“Má ơi con hết hư rồi”, tiếng nói nghẹn ngào của Hận trên sân khấu trong lễ ra trường khiến những người tham dự lặng đi hồi lâu. Đó là Hoài Hận, dính ma túy năm 16 - 17 tuổi, người xăm trổ, bặm trợn như giang hồ cộm cán. Hận chỉ là 1 trong hàng ngàn thanh niên tại Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới (đóng tại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thuộc lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) của Thành Đoàn TPHCM trong những năm đất nước mới giải phóng.
1. “Chị, giặt đồ cho tui đi… Chị, giăng mùng cho tui ngủ, tui không biết giăng mùng… Chị giăng mùng cho tui, lát nữa tui gửi chị tiền, tui nhiều tiền lắm” - Thùy Linh xuống giọng nài nỉ. “Không, em tự làm đi, phải tự lực cánh sinh…” - Cẩm Hồng kiên quyết.
Bẵng đi một thời gian, trong một lần chuyện trò khi vừa lao động về, Thùy Linh tâm sự với Cẩm Hồng: “Hồi mới vào trường, tui ghét mấy bà lắm. Đang ở Sài Gòn sung sướng, muốn chơi lúc nào thì chơi, ngủ lúc nào cũng được. Giờ lên đây phải cuốc đất, lao động, nấu cơm. Nhưng tui thấy mấy bà là cán bộ ở đây mà không làm biếng, còn cuốc đất chung với tụi tui, ăn chung mâm với tụi tui, như vậy chơi mới được…”.
2. “Chị, vậy sao bận?”, tay lăm lăm cái quần mới phát cho học viên, Hận trợn mắt hỏi thẳng Cẩm Hồng, vốn đã bé tí xíu nay lại càng lép vế trước anh học viên cao lớn, xăm trổ đầy mình. Cẩm Hồng nhỏ nhẹ: “Anh thông cảm, quần áo phát cho học viên có một kích cỡ à. Quần ngắn chút xíu, anh chịu khó nghen”. Hận gằn giọng: “Làm sao chịu khó được, quần có lưng chừng đầu gối, hỏi làm sao mà bận?”. Nói đoạn, Hận chỉ vô chiếc chăn cùng màu với bộ quần áo mà trường mới cấp cho anh chị em TNXP: “Tui thấy cái kia cùng màu với cái này nè…”.
Sáng hôm sau, nhân lúc một số đội đi lao động, Cẩm Hồng chạy qua lán trại của Hận, tìm đúng cái quần mà hồi hôm Hận đem qua, xách về lán trại của mình. Hồng hì hục cắt chiếc chăn mới tinh của mình, vốn rất cần thiết ở nơi núi rừng âm u này, tỉ mẩn khâu thêm cho chiếc quần dài ra. Làm xong, Hồng đem quần cất về chỗ cũ... Tối hôm đó, có người đến tìm chị, nói: “Chị, thằng Hận nó khóc tu tu, nó kêu tên chị kìa”. Cẩm Hồng bỏ hết công việc, chạy xuống lán trại của Hận. Trước mắt Cẩm Hồng là một người đàn ông to lớn, tay nắm chặt chiếc quần mới mà đôi vai cứ rung rung… Thấy chị, Hận nghẹn ngào: “Tại sao chị làm vậy?”.
3. “Anh Tư hút thuốc không?”- vừa nói H. vừa chìa ra điếu thuốc. “Thuốc mắc muốn chết, hút làm gì, rồi ghiền. Em viết thư xin má thuốc hả? Má em nghèo, xin bả làm gì, lại phải chạy vạy mua thuốc gửi lên” - ông Tư Huy khuyên nhủ. H. lặng đi rồi dụi điếu thuốc hút dở. Ông Tư Huy nói tiếp: “Em xin má thuốc lá, chớ từ lúc lên đây, em có gửi gì về cho má vui chưa?”.
H. thầm thì: “Hôm bữa em lao động trong rừng, thấy có giàn mướp nên lấy mấy cái xơ mướp rửa chén, gửi cho má. Vậy mà má cảm động lắm. Anh Tư coi thư má em viết nè”. “Vậy em ráng lao động cho tốt, anh Tư cho về thăm má mấy ngày, được không?” - ông Tư Huy động viên. H. quay lại: “Thiệt không anh Tư? Để em ráng nha”. Rồi, ông Tư Huy thỉnh thoảng chở học viên về thăm nhà thiệt. Ông nói: “Hứa thì phải làm, có vậy học viên mới tin mình”.
4. “Ráng học biết chữ để viết thư về gia đình, rồi có người yêu thì viết thư cho nhau, mai mốt có con còn dạy chữ cho con nữa chứ” - mỗi lần lên lớp, cô giáo Trương Mỹ Dung đều dặn học viên như vậy. Có học viên tên Chí, vô lớp học hay đánh mất viết, không rõ là vô tình hay cố ý. Có lần, cô Mỹ Dung động viên: “Tuần này, nếu Chí được tặng cờ đỏ, cô sẽ cho Chí bịch chè”. Chí được cờ đỏ thiệt. Giữ đúng lời hứa, cô Mỹ Dung lội ra khỏi rừng, tìm đến chợ để mua chè. Đưa được bịch chè cho học trò xong, cô ngất xỉu vì trúng mưa, phải đi cấp cứu…
***
Chuyện về Linh, Hận, Chí hay H. là 4 trong số rất nhiều những câu chuyện mà ông Hồ Văn Chiến (Tư Huy) và chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng, cựu TNXP từng công tác tại Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới ở Xuyên Mộc, không thể quên. Đến nay, những học viên như Linh, như Hận đều đã đoạn tuyệt với quá khứ. Cả hai đều có thời gian cải tạo tốt, được bồi dưỡng trở thành con người mới, những TNXP tiếp bước. “Con đường mới mà các học viên có được tại trường, ngoài sự hỗ trợ của những TNXP, còn từ nỗ lực của chính các anh chị, chúng tôi chỉ là những người truyền lửa” - chị Cẩm Hồng nói.
Trước đó, một ngày tháng 10-1976, khi được TP giao nhiệm vụ lập trường cải tạo thanh niên, ông Võ Viết Thanh (Bảy Thanh), Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP giai đoạn đó, cũng băn khoăn không kém. Ông cùng ông Tư Huy, phó chỉ huy trưởng lực lượng lên đường đi thực tế tại Xuyên Mộc. Sau khi thực địa, quan sát rừng, ông Bảy Thanh quyết định: “Tư Huy làm kế hoạch đi, tụi mình bắt tay vào làm”. Lời vị chỉ huy nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.
Nửa tháng sau đó, lực lượng TNXP đưa 400 quân lên, bắt đầu xây dựng cơ sở. Ông Tư Huy nhớ lại: “Ban đầu, anh em TNXP lên rừng, phát cây làm 3 nhà dài, mỗi nhà bề ngang chừng 6m, dài mấy chục mét có mái che để học viên ngủ. Anh em ngày làm, đêm đến tìm bụi dọn dẹp sơ sơ để ngả lưng. Ban ngày, khi không có cơm độn, anh em ăn bột mì luộc, nước lã cầm hơi để xây dựng kịp tiến độ”.
Ngày ấy, đến với nơi “rừng thiêng nước độc” Xuyên Mộc là những TNXP còn trẻ măng, tuổi chỉ đôi mươi, phần lớn vừa rời ghế nhà trường. Anh Phan Quang Hùng (nguyên là Liên đội trưởng Liên đội Xuyên Mộc) nhớ lại: “Được phân công đi Xuyên Mộc với nhiệm vụ “cải tạo thanh niên tệ nạn xã hội”, tôi ngơ ngác, không hiểu cải tạo là gì? Mới 21 tuổi, đang học dở đại học ở Sài Gòn, lấy gì để cải tạo những thanh niên thậm chí còn hơn tuổi mình, những người được xếp vào dạng thanh niên loại 4 - giật dọc, buôn bán chợ đen, mại dâm, nghiện hút…? Thôi thì làm liều”. Những bài giảng không giáo trình về lòng yêu nước, về lao động, về trách nhiệm của thanh niên với đất nước cứ thế đến với học viên. Chỉ khác một điều, ở trường luôn có 2 dạng lớp vẫn tồn tại song song. Một lớp dạy học viên và một lớp dạy cán bộ trẻ của TNXP.
Đến với ngôi trường này, không chỉ có TNXP mà còn nhiều trí thức khác, một phần tình nguyện lên rừng, một phần là những người từng tham gia làm việc trong chế độ cũ hiện đang trong diện học tập cải tạo. Ông Tư Huy nhớ lại: “Ngày ấy, tôi lên tận các điểm tổ chức học tập cải tạo, bảo lãnh và đề nghị một số trí thức tại đây về làm việc tại trường. Tôi đảm bảo mỗi gia đình trí thức sẽ được cấp gạo đủ ăn trong 2 năm (nguồn gạo do anh em trong trường trồng). Bản thân người đó sau khi phục vụ tại trường 2 năm, ai hộ khẩu ở đâu sẽ về đó. Đáng quý là những người thầy, người bác sĩ này rất nhiệt tình trong công việc, gắn bó với học viên…”.
“Sức mạnh khiến học viên tin mình chính là sự gương mẫu và tình thương. Nếu học viên ăn khổ, cán bộ ăn sướng; học viên lao động, cán bộ khoanh tay đứng nhìn, liệu học viên có tin và tự thay đổi bản thân?”, ông Tư Huy nói. Có lẽ nhờ vậy mà sau này, nhiều học viên đã phấn đấu rất tốt, trở thành TNXP, rồi trở về với đời thường khi đã rũ bỏ hẳn quá khứ. Niềm vui với những người làm thầy, làm cán bộ TNXP như ông Tư Huy, anh Phan Quang Hùng hay chị Cẩm Hồng tại Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới chính là tình nghĩa thầy trò. Nhiều học trò phương xa vẫn gọi điện hỏi thăm thầy mỗi khi có dịp, vẫn nhớ về ngôi trường trong rừng sâu, nơi họ có cơ hội trở thành những con người mới.
T. THẢO – A. CHÂN – M. HƯƠNG
| |
Bài 3: Những người giữ rừng
Anh Trần Thanh Phong, Đội trưởng Đội Thanh niên, chia sẻ: “Mỗi lần nghỉ phép, về nhà với vợ con, vui thật nhưng lại thấy sao cuộc sống ồn ã quá lại không chịu nổi, lại quay về rừng, về với anh em, với màu áo xanh TNXP thân thuộc và gần gũi…”.
>> Một thời tuổi trẻ biết xung phong - Bài 1: Xung phong