Một Việt kiều đam mê ngành môi trường

Ông Ngô Như Hùng Việt (Ngô Việt)- một Việt kiều Mỹ có gần 40 năm theo học, nghiên cứu và phát triển các dự án về bảo vệ môi trường. Cách nay 27 năm, ông đã lập nên Tập đoàn Lemna chuyên về các dự án môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng vĩ mô, thiết kế, phát triển chuyên về môi trường và tài chính dự án. Tập đoàn Lemna do ông Việt làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành không ngừng lớn mạnh và đến nay đã thực hiện hơn 320 dự án về môi trường cho nhiều nước trên thế giới. Năm 2009, Tạp chí Twin Cities Business đã vinh danh ông Việt là 1 trong 5 doanh nhân thành công nhất mọi thời đại của bang Minnesota, Mỹ.
Một Việt kiều đam mê ngành môi trường

Ông Ngô Như Hùng Việt (Ngô Việt)- một Việt kiều Mỹ có gần 40 năm theo học, nghiên cứu và phát triển các dự án về bảo vệ môi trường. Cách nay 27 năm, ông đã lập nên Tập đoàn Lemna chuyên về các dự án môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng vĩ mô, thiết kế, phát triển chuyên về môi trường và tài chính dự án. Tập đoàn Lemna do ông Việt làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành không ngừng lớn mạnh và đến nay đã thực hiện hơn 320 dự án về môi trường cho nhiều nước trên thế giới. Năm 2009, Tạp chí Twin Cities Business đã vinh danh ông Việt là 1 trong 5 doanh nhân thành công nhất mọi thời đại của bang Minnesota, Mỹ.

Mặc dù sự suy thoái của nền kinh tế thế giới gây khó khăn về tài chính và làm chậm trễ tiến độ một số dự án của Tập đoàn Lemna (Lenmna), tuy nhiên, Lemna vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, có trên 600 nhân viên tham gia vào các dự án trên toàn thế giới. Các dự án của Lemna có mặt hầu hết ở các nước như: Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Kenya, Libya, Nigeria, Việt Nam... Là lãnh đạo cao nhất của tập đoàn, nhưng gần 70% thời gian làm việc của ông Việt không phải ở trụ sở chính của  Lemna, mà ông đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện dự án.

Ông Ngô Việt sinh năm 1952 tại Huế. Sớm ham mê nghệ thuật và có dự định học ở Pháp, nhưng năm 18 tuổi, ông được giáo sư Harold Chase (Trường Đại học Khoa học Minnesota) đưa sang học tập và định cư ở Twin Cities (Minnesota, Mỹ). Học được một năm, ông Việt thấy vấn đề môi trường đang là mối quan tâm của các nước phát triển. Nhiều khu công nghiệp đã làm ô nhiễm nguồn nước sông và biển. Chính điều này đã thúc đẩy ông Ngô Việt tìm kiếm chuyên ngành về môi trường để học và từ đó ông bắt đầu đam mê về môi trường.

Khi còn là một kỹ sư trẻ, ông Ngô Việt đã thực hiện quy trình xử lý nước thải theo công nghệ tự nhiên bằng việc sử dụng một loại thực vật phổ biến là bèo tấm. Năm 1983, ông Ngô Việt và một nhà Vi sinh học tên Del Hogan đăng ký sáng chế độc quyền quy trình xử lý nước thải nêu trên và thành lập Lemna. Tên Lemna được lấy từ tiếng Latin, có nghĩa là bèo tấm, một loài thực vật có thể sống trong môi trường ô nhiễm của nước thải và được dùng làm thức ăn cho động vật hoặc làm phân bón cho cây trồng. Bốn năm sau, ông Ngô Việt đã thiết kế một hệ thống xử lý nước khổng lồ, đó là sự kết hợp giữa kỹ năng thiết kế và cảm quan nghệ sĩ của ông. Hệ thống này nằm ở gần khu vực hồ Devil, phía Bắc của Dakota và đã trở thành một biểu tượng của các nhà môi trường học, những người say mê nghệ thuật, những kỹ sư và ngay cả các du khách. Ông Việt đã phát biểu tại Đại học Minnesota rằng: “Thiết kế của tôi là “Công viên xử lý nước”, nó sẽ góp phần tô điểm thêm và mang một ý nghĩa tốt đẹp đến với cộng đồng mà hệ thống này sẽ phục vụ”.

Phun xịt chế phẩm khử mùi sinh học xung quanh Nhà máy Vietstar

Phun xịt chế phẩm khử mùi sinh học xung quanh Nhà máy Vietstar

Ông đã nhìn thấy những cơ hội mở rộng và phát triển Lemna gồm có việc đầu tư tài chính và quản lý các dự án về cơ sở hạ tầng cũng như các dự án đa dạng về môi trường giữa các nền kinh tế đang phát triển của thế giới. Cuối thập niên 1980, Lemna đã giúp xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tại Ba Lan sau dịp gặp gỡ các đại diện từ đất nước này tại một hội chợ thương mại. Vài năm sau, ông Ngô Việt cũng đã tham gia những dự án khả thi tại Kenya và các quốc gia châu Phi khác. Dự án đầu tiên Lemna hoàn thành tại châu Phi là một dự án giao thông đường bộ ở Nigeria. Và sau đó là hàng loạt những dự án mang tầm quốc tế khác và cho đến năm 2000 thì việc kinh doanh ở nước ngoài của công ty ông đã vượt xa việc kinh doanh tại Mỹ.

