Một nạn nhân có dấu hiệu khó thở

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM tiếp viện cứu hộ
Một nạn nhân có dấu hiệu khó thở

Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo:

  • Tăng cường công binh tham gia cứu hộ
  • Danh sách 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện
  • Bên ngoài tạnh ráo, trong hầm nước dâng

(SGGPO).- Đến 20 giờ, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo hiện mũi khoan thứ hai và thứ ba đang được tiến hành. Song song đó, một tổ cứu hộ vẫn tiếp tục đào và gia cố khung hình chữ nhật (cao khoảng 1,2 đến 1,5 m).

Đến 21 giờ, lực lượng cứu hộ cho biết vừa thông được một mũi khoan để hút nước từ khu vực công nhân mắc kẹt ra ngoài.

Hiện mực nước trong hầm đã dâng cao hơn 1m và ngành chức năng đã đưa máy bơm vào hầm để chuẩn bị bơm nước.

Theo ông Phạm Đình Hiếu, chỉ huy lực lượng cứu hộ công ty cổ phần Sông Đà 505 cho biết có một công nhân (có tiền sử tim mạch) mắc kẹt phía trong có dấu hiệu khó thở. 

Lúc 15 giờ 45 phút, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có mặt tại khu vực cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện.

Bộ trưởng đã biểu dương và động viên các cán bộ y tế tỉnh Lâm Đồng túc trực sẵn sàng ứng cứu, cấp cứu cho các công nhân ngay khi họ được đưa ra ngoài. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thăm hỏi, động viên người nhà một công nhân từ Bắc vào chờ tin người thân đang bị mắc kẹt trong hầm.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi người thân công nhân bị mắc kẹt. Ảnh: Đoàn Kiên

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đã điều động bác sĩ chuyên khoa chống ngạt từ TPHCM lên để phối hợp cấp cứu các nạn nhân.

Ngoài ra, Sở Y tế Lâm Đồng cũng huy động 32 y, bác sĩ, 9 xe cứu thương đến hiện trường túc trực sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

 Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM tiếp viện cứu hộ

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM cho biết, đơn vị đã nhận được yêu cầu và cử lực lượng tiếp viện trong vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo.

Theo đó, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM đã cử 45 cán bộ, chiến sĩ với 4 xe các loại (2 xe chuyên dụng, 1 xe chở quân, 1 xe chở thiết bị cứu nạn, cứu hộ). Đoàn xuất phát từ TPHCM lúc 15 giờ ngày 17-12.

S.Nguyên

  • Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có mặt tại hiện trường

Lúc 13 giờ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã vào đến hiện trường để phối hợp chỉ đạo công tác cứu hộ.

Được biết, giữa giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng sẽ vào hiện trường phối hợp chỉ đạo việc cứu hộ và cấp cứu nạn nhân sau khi họ được đưa ra ngoài.

Sau khi đến hiện trường và nghe báo cáo nhanh của chỉ huy trưởng công tác cứu hộ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng đã chỉ đạo bằng mọi giá, mọi phương án, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên cứu hộ và duy trì liên lạc liên tục với 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng An toàn công trình quốc gia, đã truy vấn vì sao chủ dự án lại không có mặt tại hiện trường. Ông nói: "Trong khi Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có mặt thì chủ đầu tư lại mất tích từ khi xảy ra vụ tai nạn?!".

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tập trung cứu hộ. Bộ trưởng cho rằng, sự cố sập hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo là đặc biệt nghiêm trọng. Thay  mặt đoàn công tác liên ngành, Bộ trưởng ghi nhận những cố gắng không ngừng nghỉ của lực lượng cứu hộ, cũng như đánh giá cao các bên liên quan đã nỗ lực tham gia công tác cứu hộ.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Hiện công tác cứu hộ vẫn còn nhiều việc phải làm, trước tiên phải thực hiện công tác cứu người. Nước trong khu vực 12 công nhân bị mắc kẹt đang dâng cao, các đồng chí phải bằng mọi biện pháp hút nước ra ngoài bởi nước dâng cao sẽ làm mất an toàn cho những người bên trong. Tập trung đào đường hầm bằng những thiết bị tốt nhất, nhanh nhất và có đủ thiết bị để đưa người ra ngoài sớm nhất có thể".

