Khủng hoảng nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang đe dọa nền kinh tế Nhật Bản. Nó khiến đồng yên tăng giá và kinh tế tiếp tục giảm phát. Càng áp lực hơn khi Nhật Bản phải chịu sự hạn chế tối đa sử dụng điện do nhà máy điện hạt nhân cuối cùng đã đóng cửa ngày 6-5. Người Nhật sẽ vượt qua mùa hè khắc nghiệt này như thế nào?
Hiểm họa lớn nhất
Trả lời phỏng vấn hãng tin Dow Jones Newswires cuối tuần rồi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định, khủng hoảng nợ của eurozone là hiểm họa lớn nhất đối với nền kinh tế Nhật. Nước Nhật đang đứng trước hai thách thức lớn, đồng yên tăng giá và giảm phát.
Ông Noda cho biết khủng hoảng nợ châu Âu làm đồng yên tăng giá, dẫn đến tình trạng hàng xuất khẩu của Nhật Bản (phần lớn là ô tô và thiết bị điện tử) mất tính cạnh tranh và ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài. Đồng yên trong những ngày gần đây tăng giá so với đồng USD do những lo ngại về tình hình Hy Lạp. Trước đó tháng 2-2012, dưới tác động của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, 1 USD đổi được 84 yên, còn nay chỉ đổi được dưới 80 yên.
Tuần trước, tập đoàn sản xuất đồ điện tử nổi tiếng của Nhật Bản Panasonic đã công bố mức lỗ thường niên lên tới 9,67 tỷ USD do sức ép từ đồng yên tăng giá, ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên năm ngoái cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ trên toàn cầu. Giá cổ phiếu Panasonic ngay lập tức giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 30 năm qua, giảm 1,55% xuống còn 7,13 USD trong ngày 11-5.
Trước đó, tập đoàn Sumco-nhà cung cấp linh kiện cho Sony và Toshiba dự báo mức lỗ tương đương 1,1 tỷ USD. Sumco còn phải chi hơn 700 triệu USD để tái cơ cấu và đóng cửa hai nhà máy sản xuất ở Nhật Bản. Hitachi đã có kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất tivi còn lại tại Nhật Bản vào tháng 9 tới sau khi liên tục báo cáo lỗ. Tập đoàn Sumco cho biết sẽ cắt giảm 1.300 việc làm. Tập đoàn NEC - nhà sản xuất thiết bị và linh kiện viễn thông Nhật Bản đầu năm nay đã sa thải 10.000 lao động.
Do những hệ lụy trên nên ông Yoshihiko Noda cho rằng, Nhật Bản và nhiều nước khác không thể khoanh tay đứng nhìn vì đây không chỉ là vấn đề của riêng châu Âu mà nó có thể ảnh hưởng đến toàn cầu. Đó là lý do Bộ Tài chính Nhật Bản tháng trước cam kết cung cấp cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 60 tỷ USD (khoản cho vay lớn nhất trong số các nước thành viên) nhằm giúp tổ chức này thiết lập “bức tường lửa toàn cầu” nhằm chống lại khủng hoảng nợ châu Âu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 diễn ra ngày 18 và 19 tới, Thủ tướng Nhật Bản cho biết sẽ thảo luận nhiều vấn đề với lãnh đạo các nước về cuộc khủng hoảng trên.
Khó khăn chồng chất
Song song với những khó khăn trên, ngành sản xuất xương sống của Nhật Bản còn gặp thêm một khó khăn xuất phát từ nguồn cung điện trong mùa hè này. Từ ngày 6-5 vừa qua, không nhà máy điện hạt nhân nào còn hoạt động ở Nhật Bản. Theo Bloomberg, 3 công ty điện lực Kansai, Kyushu và Hokkaido sẽ cùng đồng loạt thiếu điện trong mùa hè này khi không có nguồn điện hạt nhân.
Trong đó, Công ty Kansai có thể thiếu hụt gần 15% nhu cầu. Điều đáng lo ngại, khu vực Kansai đóng góp 1/5 GDP cả nước nên việc thiếu hụt điện sản xuất tại khu vực này sẽ tác động tiêu cực đáng kể đối với Nhật Bản. Công ty còn lại là Kyushu và Hokkaido dự kiến sẽ thiếu hụt lần lượt 2,2% và 1,9%.
Theo tờ Yomiuri, những người sử dụng điện tại khu vực Kansai này có thể sẽ bị yêu cầu cắt giảm lượng điện sử dụng tới 20%. Tại Kyushu và Hokkaido, yêu cầu cắt giảm là 12% và 8%. Chính phủ Nhật Bản đã tính đến phương án yêu cầu khu vực phía Tây đang sử dụng nguồn điện do các công ty điện lực Chubu, Hokuriku, Chugoku và Shikoku cung cấp phải giảm 5% lượng điện sử dụng để hỗ trợ Kansai trong lúc cao điểm. Việc thiếu hụt sản lượng điện có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản càng trì trệ hơn.
Để bù đắp sản lượng điện bị cắt giảm khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, các nhà máy điện tại quốc gia này sẽ phải dùng nhiều dầu thô hơn. Các chuyên gia dự đoán chi phí năng lượng sẽ tăng lên mức 88 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2013 từ mức 73 tỷ USD trong năm trước đó.
NHƯ QUỲNH