

Anh Nguyễn Định và đứa con gái bị hở van tim, người cháu luôn tím tái.
Phán quyết của Tòa án phúc thẩm New York (Hoa Kỳ) về “Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” cho rằng: “Việc sử dụng chất độc da cam (CĐDC) trong thời chiến tranh ở VN chủ đích là nhằm diệt cỏ - khai quang” và “nguyên đơn không chứng minh được những vấn đề sức khỏe mà một số người VN mắc phải là do CĐDC gây nên”… đã gây một làn sóng phẫn nộ về sự bất công, vô lý và tàn nhẫn của phán quyết này. Báo SGGP đã nhận được rất nhiều thư, email và điện thoại của bạn đọc bày tỏ ý kiến về vụ việc, chúng tôi xin lược ghi:
- Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Văn Rảnh
Chỉ riêng huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi (TPHCM) sau khi bị rải hóa chất trong chiến tranh thì diện tích rừng hầu như không còn gì. Mãi về sau này, nông dân ta mới trồng khôi phục lại ở Củ Chi khoảng 179 ha và Cần Giờ là 37.000 ha. Đặc biệt trong chiến tranh, địa danh Rừng Sác Duyên Hải (huyện Cần Giờ, TPHCM) hầu như bị xóa trắng bởi CĐDC thì nay thế giới công nhận là Khu dự trữ sinh quyển được khôi phục bởi con người.
Hiện nay, 800.000 hội viên nông dân của TPHCM đang chịu rất nhiều đau thương do con em của họ bị tàn tật, bị nhũn não, bị liệt… do ảnh hưởng của hóa chất khai quang. Rõ ràng di chứng CĐDC sẽ tồn dư qua nhiều thế hệ bởi lớp nông dân bị nhiễm CĐDC và nhiều người vẫn còn sống. Họ là nhân chứng và cũng là nạn nhân dưới những tán rừng bị rải hóa chất!
- Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, Hòa thượng Thích Như Niệm
Hồi khoảng năm 1972, tôi chứng kiến cảnh cây mít cổ thụ trong sân chùa Pháp Hoa (Gò Vấp) sau một ngày bị máy bay phun “hóa chất diệt cỏ” thì bắt đầu trụi hết lá rồi chết khô. Lúc đó tôi biết miền Bắc thì bị đánh bom còn miền Nam mới bị rải CĐDC.
Suốt một dải dài của Trường Sơn từ Quảng Trị trở vào tận Mũi Cà Mau, ở đâu có rừng xanh là ở đó họ rải hóa chất. Xuất phát điểm ban đầu là họ rải tại đường 14 đoạn Ngọc Hồi - Kon Tum và rải lan rộng ra khắp nơi. CĐDC thấm vào cây cỏ, nguồn nước… độc đến nỗi ngày nay một số vùng ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Dak Rông, Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn cấm con người sử dụng, ăn uống đối với một số loài cá và nguồn nước.
Sau này Thành hội Phật giáo TPHCM có các trường nuôi dạy gần 1.000 trẻ khuyết tật - mồ côi như Long Hoa, Kỳ Quang, Diệu Giác, Pháp Võ… và một phần số đó là do di chứng của CĐDC ở cha mẹ chúng để lại. Tôi mong phật tử miền Nam và các cấp chính quyền các địa phương phía Nam - là nơi gánh chịu CĐDC - nên đồng lòng làm một bản kiến nghị mạnh mẽ phản đối phán quyết vô lý trên và gửi đến tòa án Hoa Kỳ.
- Mẹ VNAH - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Tùng (Nguyễn Thị Diễm, Mười Tùng)
Bản thân tôi có hai con trai và chồng hy sinh trong chiến tranh nên tôi rất hiểu tâm trạng của những người mẹ mất con, của những người vợ mất chồng. Là một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lại là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi đánh Mỹ là chiến đấu cho lý tưởng của cách mạng chứ không bao giờ chống lại nhân dân tiến bộ Mỹ.
Các bà mẹ ở Hoa Kỳ có con mất tại VN, có chồng bỏ xác nơi chiến trường ắt cũng có cùng nỗi đau như tôi. Nhưng may mắn hơn tôi và các cựu chiến binh VN rất nhiều, các cựu binh từng tham chiến và từng lái máy bay “bà già” đã được bồi thường vì qua nghiên cứu khoa học cho thấy họ mắc rất nhiều bệnh liên quan đến CĐDC. Người phun hóa chất bị phơi nhiễm đã vậy, thì người hứng chịu sẽ như thế nào. Không lẽ công lý Mỹ chỉ giành cho người Mỹ và cựu binh Mỹ, còn những nạn nhân VN trực tiếp bị lây nhiễm thì họ phủi tay? Một phán quyết như vậy là vô nhân đạo!
- Nạn nhân CĐDC Nguyễn Định (xã Đức Hạnh, Phước Long, Bình Phước)
Cha tôi tên Nguyễn Bường, một người lính nhưng ở “phía bên kia” chiến tuyến xưa kia đóng tại Phước Long (1960-1968). Nơi đây vừa là kho hóa chất lại là nơi ảnh hưởng chất độc được rải từ máy bay C-123.
Năm Mậu Thân, cha tôi bị tử trận tuy nhiên ông đã cho ra đời đứa con trai tên Nguyễn Định. Lúc nhỏ tôi chỉ có một cái bướu trên mắt trái, to cỡ hột đậu phộng à. Khi đó cũng không ai để ý là bệnh gì, cái bướu cứ thế lớn dần lên, cho tới nay… thì hai mí mắt sưng to và dài trễ xuống tận cằm, cổ quái như thể cái “vòi voi”. Trên cái “vòi voi” ấy, vẫn còn xuất hiện dấu vết của lông mi, nhưng con mắt đã hoàn toàn biến mất.
Hiện nay, cả ba đứa con của tôi, đứa thì hở hàm ếch, đứa bị trụy tim, riêng cháu nhỏ nhất đang có triệu chứng giống tôi, bắt đầu nổi những bướu nhỏ trên người. Mấy chục năm nay tôi sống như một cái bóng ma, chẳng dám ra đường nhìn ai. Con nít gặp thì khóc, người lớn ai cũng khiếp đảm… Rải CĐDC là giết người, giết người tới mấy thế hệ!
Tôi chính là bằng chứng mà tòa án Hoa Kỳ yêu cầu trưng ra đây.
- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Trần Trung Tính
Chỉ tính từ 1962-1965, máy bay Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải chất độc trên lãnh thổ VN đến 1,9 triệu lít hóa chất màu tím (Agent Pink), điều quan trọng là hóa chất này – cùng với hóa chất màu da cam (Agent Orange) - có hàm lượng dioxin cao.
Việc phân hủy các tinh thể dioxin là không dễ dàng, chúng chỉ tan chảy ở 295°C và phân hủy ở 500°C. Hiện nay cả nước ta có đến 4,8 triệu nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 2, thứ 3 và ai cũng biết rằng khi bị nhiễm độc chất thì 6-10 năm sau, 50% hàm lượng dioxin vẫn còn trong cơ thể của người bị nhiễm và truyền lại cho các thế hệ sau này…
Việc tòa án Hoa Kỳ yêu cầu các nạn nhân cung cấp chứng cứ là không có cơ sở bởi bản thân các nạn nhân CĐDC VN đã là chứng cứ rồi.
Minh Anh (ghi)
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Ngày 25-2, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) chính thức ra tuyên bố khẳng định: Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục đấu tranh đòi công lý, tiếp tục kháng án lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ. VAVA cũng nêu rõ, việc Tòa án phúc thẩm Liên bang Mỹ đưa ra phán quyết trên là phi lý, thiên vị và không công bằng, không phù hợp với thực tiễn về hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với các nạn nhân Việt Nam. Tuyên bố của VAVA nhấn mạnh, các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã nhận biết được tác hại của chất độc này từ trước khi họ bán sản phẩm cho Chính phủ Hoa Kỳ để sử dụng tại Việt Nam. Vì chạy theo lợi nhuận tối đa, họ đã thay đổi quy trình công nghệ, làm tăng rất nhiều lần hàm lượng dioxin trong chất diệt cỏ. Họ đã cố tình che giấu sự thật, làm ngơ và trốn tránh trách nhiệm trước những tội ác mà họ gây ra không chỉ đối với các nạn nhân Việt Nam, mà còn cả với nạn nhân của nhiều nước có quân tham chiến ở Việt Nam. VAVA cũng cho rằng, trong khi Chính phủ Mỹ vẫn phải trợ cấp hàng tỷ USD mỗi năm cho các nạn nhân của họ, tại sao những người Việt Nam là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam/dioxin - những người đã chết dần chết mòn hoặc đang sống trong đau khổ vì bệnh tật giày vò, đứng ra khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ lại bị bác bỏ đơn kiện, không đáng để cho Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ xem xét? Trước sự bất công trên, VAVA kêu gọi các nạn nhân tiếp tục vận động dư luận trong và ngoài nước, kể cả dư luận Mỹ, nhân dân và chính giới Mỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Mọi người có lương tri trên thế giới này hãy sát cánh cùng VAVA và các nạn nhân đòi những kẻ làm ra thứ chất độc giết người phải có trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm tinh thần và đạo lý đối với những hậu quả do họ gây ra. Ng. Khánh Kết nạp thêm 2 người Mỹ làm hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng cho biết, hội vừa kết nạp thêm 2 hội viên danh dự là người Mỹ. Đó là bà Paige Shaw và ông William Jacshaw, hai người này là vợ chồng, đều có quốc tịch Hoa Kỳ. Ông William Jacshaw là cựu chiến binh Mỹ, hiện nay làm công tác hỗ trợ, tư vấn về luật tại Mỹ. Như vậy, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng đã có 6 hội viên danh dự là người nước ngoài. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, cả hai vợ chồng tình nguyện làm đơn xin gia nhập hội với mong muốn góp phần làm một việc gì nhằm xoa dịu nỗi đau đối với những nạn nhân chất độc da cam mà ông, bà đã chứng kiến. TTX |
Thông tin liên quan:
- Vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam: tiếp tục đấu tranh đến khi giành được công lý