(SGGPO). – Như tin đã đưa, chiều 5-8, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội với rất nhiều nội dung mới. SGGP online xin giới thiệu sâu thêm về một số vấn đề cốt lõi của dự thảo chương trình này. THPT chỉ bắt buộc học Văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc và ngoại ngữ 1.
Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI
Theo dự thảo chương trình, các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tùy ý (học sinh có thể chọn hoặc không chọn – TC1); tự chọn trong nhóm môn học (học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong Chương trình – TC2); tự chọn trong môn học (học sinh buộc phải chọn một số nọi dung trong một môn học – TC3). Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.
Cụ thể, ở tiểu học, các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4, 5), Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5).
Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc; tự chọn trong môn học gồm: Kỹ thuật – Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Ở THCS, học sinh phải học bắt buộc các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Ngoài ra, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kĩ thuật (lớp 8, 9); tự chọn trong môn học, gồm: Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) có 4 môn bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Đồng thời, được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp.
Cụ thể như sau: Tự chọn tùy ý, gồm: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2; Tự chọn trong nhóm môn học gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Nếu chọn môn Khoa học xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Nếu chọn Khoa học tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.
Tự chọn trong môn học (TC3): Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12) và Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).
Nội dung các môn học bắt buộc và các nội dung TC2, TC3 được bố trí thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong kế hoạch giáo dục. Nội dung TC1 không bố trí thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong kế hoạch giáo dục.
Đáng chú ý, ở cấp THPT, chương trình giáo dục bảo đảm phân hoá mạnh: Học sinh học 4 môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp. Kết thúc giai đoạn này, học sinh có kiến thức, kỹ năng phổ thông cơ bản được định hướng theo lĩnh vực nghề nghiệp, phù hợp với năng khiếu và sở thích, phát triển tiềm năng cá nhân để chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Bộ GD-ĐT cho biết: Trong cả cấp học THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong Chương trình giáo dục. Chương trình dành một thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.
Chương trình giáo dục phổ thông có 8 lĩnh vực giáo dục, bao gồm: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức – Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội; Công nghệ - Tin học. Mỗi lĩnh vực đều xác định môn học cối lõi.
Với lĩnh vực giáo dục Ngôn ngữ và văn học thì giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả các môn học, trong đó Tiếng Việt/ Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc có vai trò chủ đạo. Giáo dục văn học được thực hiện chủ yếu ở môn học Tiếng Việt/ Ngữ văn. Tiếng Việt/ Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Cụ thể, giai đoạn giáo dục cơ bản, môn học có tên Tiếng Việt ở cấp tiểu học và Ngữ văn ở cấp THCS. Giai đoạn THPT, môn học được tổ chức thành hai phần bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc có tên Ngữ văn 1, tiếp nối các mạch nội dung đã học từ giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng chú ý nhiều hơn đến tính chất công cụ của môn học. Phần tự chọn có tên Ngữ văn 2, gồm các phân môn Văn học, Luyện đọc và Luyện viết. Ngoại ngữ 1 là môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn tùy ý, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kỳ lớp nào trong các lớp từ 3 đến 12, tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường. Tiếng dân tộc là môn học tự chọn tùy ý, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kỳ lớp nào trong giai đoạn từ lớp 3 đến lớp 9.
Ở lĩnh vực giáo dục Toán học được thực hiện ở nhiều môn học như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học... Trong đó, môn Toán là môn học cốt lõi. Môn Toán là môn bắt buộc ở tiểu học và THCS, xoay quanh và tích hợp 3 mạch kiến thức: Số và Đại số, Hình học và Đo lường, Thống kê và Xác suất. Ở THPT, môn Toán gồm môn Toán 1 (bắt buộc với tất cả học sinh) và Toán 2 là môn học tự chọn. Môn Toán 1 được phát triển dựa trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, được lựa chọn từ những vấn đề cần thiết nhất, mang tính ứng dụng cao đối với tất cả học sinh với các định hướng nghề nghiệp khác nhau sau THPT. Môn Toán 2 trước hết nhằm giải thích, chứng minh những vấn đề thiết yếu đã được trang bị trong môn Toán 1; sau đó nhằm cung cấp bổ sung các kiến thức, kĩ năng, năng lực Toán cần thiết cho học sinh có nguyện vọng học một số nhóm khối, nhóm ngành nghề đào tạo sau THPT; được thiết kế trên cơ sở tiếp nối, phát triển từ nội dung bắt buộc theo hướng cấu trúc thành các mô đun phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo mà bản thân học sinh hướng tới.
Tương tự, lĩnh vực giáo dục Đạo đức – Công dân thì tất cả các môn học, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội và hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều góp phần giáo dục đạo đức – công dân. Trong đó, Giáo dục lối sống (ở tiểu học), Giáo dục công dân (THCS) và Công dân với Tổ quốc (THPT) là các môn học cốt lõi, bắt buộc.
Lĩnh vực giáo dục Thể chất, được thể hiện ở một số môn học như: Thể dục, Sinh học, Công nghệ, các hoạt động thể thao, trải nghiệm sáng tạo,... Trong đó, môn học cốt lõi là Thể dục – Thể thao. Thể dục là nội dung học từ lớp 1 đến lớp 9; thể thao là hoạt động tự chọn trong môn học của học sinh lớp 1 đến lớp 12.
Lĩnh vực giáo dục Nghệ thuật: được thể hiện thông qua nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó có hai môn học cốt lõi là Mỹ thuật và Âm nhạc. Kiến thức cơ bản về Mỹ thuật và Âm nhạc là nội dung học ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Các hoạt động Mỹ thuật, Âm nhạc là tự chọn ở tất cả các lớp học và cũng có nhiều trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Lĩnh vực giáo dục Khoa học xã hội: được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó các môn học cốt lõi tiếp nối nhau là: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu Xã hội (các lớp 4, 5), Khoa học xã hội (bắt buộc ở cấp THCS và tự chọn cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên ở lớp 10, 11); Lịch sử, Địa lý (tự chọn cho học sinh định hướng khoa học xã hội ở cấp THPT).
Lĩnh vực giáo dục Khoa học tự nhiên: được thực hiện trong nhiều môn học nhưng chủ yếu là các môn học: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4, 5), Khoa học tự nhiên (cấp THCS) và Khoa học tự nhiên (cho học sinh định hướng khoa học xã hội, lớp 10, 11); các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên cấp THPT).
Lĩnh vực giáo dục Công nghệ - Tin học: được thực hiện ở các môn học như: Công nghệ, Tin học, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên,... trong đó các môn học cốt lõi ở cấp tiểu học là Kỹ thuật – Tin học; ở cấp THCS, THPT là Công nghệ và Tin học.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: dành cho học sinh từ lớp 1 đến 12, gồm phần bắt buộc (bao gồm các hoạt động tập thể) và tự chọn. Hoạt động này sử dụng các hình thức và phương pháp chủ yếu: Thực địa, thăm quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, căm trại, thực hành lao động...
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật: đây là hoạt động giáo dục nhằm khuyến khích học sinh trung học (từ lớp 8 đến 12) nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống.
Thời lượng giáo dục -Một năm học có 35 tuần thực học (gồm 32 tuần học các nội dung quy định chung cả nước và 3 tuần dành cho nội dung giáo dục của địa phương). - Cấp tiểu học: Mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. - Cấp THCS và THPT: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. |
Phan Thảo