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cử một đoàn công tác (đã từng có kinh nghiệm cứu hộ trong vụ sập hầm mỏ than ở Quảng Ninh) vào hỗ trợ. Hiện đoàn đã có mặt tại hiện trường và đang phối hợp với lực lượng tại chỗ tham gia công tác cứu hộ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng (mũ vàng đầu tiên từ trái sang) và Bộ trưởng Bộ Công thương (mũ vàng thứ hai từ phải sang) đã đến hiện trường để phối hợp chỉ đạo công tác cứu hộ 12 nạn nhân bị mắc kẹt. Ảnh: Đoàn Kiên

  • Phát hiện hố sụt lún trên đường hầm thủy điện

Lúc 12 giờ, sau khi đi khảo sát thực địa, các ngành chức năng đã phát hiện hai hố sụt lún lớn ở đỉnh đồi, bên trên đường hầm thủy điện.

Một hố đường kính khoảng 15m, hố còn lại đường kính khoảng 4m. Các hố này nằm ở đoạn rãnh trũng giữa hai ngọn đồi, là nơi nguồn nước mưa dồn về. Theo nhận định ban đầu, việc nước chảy vào hố này có thể là nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt lún, sập hầm.

Một hố sụt lún phía đỉnh đường hầm. Ảnh: Nguyễn Tiến

Cũng trong trưa 17-12, các ngành chức năng đã huy động một máy khoan chuyên dụng từ một mỏ đá gần hiện trường đến phục vụ khoan, hút nước từ trong hầm ra ngoài. Mũi khoan này thực hiện ở phía cửa hầm hạ lưu.

Các ngành chức năng sắp cho khoan một mũi ở phía hạ lưu đường hầm để hút nước. Ảnh: Đoàn Kiên

Hiện công tác cứu hộ đang triển khai hết sức khẩn trương. Đích thân Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào hầm để chỉ đạo công tác cứu hộ.

Lực lượng cứu hộ đang gia cố đường hầm. Ảnh: Đoàn Kiên

  • Bên ngoài tạnh ráo, trong hầm nước dâng

Đến 11 giờ trưa 17-12, công tác cứu hộ 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo vẫn đang được triển khai tích cực.

Tại hiện trường ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy và ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh vẫn túc trực để chỉ đạo công tác cứu hộ.

Thời tiết trong buổi sáng khá đẹp, trời tạnh ráo, tuy nhiên, bên trong hầm, nơi 12 công nhân bị mắc kẹt, nước tiếp tục rỉ, thấm và dâng cao.

Nước trong hầm tiếp tục dâng cao. Ảnh: Đoàn Kiên

Khoảng 11 giờ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc họp tại chỗ và đi đến quyết định sẽ khoan mũi thứ hai ở phía hạ nguồn ống nước để hút nước trong hầm ra nhanh hơn.

Các phương án cứu hộ, tiếp cận các công nhân cũng liên tục thay đổi cho phù hợp. Trước đó, phương án khoan lỗ phi 6 thứ hai song song với lỗ đầu tiên phải tạm ngừng để ưu tiên việc khoan lỗ phía hạ nguồn.

Tốp khoảng 10 chiến sĩ lữ đoàn Công binh thuộc Quân khu 7 chuẩn bị vào bên trong đường hầm làm nhiệm vụ cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Tiến

 Danh sách 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện:

