẫn dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA; tin tưởng người dân Nhật Bản với ý chí mạnh mẽ, lòng quyết tâm cao sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm khắc phục những thiệt hại do thảm họa gây ra để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để chia sẻ và hợp tác với Nhật Bản vì sự phát triển của hai đất nước.

Một nhóm người dân của thành phố Morioka thuộc tỉnh Iwate, nơi bị ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa đã mang đến buổi lễ điệu múa dân tộc đầy lạc quan; một số gian triển lãm cũng được trưng bày ngay tại buổi lễ nhằm giới thiệu nhiều hình ảnh và tư liệu về tình hình tái thiết ở khu vực xảy ra thảm họa 1 năm trước.

Nhân dịp này, ngày 10-3, tại Thư viện Quốc gia, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức buổi trình chiếu phim tư liệu và thuyết trình “Một ký ức về trận đại địa chấn miền Đông Nhật Bản” nhằm cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình hiện tại và sự khôi phục của những khu vực bị ảnh hưởng.

TTXVN

1 năm sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản

- Bài 1: Đứng dậy sau đau thương

Tin cùng chuyên mục