Một thời… bút nhóm

Một thời… bút nhóm

Gia đình Áo Trắng, Bút nhóm Vòm me xanh (Mực Tím), Hội bút Hương đầu mùa (Hoa Học Trò)… Tất cả những cái tên ấy từng rất quen thuộc với tuổi mới lớn, là niềm mơ ước của những bạn trẻ yêu thích văn chương… Nhưng, cái thời ấy đã xa, xa lắm rồi….

  • Thời của “Bút nhóm”

Một thời… bút nhóm ảnh 1

Một buổi họp mặt Bút nhóm Vòm Me Xanh.

Những năm 1990 - 1995, cùng với sự ra đời của các tờ báo dành cho tuổi mới lớn là sự xuất hiện của hàng loạt cây viết trẻ: Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Lê My Hoàn, Phan Chín, Gia Bảo, Thanh Thảo, Nguyễn Thị Thanh Bình… Sáng tác của các cây bút trẻ thời ấy trên các báo chủ yếu là thơ và truyện ngắn. Nội dung các tác phẩm xoay quanh những ấp ủ, trăn trở lứa tuổi ô mai, tuổi học trò.

Phan Chín, cựu thành viên bút nhóm Vòm Me Xanh, tâm sự: “Hoạt động của bút nhóm chưa thật bài bản nhưng chúng tôi thường xuyên họp mặt, đọc cho nhau nghe những sáng tác mới. Hình thức sinh hoạt ấy giống như chất men xúc tác kích thích chúng tôi viết. Qua đó cũng thỏa mãn được niềm đam mê văn học”.

Không riêng gì người trong cuộc, độc giả trẻ cũng “say” với văn học không kém. Bởi lúc bấy giờ dường như văn hóa đọc chiếm vai trò chủ đạo trong các loại hình giải trí của tuổi mới lớn.

Mỗi tờ báo đều dành một số trang nhất định để đăng tải sáng tác của các bạn trẻ. Trưởng thành từ bút nhóm Vòm Me Xanh và Hội bút Hương Đầu Mùa, Lê Thiếu Nhơn kể: “Lúc ấy hoạt động văn học của giới trẻ phát triển mạnh do có điều kiện thuận lợi.

Một số sáng tác đầu tay dù chưa đạt độ “chín” nhưng vẫn có “đất” đăng tải trên các báo, đó là nguồn động viên để mình tiếp tục sáng tác. Đặc biệt hình thức sinh hoạt của bút nhóm là môi trường tốt để chúng tôi giao lưu, học hỏi”.

  • Chỉ còn là hoài niệm

Hiện nay một số bút nhóm vẫn còn tồn tại nhưng hoạt động không còn “rầm rộ” như xưa. Khi các loại hình giải trí của thời đại công nghệ thông tin phát triển, “gu” lựa chọn của các bạn trẻ cũng có sự thay đổi. Bên cạnh đó, một số tờ báo dành cho lứa tuổi học trò cũng không còn ưu ái với các cây bút trẻ như xưa.

Giờ đây, thay vào những trang sáng tác trẻ là các mục thời trang, ca nhạc, giáo dục giới tính… Áo Trắng được xem là một trong những tờ báo thuần về việc đăng tải những tác phẩm thơ văn của giới trẻ nhưng có một thời gian phải tạm ngưng phát hành. “Hiện nay sáng tác của những bạn trẻ không có đất để thể hiện mình.

Báo lớn thì cần những tác phẩm hay. Báo cho học trò thì rất ít đăng thơ, truyện. Có thể nói Áo Trắng là bệ phóng đầu tiên để các bạn trẻ có niềm đam mê tiếp xúc với việc sáng tác. Dù nhiều tác phẩm còn “non” nhưng chúng tôi vẫn chọn đăng là như vậy”, biên tập viên của một tờ báo nói.

Đứng trước những khó khăn, nhiều bạn trẻ đam mê văn học không nản lòng. Dù không có điều kiện sinh hoạt trong một bút nhóm nào họ vẫn âm thầm sáng tác, tìm cơ hội để đưa tác phẩm đến với độc giả. Việc tác phẩm Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh tự “bắn” lên mạng trong thời gian dài mới được phát hiện là một trong những trường hợp hiếm hoi.

Tại TPHCM vẫn còn tồn tại một số bút nhóm như: CLB Sáng tác trẻ (Nhà văn hóa Thanh niên), bút nhóm Vòm Me Xanh, gia đình Áo Trắng… Thế nhưng hoạt động của các bút nhóm này hầu như rời rạc. Nhà văn Đoàn Thạch Biền kể: “Mỗi năm chúng tôi chỉ tổ chức được một lần đi đến gia đình Áo Trắng ở các tỉnh, thành phố như Nha Trang, Huế… giao lưu, gặp gỡ.

Số lượng các bạn trẻ tham gia sinh hoạt ngày càng giảm đi”. Hiện nay Hội Nhà văn TPHCM đang tổ chức “Trại sáng tác những người viết văn trẻ thành phố” tạo điều kiện cho những cây bút trẻ tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm từ các nhà văn nổi tiếng, đi thực tế…

Tuy nhiên, theo nhà văn Trần Thanh Giao: “Không phải khi nào có “trại” thì chúng ta mới sáng tác. Đây là một trong những hoạt động để các cây viết ngồi lại với nhau, nhìn nhận thực tế chúng ta đang ở đâu để có thể tự định hướng cho quá trình sáng tác của mình”. Và để hoạt động của bút nhóm tồn tại, phát triển cần có những hướng đi mới.

Về vấn đề này nhà văn Đoàn Thạch Biền trăn trở: “Phải tạo được một sân chơi cho các bạn trẻ yêu thích văn học. Ở mức độ cấp trường thì cần tổ chức những đặc san, với các CLB, bút nhóm thì cần được đăng tải tác phẩm trên báo chí. Điều quan trọng là tác phẩm của các bạn phải đến được với độc giả”. 

Thùy Dung

Tin cùng chuyên mục