Mặc dù chưa có con số chính thức từ các cơ quan chức năng về sự tăng trưởng doanh thu chung trên thị trường TPHCM trong mùa kinh doanh Tết Giáp Ngọ 2014 nhưng ghi nhận từ thực tế của chúng tôi cho thấy, doanh thu tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng đạt mức tăng bình quân từ 10% - 15% so với mùa tết năm 2013. Theo các DN, đây là mức tăng không cao nhưng có thể chấp nhận được so với mặt bằng sức mua chung trên thị trường hiện chưa hồi phục hoàn toàn.
Khác với năm 2013, năm nay người tiêu dùng mua sắm tết rất muộn, sức mua chỉ thật sự tăng trong 3 ngày cuối cùng của mùa kinh doanh tết. Tại nhiều siêu thị như Co.opMart, Big C, cửa hàng Vissan, CitiMart, Maximark… từ ngày 20-1 đến 27-1, mãi lực đạt mức tăng bình quân từ 1 đến hơn 2 lần so với ngày thường. Đặc biệt, trong 3 ngày giáp tết là 27, 28 và 29 Tết, sức mua tiếp tục tăng khá, cá biệt có một số siêu thị đạt mức tăng 2,5 lần so với ngày thường, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thịt gia súc, trứng vịt, thịt gà ta và một số loại trái cây chưng tết.
Do có sự chuẩn bị kỹ, hàng hóa cung cấp có chất lượng và có thương hiệu, chính sách giá ổn định, kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên nhiều mặt hàng nên các siêu thị đã thu hút được một lượng lớn khách hàng đến mua sắm. Trước đó, các siêu thị đã thực hiện khuyến mãi giảm giá từ 10% - 50% trên hàng ngàn mặt hàng. Nhiều siêu thị cũng đã tổ chức kéo dài thời gian bán hàng thêm từ 4 - 5 giờ/ngày tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Nhìn nhận về sức mua trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opMart Nguyễn Thành Nhân cho biết sức mua trong mùa kinh doanh tết năm nay tăng chậm và chỉ tập trung trong 3 ngày giáp tết là 27, 28 và 29 Tết, nhờ vậy đã kéo doanh thu của Saigon Co.op tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, đạt 3.500 tỷ đồng.
Tại các hệ thống siêu thị khác, sức mua chỉ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, thậm chí có một vài siêu thị chỉ đạt mức tăng 5%. Một số DN bình ổn cũng cho rằng, sức mua năm nay chỉ tăng nhẹ hoặc ngang mức doanh thu của mùa tết năm ngoái đã là thành công.
Riêng khu vực các chợ truyền thống, từ ngày 20-1 đến 25-1, sức mua tăng từ 10% - 20% so với ngày thường. Từ ngày 26-1 đến 30-1, lượng khách đến chợ bắt đầu đông, sức mua tăng 30% - 40% so với ngày thường, tại một số chợ ở khu vực trung tâm, sức mua tăng 50% - 60% so với ngày thường.
Theo lý giải của nhiều DN, sức mua năm nay tăng chậm là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng vẫn trong xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Mặt khác, do thời gian nghỉ tết kéo dài, công nhân lao động về quê, người dân TP có kế hoạch đi chơi xa nên ít mua sắm dự trữ. Ngay từ mùng 2 Tết, tại 3 chợ đầu mối và tại một số hệ thống siêu thị như Co.opMart, Lotte, siêu thị Sài Gòn, Thương xá Tax, Centre Phạm Hùng và hệ thống cửa hàng tiện lợi Vissan, Satrafood… cùng các chợ truyền thống đã mở cửa bán hàng nhưng lượng khách đến mua sắm không đông, sức mua thấp. Doanh thu trong ngày mùng 2 Tết tại Co.opMart đạt 3,5 tỷ đồng, siêu thị Lotte đạt 1,25 tỷ đồng, cửa hàng Satrafood đạt 1,35 tỷ đồng…
Tết Giáp Ngọ 2014 cũng cho thấy, hàng Việt tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh thị trường với khoảng 90% - 95%.
HẢI HÀ - PHƯƠNG NGUYÊN