Mùa canh trộm cà phê

Mùa canh trộm cà phê

Cà phê đến mùa thu hoạch đang bị trộm đột nhập vào rẫy hái trụi quả, thậm chí cắt cành mang đi. Để bảo vệ cà phê, nông dân ngày đêm lo đi canh trộm, số khác “cắn răng” hái cà phê còn xanh, dù biết như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng.

Đủ kiểu trộm cà phê

Theo đánh giá chung của nông dân, năm nay cà phê mất mùa nghiêm trọng, nhiều vườn sụt giảm sản lượng đến 40%. Một trong những lý do gây mất mùa là hạn hán kéo dài, không đủ nước tưới, gây tác động đến sinh trưởng của cây. Điều an ủi duy nhất là giá cà phê tăng cao. Có thời điểm lên đến 44.000 đồng/kg cà phê nhân - mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cũng vì cà phê có giá nên tình trạng trộm cắp diễn ra nhiều nơi, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Tây Nguyên.

Tổ bảo vệ của Công ty Cà phê Ia Grai tuần tra giữ vườn cà phê

Đến nhà tìm anh Nguyễn Văn Toàn (thôn Tân Lập, xã A Dơk, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), đứa con trai lớn lắc đầu nói: “Chú lên rẫy mà tìm. Bố đang canh trộm trên đó”. Rẫy cà phê của anh Toàn nằm ở thôn Blo, xã Adơk, cách nhà anh khoảng 2km, có diện tích 2,5ha với 2.500 cây cà phê đang cho thu hoạch. Lên đến rẫy, thấy anh Toàn đang ngồi trong chòi nghỉ chân uống nước, rồi lại đi một vòng kiểm tra quanh vườn. “Mỗi cây cà phê cho năng suất khoảng 30kg. Hồi giữa tháng 10, trộm vào hái mất quả của 10 cây. Ngoài tuốt sạch sành sanh quả, có cây chúng còn ngang nhiên cắt cả cành mang đi. Mà cây cà phê bị cắt cành thì thất thu mấy năm liền. Gia đình không còn cách nào khác phải bỏ công đi canh giữ”, anh Toàn nói.

Tương tự, hàng xóm của anh Toàn là anh Nguyễn Nhật Hiền (công an viên thôn Tân Lập) có rẫy cà phê trồng tại thôn Blo, xã A Dơk cũng nhiều lần bị trộm viếng thăm. “Vườn cà phê tôi ra công chăm sóc gần cả năm, đến lúc thu hoạch thì trộm lấy mất miếng ăn. Tôi quyết phải rình bắt cho được. Trong một lần mai phục, tôi bắt quả tang 2 đối tượng khoảng 14 tuổi ở làng Blo đang hái trộm nên bắt giao cho làng xử phạt theo luật tục”, anh Hiền nói. Cũng theo anh Hiền, ngoài hộ anh, còn nhiều hộ khác trong thôn cũng bị hái trộm cà phê.

Tại Kon Tum, tình trạng nhập nha cũng xảy ra ở 2 huyện trồng cà phê lớn của tỉnh là Ngọc Hồi, Đắk Hà. Nhắc đến bọn trộm, ông Vũ Văn Trường (thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi) chua chát nói: “Chúng ác lắm, mới đầu vụ đã “nuốt sạch” 20 cây cà phê của gia đình tôi. Lựa cà phê trĩu hạt hái đã đành, chúng còn cắt hết cành mang đi. Kiểu này mấy năm sau mới cho thu hoạch lại được”. Cũng có trường hợp kẻ gian lợi dụng ở nhà không có người trông, đột nhập vào lấy luôn cà phê đang phơi. Riêng ở huyện Đắk Hà, nạn trộm cà phê táo tợn diễn ra ở xã Đắk Mar và xã Hà Mòn. Nhiều nơi, người dân sợ mất trộm đành phải hái cà phê khi quả còn xanh, chưa chín đều.

Trắng đêm canh trộm

Có mặt tại các rẫy cà phê ở thôn Tân Lập, xã A Dơk vào thời điểm này, chúng tôi thấy các hộ gia đình bỏ nhà ra rẫy cà phê ăn, ở để canh trộm. Nhiều hộ dân có rẫy cà phê cạnh nhau thì phối hợp tuần tra, bảo vệ. Như hộ anh Nguyễn Văn Toàn (thôn Tân Lập, xã A Dơk) kết hợp 3 hộ khác cùng tham gia giữ cà phê chung. “Việc canh trộm kéo dài suốt mùa thu hoạch, mình không phải lúc nào cũng canh được nên tốt nhất là phối hợp cùng anh em có rẫy bên cạnh để cùng giữ”, anh Toàn lý giải.

Ông Hoàng Ul (thôn Blo, xã Adơk) cho biết, để ngăn ngừa tình trạng người trong làng lén trộm cà phê của nhau, đầu năm 2016, thôn trưởng cùng già làng đã ban hành quy ước: con cháu trong buôn nếu bị bắt quả tang sẽ bị phạt 1 triệu đồng/kg cà phê trộm. Hồi giữa tháng 10, có 2 thanh niên trong làng tham gia trộm cắp 40kg cà phê của người dân thôn Tân Lập, xã Adơk, chúng tôi đã đưa 2 người này ra trước thôn để kiểm điểm, xử phạt. Gia đình cùng 2 đối tượng đã ăn năn, thành khẩn trước làng. Từ đó đến nay, tại thôn không xảy ra trộm cắp cà phê nữa.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó phòng kế hoạch, Công ty Cà phê Ia Grai, cho biết: “Công ty hiện quản lý 900ha cà phê. Để bảo vệ vườn cây, chúng tôi đã thành lập 9 tổ bảo vệ ở 9 đội. Mỗi tổ 5 - 7 người quản lý khoảng 90ha. Nếu trong phạm vi quản lý, tổ nào để xảy ra mất trộm cà phê thì phải đền bù đúng bằng số cà phê bị mất. Vì vậy, các thành viên trong tổ phải dựng chòi, ngày đêm thay nhau tuần tra, canh gác. Nhờ thế tình trạng trộm cắp giảm hẳn”.

Còn theo ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), ngay từ đầu vụ thu hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện phối hợp với công an xã và các công ty cà phê tổ chức lực lượng tuần tra. Ngoài ra, phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc quản lý tạm trú tạm vắng đối với lực lượng nhân công thu hái cà phê. Huyện cũng khuyến cáo người dân không dùng bẫy điện giăng trong vườn cà phê để chống trộm, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Hữu Phúc

Tin cùng chuyên mục