Đại diện một số khu vui chơi lớn tại TPHCM cũng chia sẻ, hàng ngàn tấn trái cây tươi các loại sẽ “cập bến” từ đầu tháng 6 này.
Giá mềm
Hiện tại, trái cây (vải thiều, sầu riêng, chôm chôm…) đang rộ mùa nên giá bán khá cạnh tranh. Chẳng hạn, sầu riêng cơm vàng có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc loại 1 giá 80.000 - 90.000 đồng/kg… Riêng vải thiều vận chuyển xa bằng đường bộ nên giá bán 35.000 - 50.000 đồng/kg (nhưng lúc rớt giá chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg vì dội chợ). Với vải thiều vận chuyển theo đường hàng không có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg tùy nơi bán.
Chị Mai Viết Ngọc (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cho biết, nhìn chung giá trái cây được điều chỉnh liên tục, mặt bằng giá đã rẻ hơn so với vài tuần trước do nhiều loại trái đang vào chính vụ thu hoạch. Theo ông Trần Đức Thịnh, Trưởng ngành hàng trái cây chợ đầu mối Bình Điền, vài ngày qua trái cây chuyển về chợ quá nhiều, nên giá bán khá rẻ. Điển hình như vải thiều vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM. Có thời điểm, giá vải thiều vận chuyển bằng đường bộ bán sỉ tại chợ chỉ từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng tiểu thương vẫn khó đẩy hàng.
Ghi nhanh tại một số hệ thống siêu thị như Co.opMart, BigC, giá thanh long 23.500 đồng/kg, vải thiều khoảng 48.000 đồng/kg, bưởi năm roi 39.900 đồng/kg… Thêm nữa, hệ thống siêu thị Co.opMart cũng đang giảm giá các mặt hàng trái cây trong “Tuần lễ trái cây Nam bộ”. Tương tự, tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên (quận 9) đang diễn ra lễ hội “Trái cây Nam bộ” với hàng ngàn tấn trái cây đặc sản từ khắp các vùng miền đổ về. Mức giá bán cam kết do lãnh đạo Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên thông tin, luôn rẻ hơn thị trường từ 10% - 15%.
Không chỉ hàng nội địa giảm giá, mà các mặt hàng ngoại nhập cũng chạy đua hạ giá. Điều này thể hiện rõ qua giá niêm yết tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TPHCM. Chẳng hạn, mặt hàng lê, táo nhập từ Nam Phi, Hàn Quốc có khuyến mãi dao động từ 30.000 - 70.000 đồng/kg, tùy loại.
Nhận xét thêm về thực tế trái cây ngoại hạ giá bán, ông Lê Thiết Văn, chuyên doanh mặt hàng trái cây nhập khẩu tại quận 1, cho rằng lượng hàng từ các doanh nghiệp nhập về tiêu thụ ở TPHCM khá lớn, trùng với mùa cây rộ trái tại nhiều quốc gia (Thái Lan, Nam Phi, Mexico…) nên chào bán với mức giá cạnh tranh. Chính vì thế, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đều tăng cường khuyến mãi, giảm giá bán trái cây ngoại nhập để thu hút khách. Từ đó, người tiêu dùng có thêm cơ hội mua hàng giá mềm, dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Chăm chút hàng cao cấp
Xu hướng tiêu thụ các mặt hàng nông sản sạch, giá cao, trong đó có trái cây ngày càng phổ biến. Dạo quanh một số cửa hàng chuyên về nông sản sạch, được trồng theo hướng hữu cơ trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), Nguyễn Thái Học (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3)… chúng tôi thấy khá đông khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. “Giới trẻ, những gia đình có điều kiện kinh tế, ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe của mình. Do vậy, họ luôn chọn mua các mặt hàng chất lượng cao, giá cả không thành vấn đề. Cherry, dưa lưới, bơ sạch… nhập khẩu có giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng mỗi ký, cao gấp 2 - 3 lần so với bình thường, nhưng người mua vẫn đặt hàng liên tục”, chị Nguyễn Lan, nhân viên chuyên doanh trái cây sạch nhập khẩu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, cho biết.
Bà Nguyễn Thị Minh Ánh, chuyên doanh trái cây Tây Nguyên (ngụ tại đường Trường Chinh, quận Tân Bình), phân tích nông sản Việt Nam thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nghịch lý này tái diễn đều đặn hàng năm, nhưng vẫn loay hoay chưa tìm được hướng ra. Sau những lần “dội chợ”, các địa phương lại kêu gọi “giải cứu” nông sản. Tại sao điệp khúc này cứ xảy ra? Câu trả lời chính là việc nuôi trồng của bà con mang đậm tính tự phát, không tìm phương thức canh tác mới để tăng năng suất, gia tăng thu nhập.
Chính vì vậy, chất lượng sản phẩm không cao, giá trị gia tăng thấp. Cách nay vài tuần, tại buổi xúc tiến nông sản do TPHCM phối hợp với một số địa phương tổ chức, nhiều doanh nghiệp chuyên doanh ngành hàng trái cây của TPHCM đã thắc mắc rằng, tại sao bà con nông dân không đến trao đổi thêm với tiểu thương để tìm hướng ra cho nông sản. Vào ngày cao điểm, mỗi chợ đầu mối của TPHCM tiêu thụ khoảng 500 tấn trái cây, chứng tỏ thị trường tiêu dùng TPHCM rất tiềm năng. Điều cần nhất chính là khả năng cung ứng nguồn hàng đảm bảo, ổn định cả số lượng và chất lượng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm sạch đúc kết rằng, phân khúc hàng nông sản chất lượng cao, trong đó có trái cây, luôn kén khách hàng bởi mức giá cao để tương thích với chất lượng. Quá trình trồng cây của nông dân cũng vất vả hơn rất nhiều, chi phí đầu tư cao hơn so với phương pháp nuôi trồng kiểu cũ. Tuy vậy, một khi hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận, xem như đã chạm tới ngưỡng cửa của sự thành công. Xu hướng chung hiện nay chính là tiêu thụ nông sản sạch. Đã qua thời “ăn no”, bởi ngày nay người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thay vì số lượng. Ăn ít nhưng an toàn sẽ có lợi cho sức khỏe.