Mùa xuân - mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật... giữa tiết trời xuân ấm áp. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Du khách không chỉ thưởng thức không khí tết se lạnh mà còn được thưởng lãm nhiều lễ hội truyền thống độc đáo.
Miền Bắc được coi là cái nôi của cội nguồn văn hóa dân tộc. Mảnh đất trải qua mấy ngàn năm lịch sử còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều giá trị thiên nhiên và nhân văn vô cùng phong phú. Hàng năm, nơi đây thường diễn ra rất nhiều lễ hội, từ những lễ hội nhỏ như làng, xã, lớn hơn thì có đình, đền và đặc sắc nhất là các lễ hội cấp quốc gia. Khai hội ngày mùng 5 Tết, lễ hội gò Đống Đa, có vị trí vô cùng thiêng liêng đối với người Hà Nội không chỉ vì đó là lễ hội xuân đầu tiên trong năm mới, không gian văn hóa ngay trong lòng thủ đô… mà lễ hội này còn có thêm một ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đây là một lễ hội lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của cả một dân tộc.
Mùng 6 tháng Giêng, hàng loạt các lễ hội lớn của miền Bắc cũng tưng bừng khai hội. Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội tiêu biểu của đất nước, tưởng nhớ và suy tôn An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ mùng 6 đến ngày 16 tháng Giêng. Không chỉ có các nghi lễ tế, rước truyền thống, lễ hội Cổ Loa còn tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ trên thuyền, bên giếng Ngọc trước cửa đền Thượng... Cũng trong ngày này, lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất miền Bắc cũng tưng bừng khai hội. Đã thành thông lệ, cứ vào những ngày đầu năm mới, hàng triệu phật tử và du khách từ bốn phương lại nô nức kéo về trẩy hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), về với miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát tu hành để dâng nén hương cùng lời nguyện cầu cho một năm mới bình an. Tất cả đền, chùa, đình, miếu vào thời gian này đều nghi ngút khói hương, cùng với màn sương dày đặc phủ kín núi rừng, càng khiến ta có cảm giác như lạc vào cảnh tiên cõi Phật.
Ngày 10 tháng Giêng, non thiêng Yên Tử - Quảng Ninh cũng bắt đầu mở hội. Ngày 13 tháng Giêng, vùng đất Kinh Bắc cũng rộn ràng với lễ hội Lim. Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định thực hiện đề án của Bộ VH-TT-DL, không phát ấn trong đêm khai ấn (14 tháng Giêng), kéo dài thời gian phát ấn, đã giảm thiểu nạn chen lấn cướp lộc ấn. Nội dung trọng tâm của lễ hội là phát ấn được đặc biệt quan tâm. Nhân dân và nhà đền thực hiện. Đền Trần vẫn tổ chức phát ấn vào 7 giờ sáng rằm tháng Giêng tại 4 điểm, để tránh chen lấn, xô đẩy. Dự kiến, số lượng ấn sẽ tăng hơn trước (năm 2013 là hơn 30 vạn ấn), đảm bảo đáp ứng nhu cầu thật sự của du khách. Đó là khẳng định của Ban Quản lý (BQL) đền Trần (Nam Định) ngay trước khi lễ hội khai ấn đền Trần 2014. Ban quản lý đền Trần khuyến khích mọi người nên đặt trước để được nhận ấn đầy đủ. Tuy nhiên, nhằm tránh tiêu cực, BQL chỉ chấp nhận đặt trước với số lượng vài trăm ấn cho các cơ quan và vì thế phải có giấy giới thiệu.
Bắt đầu mùa lễ hội xuân 2014, Bộ VH-TT-DL vẫn tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các địa phương để đảm bảo mùa lễ hội an toàn, góp phần gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của cha ông. Trước những bất cập còn tồn tại từ mùa lễ hội 2013 như vấn nạn khấn thuê, xem bói, bưng bê thuê theo lễ, chèo kéo, bán hàng quán tại khu vực nội tự di tích…, các đoàn kiểm tra lễ hội của Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu Ban Quản lý các di tích, Ban tổ chức các lễ hội phải có những phương án khắc phục triệt để, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách khi về hành hương.
MAI AN