“Vì sao ông chọn Việt Nam là nơi đầu tư lớn?”, ông Ngô Việt cho biết, hàng chục năm xông xáo làm việc ở nhiều nước trên thế giới, quan sát nhiều nơi, ông thấy còn nhiều quốc gia chưa chú trọng đến môi trường, ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế, và Việt Nam cũng không tránh khỏi điều đó. Là người Việt Nam, ông Ngô Việt rất muốn giúp đất nước. Ông đã tranh thủ giành các khoản tài trợ của Hoa Kỳ về môi trường để đưa về Việt Nam thực hiện.

Vừa qua, ông Ngô Việt cũng đã làm việc với lãnh đạo một số địa phương tại Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư và hợp tác với chính quyền các địa phương để thực hiện xử lý rác hiệu quả. Với nền tảng là dự án xử lý rác thải Công ty Vietstar tại Củ Chi, Tập đoàn Lemna sẽ phát triển thêm dự án xử lý rác khác ra một số địa phương như Huế, An Giang…

Hiện nay ở Việt Nam đã có một số nhà máy xử lý rác nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Theo ông Ngô Việt, làm ngành môi trường không thể mới hoạt động là có lợi nhuận ngay được. Một số nơi nhập công nghệ xử lý rác châu Âu nhưng công nghệ này lại chưa phù hợp với rác tại Việt Nam nên chưa thể phát huy hiệu quả. Bởi lẽ, do thói quen sinh hoạt của từng vùng miền khác nhau nên rác của mỗi vùng cũng khác nhau. Nếu nhập khẩu dây chuyền máy móc nhưng không thiết kế phù hợp với rác của từng khu vực sẽ không thể thu được kết quả tốt. Khi đưa công nghệ vào Việt Nam, ông Việt đã thay đổi một số hạng mục cho phù hợp với thành phần rác của Việt Nam. Ông còn dự định thành lập một khu công nghiệp chế biến rác thải quy mô lớn. Qua đó, Tập đoàn Lemna sẽ đào tạo tại chỗ một đội ngũ công nhân, kỹ sư lành nghề để xuất khẩu công nghệ và giúp những người này đi làm việc cho các nước khác như những chuyên gia quốc tế.

Hệ thống xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ sinh học của Vietstar

Hệ thống xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ sinh học của Vietstar

Nay ông Việt đã 58 tuổi và có 3 người con trai đã trưởng thành. Với vị trí là Chủ tịch, đồng thời là Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lemna International, ông còn phụ trách việc hợp tác và phát triển kinh doanh của Công ty Vietstar. Phu nhân, bà Poldi Gerard là Phó Chủ tịch Tập đoàn Lemna, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vietstar phụ trách về công việc đối ngoại, quảng bá tiếp thị và hoạch định chiến lược. Hầu hết quỹ thời gian của hai vợ chồng ông Ngô Việt dành cho những dự án trên khắp các châu lục. Nói về bà Poldi Gerard như là bạn tâm giao của mình, ông Ngô Việt cho rằng: “Tôi không thể làm được gì nếu không có cô ấy giúp đỡ”.

Năm 2008, với hơn 300 dự án đã hoàn thành cùng với danh tiếng của mình, Tập đoàn Lemna đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động. Thế còn tương lai? Ông Việt chia sẻ: “Chúng tôi muốn trở thành một công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn”.

Những dấu mốc trong cuộc đời của ông Ngô Như Hùng Việt và Tập đoàn Lemna

- Năm 1952: Ông Ngô Như Hùng Việt sinh ra tại thành phố Huế.

- Năm 1970: Trúng tuyển vào Trường Đại học Minnesota, nơi ông học khoa Công trình Dân dụng và Nghệ thuật Điêu khắc, rồi chuyển sang học ngành Môi trường.

- Năm 1983: Sau nhiều năm là một Tư vấn xây dựng, ông Ngô Việt và một đối tác thành lập nên Tập đoàn Lemna, vận dụng phát minh của họ về quy trình xử lý chất thải sử dụng bèo tấm, một loại thực vật nhỏ nước ngọt.

- Năm 1985: Tập đoàn Lemna giành được hợp đồng đầu tiên ở Mỹ về xử lý nước thải.

- Năm 1987: Kết hợp bí quyết kỹ thuật của ông Việt với tài năng về tác phẩm nghệ thuật cỡ lớn, Tập đoàn Lemna tạo nên nhà máy xử lý nước thải ở Bắc Dakota với thiết kế ống xoắn thu hút sự quan tâm của công chúng và giới kinh doanh.

- Năm 1988: Tập đoàn Lemna xây dựng nhà máy xử lý nước thải đầu tiên ở Ba Lan. Vài năm sau, ông Việt bắt đầu đấu thầu nhiều dự án ở châu Phi.

- Năm 2000: Tập đoàn Lemna hoạt động vượt xa Lemna tại Mỹ.

- Năm 2005: Tập đoàn Lemna đã thực hiện dự án ở 20 nước.

- Năm 2008: Tập đoàn Lemna ghi dấu lễ kỷ niệm bạc bằng việc hoàn thành hơn 300 dự án khắp thế giới.

- Năm 2009: Khánh thành nhà máy Liên hợp xử lý chất thải rắn đô thị Vietstar Lemna tại TPHCM, Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 63 triệu USD, là một trong những trung tâm xử lý và tái chế chất thải rắn lớn nhất châu Á.

- Năm 2010: Nhận Giấy chứng nhận đầu tư khu phức hợp tái chế và xử lý chất thải sinh hoạt tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD. Đây là dự án thứ hai của Tập đoàn Lemna tại Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển sâu rộng của Tập đoàn Lemna tại thị trường Việt Nam.

TRẦN LÊ

Tin cùng chuyên mục