40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2019)

Một thời tuổi trẻ xung phong

Quân đội nhân dân Việt Nam không tiếc máu xương tiến vào Phnôm Pênh giải cứu nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo. Trong đội quân đó có những chàng trai, cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM… 
Thanh niên quận Bình Hòa (bây giờ là quận Bình Thạnh) nhận huy hiệu TNXP trước khi xuất quân ra chiến trường Tây Nam (Ảnh tư liệu của Hội Cựu TNXP quận Bình Thạnh)
Thanh niên quận Bình Hòa (bây giờ là quận Bình Thạnh) nhận huy hiệu TNXP trước khi xuất quân ra chiến trường Tây Nam (Ảnh tư liệu của Hội Cựu TNXP quận Bình Thạnh)

Thời hoa lửa

Tháng 4-1977, sau khi quân Pôn Pốt vượt biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, sát hại đồng bào ta, lực lượng TNXP TPHCM đã điều động hàng chục ngàn đội viên lên đường phục vụ chiến đấu.

Ông Nguyễn Thành Chinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TPHCM, kể: “Các Liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí là những đơn vị đầu tiên của TNXP được ra chiến trường phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu”. Trong những năm tháng gian khổ, hào hùng ấy, nhiều đơn vị TNXP rơi vào vòng vây quân thù vẫn bình tĩnh giữ vững đội hình, kiên cường chống lại địch và hy sinh anh dũng. Đã có 99 cán bộ, đội viên TNXP hy sinh và gần 200 người hiến dâng một phần thân thể của mình cho sự nghiệp bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Ký ức đau thương lúc bấy giờ mà ông Chinh và cựu TNXP không bao giờ quên là trận thảm sát tại xã Koky Som vào rạng sáng 22-7-1978, khi trong số 26 TNXP của Trung đội 3 (Đại đội 3, Liên đội 303, Tổng đội 3 TNXP) chỉ có 2 người  sống sót.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, TNXP TPHCM đã trực tiếp tham gia 96 trận đánh, tiêu diệt 1.200 tên địch, bắt sống 200 tên, phá hủy, thu giữ nhiều quân trang của địch; tham gia chuyển pháo, rà mìn, vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm ra chiến trường... Với những thành tích trên, TNXP TPHCM đã 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhớ lại những giây phút đó, ông Nguyễn Văn Tuấn - người may mắn sống sót trong trận thảm sát năm xưa - trầm lắng: “Khoảng 4 giờ hôm ấy, khi anh chị em TNXP thức dậy nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm, bất ngờ bọn Pôn Pốt kéo từ đồng ruộng vào đông đặc. Chúng hú hét và bắn thẳng vào căn chòi cùng hầm trú ẩn. Trung đội 3 có 26 người nhưng chỉ được trang bị 2 khẩu AK nên đã không cầm cự nổi. Anh em chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và ngã gục trước họng súng của quân thù. Tôi và chị Nguyễn Thị Lý bị thương nặng nhưng do đồng đội hy sinh nằm đè lên nên chúng tôi may mắn sống sót”.

Mái tóc điểm bạc, đôi mắt thỉnh thoảng lại ngấn nước mắt, ông Trịnh Văn Sáu, Liên đội phó 303, kể: “Đau đớn nhất là hình ảnh anh Ngô Đức Minh (Đại đội trưởng Đại đội 3), bị giặc đốt xác chỉ còn lại một phần thân thể khiến mọi người không còn nhận ra được. Sự tàn bạo của chiến tranh nằm ngoài sức tưởng tượng khiến tôi bàng hoàng và quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để cho linh hồn đồng đội được thanh thản”.

Ở biên giới Tây Nam những ngày ấy, không chỉ có trung đội TNXP gồm 24 anh chị hy sinh mà còn những sự mất mát khác. Với ông Chinh, đó còn là cuộc chiến đấu anh dũng của liệt sĩ Lê Tấn Phát. Trong lần cùng đồng đội ứng cứu một sĩ quan quân đội bị Pôn Pốt tập kích, Phát dũng cảm giải vây và hy sinh ngay trên trận địa. Đồng đội không thể quên được hình ảnh khi ấy của liệt sĩ Lê Tấn Phát, loạt đạn của địch ghim vào cơ thể Phát đúng theo chiều dọc của băng đạn mà anh đeo trên người.

Tri ân đồng đội

Với cô cựu sinh viên Đại học Luật Sài Gòn, cựu TNXP Mai Kim Ngân, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP phường 2 quận Bình Thạnh, khi nhắc đến những kỷ niệm về thời TNXP, nét mặt bà rạng ngời, ngâm nga câu thơ: “Tim còn đập, máu còn sôi/Thanh niên ta còn cười trong bão táp”, rồi bảo đó là một trong hàng trăm vần thơ khái quát tinh thần sục sôi cống hiến của thế hệ thanh niên Sài Gòn thời kỳ sau ngày giải phóng. Cuộc chiến đi qua 3 thập niên, Đảng, Nhà nước và TPHCM dành nhiều sự quan tâm cho cựu TNXP, bà Ngân cũng nhẹ lòng khi được hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. 

Sự “nhẹ lòng” của bà Ngân được ông Chinh khắc họa thêm, khi cho biết số liệu tạm thống kê cuối năm 2018, TPHCM có trên 62.000 cựu TNXP, trong đó nhiều người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, neo đơn, bệnh tật...Các cấp hội cựu TNXP TPHCM đã vận động kinh phí hơn 26,2 tỷ đồng thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như xây dựng 290 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ hơn 700 hộ gia đình cựu TNXP thoát nghèo, trao gần 500 suất học bổng cho con em cựu TNXP vượt khó học tốt, tặng hơn 130 thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên hoàn cảnh khó khăn, trao hơn 170 sổ tiết kiệm cho nữ cựu TNXP khó khăn…

TNXP thành phố đã chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với tất cả trái tim của tuổi trẻ, sẵn sàng có mặt ở nơi gian khổ, nóng bỏng lửa đạn, nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí, đồng đội và tinh thần chịu đựng gian khổ của cán bộ, đội viên TNXP thành phố đã góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trên chiến trường biên giới Tây Nam.

Tin cùng chuyên mục