Mùa dịch bệnh rình rập

Mùa dịch bệnh rình rập

Cùng với dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp với số người mắc không ngừng gia tăng ở khu vực các tỉnh phía Nam thì tại miền Bắc đang vào thời tiết của đông - xuân nhưng lại khắc nghiệt, nhiệt độ thay đổi thất thường đã tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân. Đáng lo ngại hơn khi đây cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát như: sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng, sởi, rubella, viêm não.

Zika tung hoành, cúm đe dọa

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay, Zika đã trở thành virus lưu hành tại nước ta nhất là tại khu vực phía Nam do thời tiết nóng ẩm gây ra, đặc biệt là muỗi vằn truyền sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền virus Zika có mật độ rất cao. Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 12-2016, cả nước đã ghi nhận khoảng 150 trường hợp nhiễm virus Zika tại các địa phương: TPHCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên và Đồng Nai. Trong đó số ca mắc tại khu vực TPHCM chiếm tới trên 90% trong tống số ca mắc. Nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo, hiện nay, tại khu vực phía Nam, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao sẽ khiến số người mắc virus Zika còn tiếp tục tăng cao do muỗi vằn truyền bệnh gây ra.

Bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp với số người mắc không ngừng gia tăng ở khu vực các tỉnh phía Nam.

Trong khi đó, tại khu vực miền Bắc, thời tiết đông - xuân nhưng nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến cho cơ thể con người giảm sức đề kháng, làm nhiều dịch bệnh đe dọa. TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, dịp cuối năm, dịch bệnh cúm, nhất là cúm A/H5N1, H1N1… rất dễ bùng phát và lan rộng vì đây là thời điểm mà nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm thực phẩm từ gia cầm tăng cao, trong đó không tránh khỏi nguy cơ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Bên cạnh đó, hiện nay, tại một số quốc gia ở châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... dịch cúm gia cầm cũng đang gia tăng và phức tạp. Ở trong nước từ đầu năm tới nay đã phát hiện 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 với trên 6.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Mặc dù các ổ dịch cúm gia cầm đã được khống chế nhưng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) vẫn cảnh báo các địa phương cần chủ động phòng chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như H7N9. Trước việc virus cúm đang đe dọa sức khỏe con người, một số chuyên gia y tế cảnh báo, khi bị nhiễm virus cúm thường có các biểu hiện như: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho… nhưng lại rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh trong giai đoạn mùa đông xuân. Vì thế, khi cơ thể có các biểu hiện trên cần phải rất cảnh giác và nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Cẩn trọng dịch bệnh từ động vật

Mặc dù có số ca mắc không nhiều như các dịch bệnh thường gặp, nhưng bệnh liên cầu khuẩn lợn lại rất nguy hiểm khi số người mắc và tử vong thường tăng cao vào mùa đông - xuân. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước đã có 17 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn với 2 ca tử vong. Theo TS Trương Đình Bắc, dù không gây thành dịch, nhưng bệnh liên cầu khuẩn lợn lại chủ yếu xảy ra vào mùa đông - xuân vì đây cũng là thời điểm cuối năm, người dân tại nhiều địa phương có phong tục giết mổ heo ăn tết và lễ hội. Trong khi đó, không ít người lại có tâm lý cho rằng heo nhà nuôi không sợ bệnh nên nhiều người đã ăn tiết canh heo. Tuy nhiên, thực tế trong một đàn heo khỏe cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể mang vi khuẩn liên cầu. Đó là lý do tại sao có những gia đình tự nuôi heo, thấy heo rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.

Mùa đông - xuân với sự thay đổi thất thường của thời tiết cũng khiến cho các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, viêm màng não bùng phát. Thống kê cho thấy, tính đến nay, cả nước ghi nhận hơn 27.000 người mắc tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành, tập trung nhiều tại TPHCM, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng. Bên cạnh đó, số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng rất cao lên tới hơn 72.000 người, với 21 ca tử vong. Tệ hơn khi một số bệnh từ lâu không xuất hiện, hay đã được khống chế thì lại đang có chiều hướng quay trở lại như: bạch hầu, ho gà. Bên cạnh đó, các dịch bệnh mới nổi như: Ebola, Mers-CoV cũng có nguy cơ xâm nhập cao vào nước ta.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, dịch bệnh gia tăng là do gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, môi trường ô nhiễm và cả sự chủ quan của người dân trong phòng chống dịch bệnh. Do đó, để phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, người dân cần phải thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành y tế về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng heo và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín, cũng như không sử dụng gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt, không tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là với trẻ em.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục