Một phụ nữ Pakistan trở thành thương binh Việt Nam

Một phụ nữ Pakistan trở thành thương binh Việt Nam

Đó là chị Ngô Thị Bi Bi, thương binh thời kháng chiến chống Pháp và có công với cách mạng thời chống Mỹ, năm nay xấp xỉ tuổi 80, đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đổi sang quốc tịch Việt Nam cách nay gần 4 năm.

Trước chị tên Mahamas Bi Bi, có mẹ là phụ nữ Hà Nội và cha là người Pakistan, một thương gia ở Sài Gòn và Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Cô gái mang hai dòng máu Việt Nam - Pakistan trở thành chiến sĩ cách mạng Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp trong trường hợp hết sức ly kỳ.

Ông Lê Bá Cần, Bí thư Quận ủy quận 1, tặng hoa cho chị Bi Bi nhân Đại hội MTTQ quận 1.

Ông Lê Bá Cần, Bí thư Quận ủy quận 1, tặng hoa cho chị Bi Bi nhân Đại hội MTTQ quận 1.

Chị không may khi mới lên 10 tuổi thì người mẹ thân yêu qua đời. Giặc Pháp trở lại chiếm đóng Sài Gòn - Hà Nội năm 1945-1946 đã khiến việc buôn bán của ông Mahamas gặp nhiều khó khăn. Ông bèn sang Phnôm Pênh (Campuchia), đem theo đứa con gái.

Ở xứ Chùa Tháp, thương con nhớ vợ nên ông tìm một gia sư người Việt dạy dỗ Bi Bi. Cô giáo Ngô Thị Năm vừa từ Việt Nam sang đã nhận làm công kiêm dạy kèm con gái của ông. Nhưng cô giáo, vốn là một chiến sĩ cách mạng ở vùng sông nước Cửu Long sang đây lánh nạn, lại tiếp tục bị mật thám Pháp tìm đến.

Cô quay trở về Tân Châu - Châu Đốc, mang theo Bi Bi vì không nỡ bỏ em lại một mình trong khi cha đi buôn ở tỉnh xa. Năm ấy, Bi Bi 13 tuổi, phải xa cha, sống với người mẹ nuôi bất đắc dĩ, nhưng được may mắn đi theo Việt Minh từ ngày đó.

Bi Bi theo mẹ nuôi hoạt động ở vùng ven Gia Định. Bất hạnh lại đến khi mẹ nuôi qua đời sau cơn bạo bệnh. Từ đó, Bi Bi được nuôi dưỡng trong vùng giải phóng thuộc Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa bởi nhiều mẹ, chị nuôi là chiến sĩ cách mạng. Khi đã 15-16 tuổi, Bi Bi trở thành giao liên của Chi đội 15, rồi Trung đoàn 308, do ông Huỳnh Văn Một chỉ huy.

Bi Bi đã đưa nhiều cán bộ ra vào nội thành Sài Gòn - Gia Định, tiếp tế hóa chất, lương thực thực phẩm, hàng vải và nhiều vật phẩm khác cho cách mạng. Trở lại Sài Gòn, gặp lại cha nên cô đã lấy nhiều hàng vải, mua nhiều đồ tiếp tế đưa vào căn cứ và cũng được cán bộ nội thành nhờ ra vào bót Catinat thăm nuôi, đưa tin và thuốc trị bệnh cho cán bộ của ta đang bị địch giam cầm.

Rồi trong một chuyến công tác cho Trung đoàn 308 ở cánh đồng Ông Cộ năm 1948-1949 (nay thuộc quận Bình Thạnh), Bi Bi bị thương nặng do bị máy bay địch phát hiện, bắn và ném bom vào đội hình của ta.

Thời chống Mỹ, sức khỏe kém, Bi Bi lại lấy chỗ ở của mình làm nơi nuôi chứa và hội họp của cán bộ cách mạng. Chị còn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều con của các liệt sĩ, trở thành con nuôi của chị.

Đến nay, nếu không có một số giấy chứng nhận của người chỉ huy cũ là ông Huỳnh Văn Một và nhiều đồng đội khác, thì khó biết được công lao của chị, bởi trí nhớ của chị sa sút rất nhiều do thương tật.

Từ sau ngày giải phóng chị được hưởng chế độ, chính sách thương binh ở phường Bến Thành (quận 1) và sống neo đơn trong một căn hộ sơ sài vài mét vuông trên tầng lầu 1 ở đường Lê Thánh Tôn. Điều mong muốn giản dị của chị đã được đáp ứng - trở thành thương binh và là công dân Việt Nam hẳn hoi, để sau khi qua đời được an nghỉ cùng với đồng đội.

Tuy nhiên, nhiều đồng đội của chị áy náy, bởi trải qua hai cuộc kháng chiến chị đã tham gia với nhiều hy sinh, mất mát mà không được ghi nhận bằng một giấy khen, bằng khen hay huy chương nào. Khoảng những năm 1980-1985, chị có khai thành tích kèm theo giấy chứng nhận của ông Huỳnh Văn Một và nhiều mẹ VNAH để xin tặng Huy chương Kháng chiến nhưng bị rơi vào quên lãng vì thủ tục nhiêu khê, mà chị không biết nhờ ai lo liệu giúp.

Hiện nay trong tay chị chỉ có tờ biên nhận hồ sơ xin tặng Huy chương Kháng chiến hạng ba do UBND quận 1 cấp nhưng chưa bao giờ được xét tới do hồ sơ bị thất lạc.

Vương Liêm (35 Phùng Khắc Khoan, Q1)

Tin cùng chuyên mục