Mùa lễ hội 2018: Dẹp bỏ hình ảnh xấu xí

Cùng với mảng tối của lễ hội chọi trâu, các điểm nóng khác như cướp lộc tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), Đền Trần (Nam Định); chen lấn, tranh cướp phản cảm tại hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) - điển hình xấu xí trong diện mạo tổng quan của mùa lễ hội...
Trên tinh thần đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm cần chấn chỉnh, để mùa lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc, hạn chế thấp nhất việc xuất hiện các hình ảnh phản cảm, hiện tượng gây bức xúc trong dư luận xã hội, ngay đầu tháng 2, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao, du lịch một số tỉnh, thành phố phía Bắc - nơi có nhiều lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia mỗi dịp xuân về.
Không cấp phép chọi trâu
Bùng phát từ năm 2014, lễ hội chọi trâu bắt đầu lan tới nhiều tỉnh miền Bắc và có xu hướng ngày càng lan rộng kéo theo nhiều biến tướng khiến dư luận bức xúc.
Nắm bắt sự phát triển “bất thường” này, Bộ VH-TT-DL đã có nhiều văn bản chấn chỉnh. Tuy nhiên, trong mùa lễ hội 2017, một số địa phương còn chưa quan tâm đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái… 
Bày tỏ quan điểm nói không với cấp phép chọi trâu (trừ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy nêu rõ: Lễ hội chọi trâu được coi là vấn đề “nóng” từ năm 2014 đến nay, bởi thực tế cho thấy, ở một số nơi việc tổ chức lễ hội không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào, thường giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh.
Lễ hội chọi trâu gây phản cảm ở chỗ, ngay sau sới chọi trâu là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Đó là hiện tượng, hình thức phản cảm nhất của loại hình lễ hội này.
Mặt khác, lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi đều bán vé thu tiền, tức là vi phạm quy định tổ chức lễ hội. Lễ hội chọi trâu cũng làm nảy sinh  một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn... Nhiều địa phương, ban tổ chức chọi trâu chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không thấy tác động mặt trái của loại hình lễ hội này.
Hải Phòng - địa phương duy nhất có lễ hội chọi trâu được chính thức công nhận năm nay - cũng đã đưa ra một đề án tổ chức mới, điều chỉnh về quy mô theo hướng thu gọn số lượng trâu chọi, xóa bỏ vòng loại, hướng tới tính chất lễ hội, thay vì nhuốm màu thương mại.
Mùa lễ hội 2018: Dẹp bỏ hình ảnh xấu xí ảnh 1 Hy vọng lễ hội xuân 2018 sẽ bớt những mảng màu “xấu xí”
Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tuyên Quang, than, nhiều lễ hội chọi trâu ở tỉnh đã cấp phép rồi, giờ dừng lại thì phải có căn cứ. Ông lưu ý: Tại sao con trâu Đồ Sơn với con trâu Hải Phòng đều như nhau, khi chọi đều tạo hình ảnh bạo lực, phản cảm giống nhau mà nơi thì được phép, nơi không?
Nếu xét về mặt khoa học, Tuyên Quang cũng tổ chức nhiều hội thảo và đều công nhận vùng Hàm Yên - Chiêm Hóa là đất của trâu chọi.
Giờ đã có hàng trăm con trâu tập trung về các địa bàn dự kiến sẽ tổ chức hội chọi trâu ở địa phương, nếu không có ý kiến, dân cứ ăn tết xong là chọi trâu thôi, không ngăn được!
Không đồng tình với cách giải thích này, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc đề nghị Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy giao Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp, đơn vị đua nhau xin cấp phép tổ chức chọi trâu, không cho chọi trâu thì chuyển sang chọi dê, đua ngựa.
Trên thực tế, những đơn vị, doanh nghiệp đứng ra tổ chức các hoạt động này thường đặt lợi nhuận lên trên hết. Thêm vào đó, việc nghiên cứu cũng là căn cứ để giải thích cho nhân dân các địa phương hiểu, đồng thuận với việc không nên tổ chức các loại hình lễ hội có yếu tố kích động bạo lực, đầy tính thương mại hóa như chọi trâu.
Mạnh tay với mảng xấu xí của lễ hội
Cùng với mảng tối của lễ hội chọi trâu, các điểm nóng khác như cướp lộc tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), Đền Trần (Nam Định); chen lấn, tranh cướp phản cảm tại hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) - điển hình xấu xí trong diện mạo tổng quan của mùa lễ hội những năm trước - cũng được đem ra mổ xẻ.
Với Đền Trần, Nam Định, sau nhiều năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến, trong đó đặc biệt là việc thực hiện đề án phát ấn theo phương thức mới, hạn chế được tình trạng chen lấn, xô đẩy trong đêm khai ấn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc trên ban thờ trong đêm khai ấn. Việc này, theo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Nam Định cần kiên quyết chấn chỉnh.
“Ban tổ chức lễ hội có tuyên truyền để hạn chế được việc ném tiền vào kiệu và cướp lộc trên ban thờ không? Đây là hai hành vi vô cùng phản cảm tại lễ hội Đền Trần. Bộ VH-TT-DL đề nghị địa phương có giải pháp xử lý kiên quyết. Chúng ta có đầy đủ tư liệu hình ảnh cướp lộc, ném tiền nhưng đã xử lý vi phạm được chưa? Ở đây, địa phương chưa kiên quyết trong thực hiện”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhận định.
Thực tế chứng minh, ở đâu có sự vào cuộc tích cực và kiên quyết của chính quyền địa phương thì ở đó công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao.
Như với Yên Bái, trước năm 2017, cả tỉnh có 8 lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên, từ năm 2017, có chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Yên Bái tích cực vận động nhân dân, giải thích để người dân hiểu và thay đổi cách thức thực hành các lễ hội có tính phản cảm như treo trâu (ở Đông Cuông) và đã có 7 địa phương bỏ tổ chức chọi trâu trong năm 2017.
Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VH-TT-DL Yên Bái, trong năm 2018, Yên Bái cam kết sẽ không tổ chức lễ hội chọi trâu. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cũng khẳng định đã xây dựng phương án ngăn chặn tình trạng cướp giò hoa tre ở Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). “Ban tổ chức sẽ “tán lộc” cho mọi người sau khi thực hiện nghi lễ. Đảm bảo giữ được văn hóa và không phản cảm”, ông Tô Văn Động nhấn mạnh.
Các địa phương như Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh cũng đề xuất nhiều phương án khả thi để hạn chế thấp nhất những tiêu cực, phản cảm phát sinh trong lễ hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị, trong mùa lễ hội 2018, quan trọng nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội. Làm tốt công tác phân công, phân cấp quản lý lễ hội.
Cụ thể, cần có cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tránh tư tưởng đùn đẩy. Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như công an, y tế... mới có thể đảm bảo để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh. Cùng với việc chỉ đạo, các cấp quản lý cũng phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bức xúc.
Với sự kiên quyết, chung tay của các cơ quan quản lý, sự đồng thuận của người dân, chúng ta kỳ vọng vào bức tranh lễ hội xuân 2018 sẽ có thêm nhiều hơn những gam màu tươi sáng.

Tin cùng chuyên mục