Mưa lũ sau bão số 3: Nhiều bản làng bị cô lập

(SGGP).- Đến chiều 16-9, nhiều tuyến đường liên xã tại khu vực miền núi Quảng Trị vẫn bị nước lũ nhấn chìm.

Trung úy Nguyễn Xuân Thế, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn biên phòng Pa Lin đóng trên địa bàn xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, tuyến đường độc đạo từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã A Vao qua đập tràn suối Ka Lăng, khe A Hô ngập hơn 1m, nước chảy mạnh nên không ai có thể qua lại được. Hiện cuộc sống hàng ngàn đồng bào Pa Kô cũng như giáo viên, cán bộ chiến sĩ ở đồng bằng lên công tác tại các bản Pa Lin, Kỳ Nơi của xã A Vao bị cô lập. Tương tự, tuyến đường về trung tâm xã Pa Nang, huyện Đakrông cũng bị nước lũ chia cắt ngầm A La - Tà Rẹc.

Ngày 16-9, ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng điều phối cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Bình, cho biết, có 3 tàu cá của ngư dân bị chìm. Trong khi đó, số nhà dân bị tốc mái nặng đã lên đến gần 100 nhà ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa. Tại thôn Thanh Long xã Thanh Hóa, huyện Minh Hóa, gia đình ông Đinh Xuân Quốc gặp mưa lớn, ở ven suối khiến đất sạt lở, căn nhà 3 gian của ông Quốc bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người.

Tỉnh lộ 565 tại ngầm Sia (Km15+800) nước ngập sâu 60cm, ngầm Ma (Km18+100) nước ngập sâu 50cm gây tắc đường. Quốc lộ 9B nước ngập sâu nhiều đoạn không thể lưu thông được. Tại huyện Tuyên Hóa, lũ lên nhanh, các xã Thạch Hóa, Đức Hòa, Đồng Hóa bị chia cắt hoàn toàn. Nước lũ cũng làm hơn 200 lồng cá của người dân Duy Ninh (Quảng Ninh) bị mất trắng.

Chiều tối 16-9, ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau nhiều giờ huy động nhân lực và phương tiện, lực lượng chức năng đã khắc phục xong sự cố sạt lở đất đá trên tuyến quốc lộ 8A đoạn qua Km83+5, khu vực đèo eo Cô Gái. Hiện tại các phương tiện từ hướng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo về nội địa và ngược lại đã thông suốt trở lại bình thường.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3, trên vùng biển Kiên Giang xảy ra mưa to gió lớn, biển động mạnh. Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Kiên Hải, tính đến chiều ngày 16-9 đã có 3 tàu của ngư dân bị chìm trong quá trình chạy vào bờ tránh bão, trong đó có 4 ngư dân bị rơi xuống biển từ chiều ngày 15-9. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, sáng 16-9, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ ở địa phương đã cứu sống 4 ngư dân sau hơn 19 giờ lênh đênh trên biển. Hiện tại, huyện đảo Kiên Hải vẫn đang có gió giật cấp 6, tàu thuyền dân sự không thể ra khơi; ở khu vực các đảo như Nam Du, Hòn Tre, nhiều khách du lịch, cán bộ, doanh nhân đi công tác bị mắc kẹt trên đảo, chưa biết khi nào mới về được đất liền.

Tại Đồng Tháp, mưa lớn trong những ngày qua đã làm lúa ở nhiều địa phương bị đổ ngã. Mới đây là ở huyện Tháp Mười, mưa đã làm cho khoảng 2.000ha lúa đang trong giai đoạn chín chờ thu hoạch bị đổ ngã. Diện tích đổ ngã từ 40% đến 60%. Tại Cà Mau, hiện còn trên 15.000 ha lúa hè thu chưa được thu hoạch. Tình hình mưa lớn những ngày qua đã làm diện tích này đổ ngã, ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.

Trong những ngày qua, do mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường nội ô ở Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu bị ngập nặng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục