Một thời nhớ mãi

-“Cậu đã bao giờ yêu chưa?”. Có một lần Sư trưởng hỏi anh chiến sĩ công vụ.

- “Về đại thể là không kịp thủ trưởng ạ!”, anh chiến sĩ công vụ đáp, giọng thoáng buồn.

- Tớ tin cậu! Song, nói như cánh lính các cậu thường nói, thế cậu đã bao giờ trải qua cái tâm trạng mang máng yêu?

- Khoản này thì có đấy! Dạo ấy đơn vị tôi rút ra Quảng Bình tập huấn, tôi phải lòng một cô gái, thủ trưởng ạ. Thú thật với thủ trưởng, cái “radar định vị” chị em của tôi không tồi. Cô bé thật tuyệt! Có điều tôi nghĩ, mang phận lính tráng ra sống vào chết, biết thế nào mà hẹn ước với thề bồi. Đêm chia tay trở vào chiến trường, cô gái khóc ghê lắm. Cô ấy oán tôi tàn ác, nhẫn tâm, không chịu ghi cho cô ấy dù chỉ là một dòng địa chỉ làng xóm. Đau lòng lắm, thủ trưởng ơi! Cực chẳng đặng đừng, cuối cùng tôi bảo cô gái: “Em xòe bàn tay ra. Anh sẽ viết cho em vài chữ. Nhưng chờ anh đi rồi, về nhà mới được đọc đấy”. Cô bé thoắt vui liền.
- Chú mày bày đặt ra chuyện quỷ quái gì thế? Sư trưởng sốt ruột cắt ngang.

- Tên cô gái là Phải, tên tôi là Công. Tôi viết bằng chữ in hẳn hoi: “PHẢI + CÔNG = MUÔN NĂM”. Tôi làm vậy có sai không thủ trưởng? Cô bé muốn hiểu sao cũng được, phải không?

Sư trưởng cười, quay mặt đi, lau lén giọt lệ mới ứa ra ở đuôi mắt…

***

Một lần khác, ngồi nghỉ, sau khi vượt ngọn dốc Chưmomray, Sư trưởng lại cật vấn anh chiến sĩ công vụ:

- Cậu vẫn tự hào chiếc “radar định vị” đám chị em của cậu không tồi. Vậy nghe tớ hỏi: Điều gì ở người con gái được cậu xem trọng nhất nào?

Không do dự, nghĩ ngợi lâu, anh chiến sĩ công vụ đáp luôn:

- Điều quan trọng nhất người con gái phải là đàn bà!

- “Ơ thằng quỷ này”. Sư trưởng tròn mắt ngạc nhiên. “Thế con gái không phải là đàn bà thì là đàn ông sao?”.

Anh chiến sĩ hóm hỉnh:

- Ấy thế đấy! Tôi và thủ trưởng thử hình dung ra cảnh này nhé. Đánh đùng một cái, tôi và thủ trưởng được ra Bắc. Chả phải nói, việc đầu tiên là tôi phải đến thăm cô Nga, con gái rượu của thủ trưởng rồi. Tôi và thủ trưởng ngồi ở bàn nước phòng ngoài. Bỗng nhiên, ở buồng trong thằng em cô Nga thức giấc khóc ré lên. Bà vợ của thủ trưởng đang đi đâu đó. Cô Nga bế xốc thằng em lên cất tiếng ru. Tôi và thủ trưởng nghe thấy cô Nga ru thằng em bằng lời ca hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ…. Điểm theo là bước chân cô ấy dẫm thịch… thịch… thịch... thịch… theo đúng nhịp quân hành. Thử hỏi thủ trưởng, trước cảnh tượng ấy, liệu tôi có “cử động” được không?

- “Thằng quỷ! Thằng quỷ!”. Chính ủy vò đầu anh chiến sĩ công vụ: Thứ nhất là tớ vào Tây Nguyên này đã 8 năm rồi, tớ làm quái gì có thằng bé còn đang ẵm ngửa? Thứ hai, tớ bảo đảm con bé Nga của vợ chồng tớ không vụng về, tộc tuệch như thế đâu. Nó giống mẹ nó, đầy nữ tính…

- Xin nêu một ví dụ?

- Ví dụ à? Nó biết nấu cơm này. Khi cho tỏi vào rau xào, nó không bao giờ thái tỏi ra mà toàn lấy dao ép tỏi, để tỏi bốc mùi thơm hơn. Nó không thích gội đầu bằng xà phòng mà chỉ thích gội đầu bằng bồ kết, nước lá sả này… Nó, nó…

- Thế hồi Sư trưởng lên đường vào đây, cô con gái Sư trưởng bao tuổi rồi?

