
Chúng ta đang chuẩn bị gia nhập WTO. Chúng ta đã có hàng trăm công ty liên doanh. Chúng ta đang đối đầu với những vụ kiện về kinh tế. Chúng ta đang nỗ lực với nền kinh tế trong cơ chế thị trường… Hiện thực sống động, đầy những biến cố của một đất nước, một thành phố đang chuyển mình đã được bộ tiểu thuyết Canh năm (NXB Quân Đội Nhân Dân) của nhà văn Lê Thành Chơn vẽ nên đầy đủ và hấp dẫn…
Chúng ta đã từng biết đến nhà văn Lê Thành Chơn với nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Thế nhưng, lần này, với bộ tiểu thuyết Canh năm, ông đã đem lại cho người đọc nhiều thú vị. Là một nhà văn xuất thân từ một sĩ quan quân đội chuyển ngành về làm quản lý kinh tế, ở tác phẩm này, ông đã thể hiện những chiêm nghiệm của chính mình về một lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng cũng là tâm điểm của đất nước, của thành phố hôm nay.

Tham gia quản lý kinh tế, Lê Thành Chơn được nhiều người biết đến với nhiều cái “lạ”: Một giám đốc nhận quản lý một khách sạn mà tên tuổi gắn liền với nạn mại dâm, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ông đã biến khách sạn của mình thành một chốn bình yên, trở thành một khách sạn đầu tiên của ngành du lịch tiến hành cổ phần hóa, được nhận Huân chương Lao động đầu tiên. Ông cũng là một giám đốc từ chối liên doanh với nước ngoài, một giám đốc không đi xe hơi…
Với những trải nghiệm trong cuộc sống và trong nghề nghiệp, Lê Thành Chơn đã chứng tỏ bản lĩnh của một nhà văn làm kinh tế, phân tích kinh tế… và ông đã thành công trong cách thể hiện về đề tài này.
Qua hai tập tiểu thuyết đồ sộ, ông đã sắc sảo trong khám phá nội tâm hàng loạt nhân vật chính diện và phản diện trong bối cảnh đất nước ta đang tìm con đường để thoát ra khỏi khủng hoảng với những câu chuyện rất thực, rất đời. Nhiều người có thể nhận ra đó là chuyện của đơn vị mình, thành phố mình.
Đọc sách, người đọc bắt gặp nhân vật Lý - một cô gái có tính cách dữ dội, quyết liệt, ranh ma, luôn tỏ ra phớt đời và biết sử dụng sắc đẹp trời cho để làm lợi cho bản thân mình với tâm niệm mình “biết làm cho bao gã đàn ông nổi tiếng trở thành tầm thường”. Tuy nhiên, bên cạnh những tệ nạn, những kiểu làm ăn chụp giựt, trong tác phẩm vẫn còn rất nhiều người tỉnh táo. Đó là những nhân vật như Long, Chiến, Tư… những chiến sĩ từ chiến trường trở về, còn lạ lẫm với môi trường kinh tế đã phải trở thành chứng nhân của bọn bon chen và thực dụng, quỷ quyệt, tàn ác và đầy thủ đoạn.
Hơn thế nữa, họ còn trở thành đối tượng bị loại trừ. Có nhiều người đã gục ngã. Nhưng cũng có rất nhiều người vươn lên bằng trí thông minh, sự ngoan cường của người lính ở mặt trận mới. Canh năm lý giải rất sâu về kinh tế mà không bị nhàm chán, trong đó có những vấn đề rất thiết thực như cổ phần hóa, thị trường chứng khoán… Có thể nói, người viết đã có những am hiểu tường tận về công tác quản lý và kinh doanh, về những thủ thuật của thị trường, của giới doanh nhân trong và ngoài nước…
Qua tác phẩm của mình, Lê Thành Chơn đã đề cập đến hầu hết những giai cấp trong xã hội. Hàng chục nhân vật, mỗi nhân vật được ông khắc họa một tính cách và có những nội tâm riêng, không có nhân vật nào trùng nhau. Có những nhân vật đầy sự đau khổ, khốc liệt đến tận cùng khiến người đọc phải tự suy gẫm và xót xa… Điều thú vị là với bộ tiểu thuyết hai tập đồ sộ, khi đọc xong, người đọc thấy tác giả vẫn để một cấu trúc mở và bạn đọc thêm hy vọng nhà văn Lê Thành Chơn vẫn có thể viết tiếp câu chuyện trong giai đoạn mới…
THANH HÀ