Năm 1994, trong một lần đi hái lá thuốc ở trong rừng Cẩm Mỹ (chiến khu D ở Đồng Nai), chị Liêu Thị Vân (SN 1977) bị lạc. Đói và khát, phải hái củ, quả ăn, nước thì uống nước ở những vũng hố bom, khi đó cũng là thời gian chị cấn thai đứa con đầu tiên (là một cô gái quê, sống lam lũ nên chị hoàn toàn không biết mình đang có thai).
Vài tháng sau đó, chị sanh cô con gái Trần Phương Thủy (năm 1994). Không may, vừa sinh ra cháu đã bị dị dạng chân tay co quắp, mắt phải không mở được, mắt trái phải cắt mí mới tạm nhìn được. Suốt ngày cháu quặt quẹo, lăn lộn khóc ngần ngật. Nhìn con quằn quại, đau đớn, người mẹ trẻ Liêu Thị Vân ngất lên, ngất xuống, nước mắt chảy ngược vào trong, đớn đau đến tột cùng. Mới 3 tháng tuổi, cháu Thủy đã phải qua ba lần đại phẫu: mổ phần đầu để chữa thần kinh, mổ mắt để nhìn đời và mổ ruột để thông.
Bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam. Do thiếu hiểu biết và không được tư vấn, lại quá nghèo, lo sợ số tiền viện phí nên chị đã bồng con trốn viện. Từ đó, chị và chồng là anh Trần Ngọc Phương (SN 1973) tảo tần, lầm lũi nuôi con. Cháu Thủy càng lớn càng nhọc nhằn khó nuôi, cháu không thể tự ngồi và đứng được. Thêm nữa, cháu la hét suốt ngày, đêm lăn lộn không ngủ, đôi lúc cả xóm cũng phiền. Vì trốn viện, nên cháu Thủy không có hồ sơ bệnh án, không giấy tờ chứng nhận.
May mắn, tình trạng của Thủy được UBND phường 1, quận Gò Vấp TPHCM rất quan tâm, ưu ái. Gia đình được xét vào diện xóa đói giảm nghèo. Hàng tháng, Thủy được trợ cấp chế độ khuyết tật nặng 480.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, cháu Thủy - một nạn nhân chất độc da cam, chưa được các tổ chức chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và TPHCM đưa vào danh sách quan tâm điều trị và giúp đỡ.
Hoàn cảnh của vợ chồng anh chị Trần Ngọc Phương và Liêu Thị Vân hết sức cơ cực. Rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo xã hội quan tâm giúp đỡ. Địa chỉ của cháu Trần Phương Thủy: 29/2 Thiên Hộ Dương, KP3, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM.
Đặng Chí Lợi