Trời Mèo Vạc (Hà Giang) đã chớm vào hạ, những sợi nắng vàng chưa đủ sưởi ấm mênh mông núi rừng vừa trải qua những ngày dài rét đậm rét hại, trong nắng vẫn còn se sắt cái lạnh buốt da. Tôi đi dưới nắng hạ buồn vùng cao Tây Bắc, lòng nao nao nhớ về Sài Gòn, nhớ khúc nhạc mùa hè của những nhạc sĩ ve con trỗi lên trên những hàng me.
Mèo Vạc cũng nắng vàng mùa hạ và bầu trời xanh trong như Sài Gòn. Nhưng mọi người không mong đợi nghe tiếng ve sầu trỗi khúc nhạc buồn muôn thuở, mà họ đợi chờ mùa hoa lá ngón.
Mùa hoa lá ngón nở cũng là dịp để các đôi tình nhân ngỏ lời yêu đương. Người lớn tuổi thì hối hả quảy gùi lên núi tìm hái lá há ía, loại lá quý hiếm dùng làm men nấu rượu. Đây là loại rượu đặc biệt chỉ dành tặng người yêu trong đêm tình phiên chợ Khâu Vai. Có hạnh phúc nào bằng trong đêm tình (26-3 ÂL) cùng người yêu nâng chén rượu há ía, dù uống suông mà nồng nàn đốt cả tâm can, cho môi thêm mềm thay lời yêu đương cháy bỏng khát khao.
Còn các chàng trai cô gái vai kề vai thầm thì lời từ trái tim, có người mới quen còn e thẹn, kẻ trước người sau không nói một lời, thỉnh thoảng đứng lại giả bộ trầm trồ đóa hoa lá ngón để có dịp khẽ liếc nhìn nhau, đôi má cô gái chợt đỏ bừng mà nụ cười chưa dám trọn. Họ cứ đi như vậy qua mấy ngọn đồi trên những lối mòn quanh co, hoa lá ngón vẫy chào theo từng bước chân, như chia sẻ niềm vui hai trái tim sắp hòa chung nhịp đập.
Rồi theo thông lệ muôn thuở của những người yêu nhau, chàng trai ngắt một nụ hoa lá ngón đang thì tươi thắm, tặng người tình với lời yêu đương nồng nàn: “Em xinh đẹp như hoa lá ngón, sắt son một lòng như hoa lá ngón chỉ duy nhất màu vàng mà thôi. Hẹn gặp lại em tại phiên chợ tình Khâu Vai”. Lời tỏ tình cũng là lời dặn dò “em chỉ yêu mình anh thôi nhé”, mà hầu như tất cả chàng trai vùng Tây Bắc đều thuộc nằm lòng. Một câu nói vô tình trở thành nỗi ám ảnh oan nghiệt cho thân phận người phụ nữ. Có thể nói lá ngón cực độc, từ xưa đến giờ có rất nhiều cô gái ăn lá ngón quyên sinh để chứng tỏ lòng son sắt của mình với người yêu, không có phương thuốc nào cứu chữa được, dù chỉ ăn một lá.
Tôi chợt nhớ mới hôm qua đi ngang một bản làng của bà con người Mông gần chợ phiên Mèo Vạc, tôi thấy có một đám tang mà mọi người gọi gọn lỏn “lá ngón” để cho biết rằng kẻ xấu số ăn lá ngón quyên sinh vì tình. Hỏi thăm tôi mới biết nơi đây cứ gần đến ngày phiên chợ tình Khâu Vai, các chàng trai mới có bạn gái xuống chợ Mèo Vạc chụp ảnh chân dung của mình dành tặng người yêu, với ngụ ý là chỉ có hình ảnh này trong tim em thôi nhé. Còn các cô gái chọn mua đôi giày mới tặng người tình với lời nhắn nhủ: “Dù cách trở mấy suối mấy đồi, chân cứng đá mềm, anh hãy mang đôi giày này đi tìm em”. Nhưng sau đó anh đã cương quyết nói lời chia tay, quá đau khổ và cũng để chứng tỏ lòng son sắt thủy chung, cô gái quyên sinh bằng ăn lá ngón. Đám tang buồn đến não lòng trong chiều lạnh giá.
Chợt tôi nghe tiếng mõ khoan nhặt nhịp đều vang vang trong gió. Tiếng mõ càng lúc càng gần, âm thanh không theo tiết tấu của một bản nhạc nào, nhưng mọi người lại náo nức lắng nghe, vui mừng vây quanh người đánh mõ nói lời cám ơn. Đó là một phụ nữ người Mông tuổi khoảng 40, một tay cầm mõ, tay cầm dùi, trên chóp khăn chị còn cột cái bong bóng bay lơ lửng ngang đầu. Chị len lỏi đi qua từng tảng đá tai mèo thưa thớt bóng cây, khi thì biến mất vào đá, lúc như từ trong đá bước ra, tiếng mõ cứ từng hồi vọng vào đá thôi thúc, xa đưa.
Tôi vô cùng ngạc nhiên trước hiện tượng này, bèn hỏi chuyện người đánh mõ. Chị cho biết: “Bà con nơi đây làm gì có quyển lịch để treo trong nhà, với lại quanh năm làm lụng vất vả, không biết đến ngày tháng, nên sợ không nhớ ngày phiên chợ tình Khâu Vai. Ngày chợ tình mà không đi gặp người yêu thì đau khổ lắm, mà cũng tội nghiệp lắm cho người đến chợ cô đơn mỏi mòn mong ngóng người yêu, rồi thất vọng quay về chờ đến năm sau,vì một năm chợ tình chỉ họp có một lần. Tôi đánh mõ để báo cho mọi người biết sắp đến ngày phiên chợ tình”. “Nhưng chị còn đeo theo cái bong bóng để làm gì” - tôi hỏi. Chị nhanh nhẩu trả lời: “Để cho những người ở xa không nghe tiếng mõ, nhưng khi thấy bong bóng bay, là họ hiểu ngay người đánh mõ báo chợ tình sắp họp”.
Người đánh mõ tiếp tục lên đường, tiếng mõ lại vang vang theo gió, bay qua những núi đá tai mèo đến các bản làng xa, như thúc giục những búp non tơ hoa lá ngón mau nở rộ khoe màu vàng rực rỡ, để cùng những đôi tình nhân đón phiên chợ tình Khâu Vai.
Nguyễn Tường Lộc