- Để tính đã… Nó lên 8 hoặc tính cả tuổi mụ là 9 tuổi.

- Mới từng ấy tuổi mà xét tới nữ tính e là hơi khó đấy, thủ trưởng ơi!

Sư trưởng bỗng dưng như bị dồn vào thế bí, ông cười xí xóa.

***

Về cô Nga, Sư trưởng đã kể cho anh chiến sĩ công vụ nghe không biết bao nhiêu chuyện. Từ chuyện dạo mới sinh, cô bé mắc chứng khóc dạ đề đến chuyện một lần về phép, tự tay ông đã nhổ chiếc răng cửa của bé Nga vứt vào gầm tủ cho chuột tha để mau mọc răng mới như thế nào; chuyện ông mua sách, bút đưa cô bé vào học lớp mẫu giáo ra sao. Chuyện của những năm sau này, ví như cô bé được đeo khăn quàng đỏ, cởi bỏ khăn quàng cô bé được kết nạp thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ví như cô gái rất có ý chí, bọn con trai trong lớp phải phục nể. Vân vân và… vân vân... Anh chiến sĩ công vụ nghe mà hiểu rõ Sư trưởng biết được những điều như vậy nhờ vào những bức thư của bà vợ. Còn rất nhiều điều khác Sư trưởng thêm mắm thêm muối, chủ yếu ông dựa vào trí tưởng tượng và lòng thương nhớ cô con gái yêu sống tít tắp ngoài hậu phương.

Cuối mùa mưa năm ấy, Sư trưởng lên Bộ Tư lệnh Mặt trận họp. Cuộc tập huấn lần này bàn về phương án đánh to thắng lớn. Cuộc họp kéo dài suốt ba ngày, ba đêm. Mãi đến buổi sáng hôm thứ tư, anh chiến sĩ công vụ mới được gặp lại Sư trưởng. Hai người ngồi nghỉ trên một thân cây đổ.

- “Các anh ngoài ấy vào chuyển quà của bà xã và con bé Nga cho tớ. Con bé gửi cả quà cho cậu đây này”. Sư trưởng đưa mắt nhìn anh chiến sĩ công vụ đầy ngụ ý: “Mà sao hai đứa bắt sóng của nhau nhanh đến thế?”. Sư trưởng lấy từ gói quà ra chiếc khăn tay vải phin nõn, góc khăn thêu hai chữ “Quyết thắng” đỏ thắm trao cho anh chiến sĩ công vụ - Còn thư của nó tâm sự với tớ đây. Ta đọc nghe chung nhé.

Bức thư dày bốn trang giấy vở học trò vẫn với nét chữ con gái mềm mại mà rắn rỏi, nghiêm cẩn hơi đổ nghiêng nghiêng về một phía. Nhìn nét chữ đoán tính người. Sư trưởng nói cô gái này nữ tính chắc không sai. Câu chuyện mà Sư trưởng muốn anh chiến sĩ công vụ cùng bàn bạc với ông liên quan tới một nguyện vọng của cô bé Nga. Cô gái viết: Bố ơi, còn vài tháng nữa, tức cuối học kỳ này, con phải viết đơn trình bày nguyện vọng chọn ngành nghề khi con thi lên đại học. Bố thương yêu của con! Con gái bố biết rõ trong gia đình ta, bố là người chịu đựng nhiều thử thách, hy sinh nhất. Vì vậy, con quyết định dành ưu tiên cho bố: Bố hãy bảo con chọn ngành nghề gì, con sẽ làm theo ý bố. Viết ngay thư gửi ra cho con....

***

Anh chiến sĩ công vụ phải nằm điều trị vết thương ròng rã gần ba tháng mới được chuyển ra Bắc.

Ngày anh chiến sĩ công vụ tìm tới căn hộ trong khu tập thể quân nhân kia, điều đập vào mắt anh ngay là bức ảnh Sư trưởng lồng trong khung đen treo phía dưới tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Vợ Sư trưởng cho biết cô Nga đã đậu đại học, được cử đi học ở nước ngoài. Anh chiến sĩ công vụ nói với bà, anh là chiến sĩ của ông, anh rất quý trọng, rất thương yêu ông. Khi anh vừa nói nhiều kỷ niệm đẹp về ông anh còn lưu giữ được, vợ Sư trưởng bỗng đưa bàn tay ra phía trước, nhẹ xua xua, nửa như muốn bảo bà đã biết hết mọi chuyện, nửa như ngăn anh đừng kể thêm gì nữa. Anh chiến sĩ công vụ ngồi chết trân nhìn mái tóc bạc, gương mặt mệt mỏi, hằn in những nén chịu của vợ Sư trưởng, đã mấy lần anh toan mở túi áo ngực lấy bức thư của Sư trưởng ra trao cho bà, nhưng anh không thể làm được điều đó.

Đạn bom không giết được Sư trưởng. Ông hy sinh trong một trường hợp thật tình cờ, thật đáng tiếc. Mùa khô năm ấy, Sư đoàn có sự phối hợp của xe tăng và pháo nòng dài đã đuổi địch khỏi thị xã Tân Cảnh và căn cứ Đakto. Một buổi sáng, Sư trưởng đi thị sát vùng vừa giải phóng. Trên chiếc xe Jeep lấy được của địch có bốn người cả thảy: Sư trưởng, trưởng ban dân vận, lái xe và anh chiến sĩ công vụ. Sớm mai, tiết trời vùng cao nguyên hơi se lạnh. Con đường lát nhựa Mỹ láng bóng như vừa được rửa nước. Bánh xe kêu vo vo. Những đôi chân đã quen lội suối, leo dốc, quen với việc thồ gùi, mang vác nặng, nay được buông thả thoải mái trong thùng xe, lòng dạ mọi người hết sức phấn chấn, vui vẻ.

Xe đang phóng nhanh, bỗng từ phía sau hàng dứa dại bên vệ đường một người đàn ông kéo phía sau sợi dây thép gai bỗng bổ nhào ra mặt đường. Sư trưởng nghiêng người vồ lấy vô lăng bên cạnh lái ngoặt sang bên kia đường. Chiếc xe Jeep lật úp. Người dân kéo sợi dây thép gai được cứu thoát. Còn người ra đi lại chính là Sư trưởng. Một bên thành xe chắn ngang ngực ông. Mấy phút trước lúc tắt thở, như dồn hết tinh lực, Sư trưởng móc từ túi áo ở ngực một tờ giấy gấp tư trao cho anh chiến sĩ công vụ, miệng thều thào:

- Muộn mất rồi... Đây… cậu cứ gắng chuyển đến tay con gái mình!

***

Bức thư vẫn nằm trong túi áo anh chiến sĩ công vụ thuở nào. Nhiều lần anh đã tới khu tập thể quân đội tìm bà vợ Sư trưởng. Người thì bảo bà đã về quê, có người lại nói bà đã theo cô con gái vào sống ở trong Nam. Người cựu chiến binh cũng không có cách gì tìm ra cô con gái của Sư trưởng. Nhiều năm tháng đã trôi qua. Dù anh cựu chiến binh đã giữ gìn rất kỹ, những dòng chữ trên lá thư của Sư trưởng gửi cô con gái cũng nhạt mờ dần, tờ giấy dường như cũng sắp ải mục. Anh cựu chiến binh chỉ biết an ủi một điều, từng dòng từng dòng của lá thư ấy anh đã học thuộc lòng: …Con gái thương yêu của bố. Bố cảm ơn con vì con đã biết dành niềm vui lớn lao ấy cho bố. Bố biết khuyên con gái bố như thế nào đây? Cả đời bố, bố chỉ biết một việc đánh giặc, gìn giữ quê hương. Còn tiến quân vào mặt trận khoa học kỹ thuật là trách nhiệm của thế hệ các con. Còn nếu con hỏi nguyện vọng của bố về nghề nghiệp tương lai của con thì bố mong con theo học ngành vô tuyến điện. Con gái của bố có biết không, nay mai đến ngày toàn thắng, nếu bố còn sống sót trở về, khi ấy bố và mẹ con dựa lưng vào nhau, hai tấm lưng ấy sẽ thành chữ X, và X sẽ dứt khoát = O rồi. Bố mong con thiết kế cho bố một cái máy, bố sẽ lắp vào tai mẹ và nói với mẹ con rằng: Tôi xin ngàn lần, vạn lần cảm ơn bà. Vì suốt đời bà vất vả, sống xa chồng, một thân một mình lận đận nuôi con. Chính vì sự chịu đựng, hy sinh của bà, tôi đã không trở thành một gã đàn ông bạc nhược, đớn hèn. Để được đi theo một con đường đã lựa chọn.

TÔ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục