* Xuất hiện rãnh áp thấp gây mưa to ở Nam bộ
Đến chiều 2-11, ngay khi lũ rút trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh, người dân cùng các cấp chính quyền khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả. Trong khi đó, tại các tỉnh Trung Trung bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi) do mưa lớn xảy ra liên tục cộng với việc các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ đã khiến cho nhiều nơi bị ngập, sạt lở; giao thông chia cắt.
Ngày 2-11, lũ trên sông Gianh đã xuống nhưng rất chậm, do thủy điện Hố Hô tiếp tục xả lũ. Có mặt tại rốn lũ xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), PV Báo SGGP ghi nhận thôn Hữu Tân, Thế Lộ, Quảng Xá, Nguyệt Áng với hàng trăm hộ dân phải tất bật chạy trận lũ thứ 3 trong tháng. Nhiều gia đình nền nhà thấp phải treo giường lên gác để chạy lũ. Hiện vẫn còn gần 20.000 hộ dân ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy vẫn bị ngập nặng. Mưa lũ trong những ngày qua tại Quảng Bình đã có 3 người chết, 2 người mất tích.
Người dân vùng lũ Quảng Bình phải cố thủ trên gác nhà ngày 2-11. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Chiều tối 2-11, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, nước lũ trên địa bàn đã bắt đầu rút chậm. Đến thời điểm này còn nhiều xã ở vùng thấp trũng vẫn còn bị nước lũ chia cắt, cô lập với bên ngoài. Chính quyền đang chỉ đạo các địa phương nước rút đến đâu tổ chức khắc phục, xử lý môi trường đến đó, để đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất cho bà con nhân dân sau khi lũ rút.
Đến 17 giờ cùng ngày, thủy điện Hố Hô tiếp tục giảm lưu lượng xả lũ về hạ du từ 329m³/giây (lúc 7 giờ ngày 2-11) xuống còn 209m³/giây (trước đó, lúc 16 giờ ngày 1-11, lưu lượng xả lũ là 928m³/giây)…
Do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua khiến tuyến đường QL40B đoạn qua xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị tê liệt hoàn toàn, cả huyện Nam Trà My bị cô lập. Sạt lở cũng làm đứt tuyến cáp thông tin khiến hai mạng di động MobiFone và VinaPhone tại huyện Nam Trà My bị tê liệt.
Trong khi đó, tại quốc lộ 1A (đoạn qua thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng với hàng ngàn mét khối đất đá, gây khó khăn cho phương tiện giao thông qua lại. Mưa lũ cũng đã làm cho 2 tàu cá ở Quảng Ngãi bị đánh chìm, rất may 14 ngư dân trên 2 tàu này đã được đưa vào bờ an toàn.
Cũng trong ngày 2-11, tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã xảy ra trận lốc xoáy khiến 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 18 nhà bị tốc mái. Mưa lớn liên tục đã làm cho lũ dâng cao, khiến cho khoảng 1.200 nhà dân, 1.300ha lúa, hoa màu bị ngập, hàng chục tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị chia cắt.
Để đảm bảo an toàn cho hồ đập, đã có nhiều hồ chứa, hồ thủy điện đồng loạt xả lũ. Theo đó, tại Quảng Bình, hiện cơ bản các hồ chứa đã đầy và có 6/6 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ. Tại Quảng Trị, 117/131 hồ có tràn tự do đầy nước và có 2/11 hồ chứa có cửa van đang vận hành xả lũ. Tại Thừa Thiên - Huế, có 3/55 hồ xả tràn tự do. Trong khi đó, tại các hồ chứa ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang ở mức cao (70%-80% dung tích thiết kế). Đặc biệt, nhiều hồ vượt dung tích thiết kế như Thạch Bàn (Quảng Nam): 107%, Suối Trầu (Khánh Hòa): 108%, Ia Hrung (Gia Lai): 102%...
Riêng tại Quảng Nam, ngay trong ngày 2-11, các hồ thủy điện Sông Bung 4, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 tiến hành xả lũ với lưu lượng từ 450m³/giây đến trên 2.000m³/giây (tùy thời điểm). Việc xả lũ cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến nhiều vùng hạ lưu như Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn... bị ngập sâu 0,4 - 1m, giao thông bị chia cắt.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục có công điện gửi các tỉnh nằm trong khu vực bị mưa lũ yêu cầu rà soát lại các địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn; kiểm tra việc xả lũ đúng quy trình, đảm bảo an toàn đập và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý. Bộ GT-VT kiểm tra hệ thống giao thông, kịp thời khắc phục sự cố. Bộ Công thương đảm bảo an toàn lưới điện và nhu yếu phẩm cho các vùng bị ngập lụt.
|
NHÓM PV