1/ Hoàng Tiến Đoàn, SN 1989, Quê quán: Nam Định

2/ Hoàng Anh Văn, SN 1980, Quê quán: Nam Định

3/ Hoàng Đình Hường, SN 1984, Quê quán: Nam Định

4/ Hoàng Đình Thịnh, SN 1986, Quê quán: Nam Định

5/ Phạm Viết Lành, SN 1994, Quê quán: Nghệ An

6/ Phạm Viết Nam, SN 1973, Quê quán: Nghệ An

7/ Đặng Thị Hồng Ngọc, SN 1988, Quê quán: Nghệ An

8/ Nguyễn Văn Quang, SN 1976, Quê quán: Hà Tĩnh

9/ Nguyễn Anh Tuấn, SN 1981, Quê quán: Hà Tĩnh

10/ Trương Tuấn Việt, SN 1984, Quê quán: Hà Nội

11/  Nhỡ Văn Tường, SN 1986, Quê quán: Hà Nam

12/ Phạm Xuân Đăng, SN 1964, Quê quán: Vĩnh Phúc

  • Bí Thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng đến hiện trường

Lúc 9 giờ sáng nay, 17-12, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.

Sau khi nghe đại diện lực lượng cứu hộ báo cáo công tác tìm kiếm cứu nạn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp tối ưu nhất, trên tinh thần khẩn trương nhất để cứu người.

Ông cũng đề nghị phía Quân khu VII tiếp tục phối hợp với các đơn vị cứu hộ của tỉnh và công ty cổ phần Sông Đà 505, để cố gắng trong ngày hôm nay có thể đưa người ra ngoài, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đội ngũ cứu hộ trong hầm.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng (bìa trái) đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. Ảnh: Đoàn Kiên

Về diễn biến cứu hộ, ông Lê Việt Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng, đơn vị tham gia công tác đào hầm cứu hộ, cho biết, do điều kiện địa chất bên trong yếu và phức tạp nên máy móc công suất lớn không thể phát huy tác dụng do đó lực lượng cứu hộ bên trong phải đào thủ công bằng công cụ thô sơ.

  • Tăng cường công binh tham gia cứu hộ

Đến 2 giờ sáng ngày 17-12, công tác cứu hộ tại hiện trường vụ sập hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng được lực lượng chức năng tiến hành khẩn trương.

Song song với việc đào đất để tiếp cận vị trí 12 công nhân đang bị mắc kẹt, công tác cứu hộ, hỗ trợ cứu hộ được tiến hành nhằm chạy đua với thời gian.

Đến 7 giờ ngày 17-12, tức 24 giờ kể từ khi xảy ra vụ sập hầm tình trạng các công nhân bị mắc kẹt bên trong có diễn biến tốt, sức khỏe ổn định. Qua đường ống phi 6 đào thông chiều hôm qua, ngay trong đêm và rạng sáng 17-12, sữa và thức ăn liên tục được đẩy vào trong.

Đại tá Hoàng Công Thạo, chỉ huy trưởng công tác cứu hộ cho biết, sáng nay sẽ tiến hành khoan lỗ thông hơi thứ hai tạo khí đối lưu không khí.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải cứu, sáng nay Quân khu 7 đã điều động 29 cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu VII) đến hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ.

Một số hình ảnh được PV SGGP ghi nhận tại hiện trường trong đêm cứu hộ:

Một nạn nhân có dấu hiệu khó thở ảnh 9

Lực lượng công an và quân đội bàn phương án cứu hộ. Ảnh: Đoàn Kiên

22 giờ 30 phút, tại hiện trường, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo trong đêm. Ảnh: Đoàn Kiên

Ống dẫn sữa (khoanh tròn đỏ) được đưa vào bên trong. Ảnh: Đoàn Kiên

Một nạn nhân có dấu hiệu khó thở ảnh 12

Thực phẩm được buộc vào dây kẽm để đưa vào trong theo đường ống sắt phi 6 đã được thông trước đó. Ảnh: Đoàn Kiên

Một nạn nhân có dấu hiệu khó thở ảnh 13

2 giờ sáng ngày 17-12, lực lượng cứu hộ vẫn kiên trì bám hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ. Ảnh: Đoàn Kiên

Đoàn Kiên - Nguyễn Tiến

>> Tổng lực cứu 12 công nhân kẹt trong vụ sập hầm

Một nạn nhân có dấu hiệu khó thở ảnh 14

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục