Kể từ khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) trở thành 2 quốc gia độc lập vào năm 1948, Triều Tiên luôn được xem là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới. Chính vì vậy, đã có rất nhiều câu chuyện truyền khẩu nửa hư nửa thực, những lời đồn thổi kích thích trí tò mò xuất hiện.
Bất kỳ thông tin, hình ảnh nào về Triều Tiên, dù ít hay nhiều, cũng được cộng đồng quốc tế trông ngóng. Và bức màn che phủ thế giới bí mật đó đã phần nào được hé lộ khi Triều Tiên cho phép hãng thông tấn Mỹ AP đặt văn phòng tại thủ đô Bình Nhưỡng. Một cái nhìn rất khác so với những câu chuyện kể trước đây về xã hội Triều Tiên đã được phóng viên ảnh kỳ cựu của AP David Guttenfelder cùng một số đồng nghiệp Triều Tiên ghi lại và giới thiệu với công chúng trong triển lãm ảnh Window on North Korea tại New York, Mỹ.
Tại triển lãm, Guttenfelder kể lại rằng sau khi nhận nhiệm vụ và đặt chân đến châu Á, anh đã tự hỏi liệu đây có phải là quyết định đúng đắn? Anh đã khá thất vọng khi nghĩ tới “một sự khởi đầu hết sức khó khăn, nhiệm vụ chủ yếu được hình dung lúc đó chỉ là ghi lại những gì liên quan đến xung đột, không có gì khác để làm”.
Từng lăn lộn tại chiến trường Iraq, Afghanistan, công việc quen thuộc của Guttenfelder là viết, ghi hình lại các cảnh chết chóc. Sự chán chường chỉ bắt đầu vơi dần từ năm 2006, khi vị phóng viên ảnh AP này nhận nhiệm vụ tại Nhật Bản. Phóng sự ảnh đầu tiên của anh là những ghi nhận về hậu quả của trận động đất gây sóng thần đã tàn phá Nhật Bản tháng 3 năm ngoái. Quá trình thực hiện phóng sự ảnh và tận mắt chứng kiến những mất mát bi thương trong đời sống đã thực sự tạo cho tay máy của AP những xúc cảm mới lạ.
Rồi khi nhận nhiệm vụ tại Bình Nhưỡng, Guttenfelder cũng vấp phải khá nhiều khó khăn. Anh phải xây dựng các mối quan hệ, tìm cho mình một cộng sự phù hợp. May mắn cho Guttenfelder, anh gặp được Kim Kwang Hyon, một nhiếp ảnh gia người Triều Tiên. Những khó khăn ban đầu đã được đền bù xứng đáng khi Guttenfelder có cơ hội được thâm nhập sâu hơn vào đời sống thường nhật của quốc gia thuộc hàng bí mật nhất thế giới.
Hàng ngày, anh cùng cộng sự rong ruổi hết các hang cùng ngõ hẻm ở Triều Tiên để ghi lại những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây. Kia là dòng người xếp hàng dài chờ xe buýt, ở chỗ khác là một công trình xây dựng đang được thi công, những bé gái Triều Tiên hồn nhiên múa hát cùng bạn bè ở sân chơi, lão nông nghỉ mệt cuối buổi làm đồng, cô công nhân chăm chỉ sản xuất hay các vũ công trong một chương trình văn nghệ… là những góc nhìn khác về một Triều Tiên yên bình, có sức sống chứ không phải một Triều Tiên của hạt nhân và những tuyên bố làm thế giới phải quan ngại.
Câu chuyện về một Triều Tiên hoàn toàn khác, mang tính thâm trầm hiền hòa đã được người kể chuyện bằng hình Guttenfelder kể lại nhẹ như gió thoảng qua những hình chân thực tại triển lãm Window on North Korea.
Đỗ Cao