Đầu năm 2017, ông Trần Minh (ở thôn Đồng Hội, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) mượn giống và phân bón của nhà máy đường để canh tác hơn 1ha mía. Đến thời điểm thu hoạch, ông thuê nhân công cắt mía rồi đợi xe tải của nhà máy đến nhập. Sau khi nhận tiền, trừ hết chi phí, ông giật mình vì vụ mía này huề vốn. “Cả 1 năm trời chăm sóc, cuối cùng chỉ nhận được 1ha đất trống khô khốc, cằn cỗi”, ông Minh chua chát nói.
Cạnh đó, ông Từ Văn Tâm trồng 2,5ha mía, cho biết: “Trước kia, giá mía lên đến 70 triệu/ha, nhưng nay rớt xuống còn 25 - 35 triệu/ha. Sẵn trong nhà có xe tải, tôi báo với nhà máy là chở mía đến nhập nhưng nhà máy không cho, bắt phải đợi xe của họ. Đợi hoài, rồi xe đến lắt nhắt được vài chuyến, chở được hơn chục tấn thì không thấy đâu nữa…”.
Cách đây khoảng 2 tuần, gia đình ông Mai Thanh Hiền (xã Ealy, huyện Sông Hinh, Phú Yên) đã thuê người thu hoạch 2ha mía để bán. Khi thu hoạch xong, thương lái bỏ, nhà máy mía thì chỉ mua được vài xe rồi lấy lý do máy móc trục trặc, không mua tiếp. Đợi mãi, mía để lâu khô như củi, ông Hiền đành phải đốt bỏ hơn 1ha để dọn đất, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Trước tình hình đó, Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn Phú Yên tổ chức cuộc họp khẩn để tìm giải pháp tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, Trưởng ban điều hành, đứng ra kêu gọi: “Với tinh thần chia sẻ trách nhiệm, chúng tôi yêu cầu các công ty sản xuất đường phải quan tâm mua hết mía cho người dân trong vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp phải chung sống lâu dài, chia sẻ lợi ích với người dân. Không bỏ rơi hoặc làm khó người dân khi nông sản rớt giá”. Ông Đặng Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Tuy Hòa (Phú Yên), lý giải, do thời gian qua, đơn vị liên tục gặp sự cố máy móc nên việc thu mua mía của người dân thường xuyên bị trì hoãn.
Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) nói thêm, việc ký kết hợp đồng thu mua mía cho người dân là nhằm đảm bảo bình ổn giá cả, giảm thiểu rủi ro cho người dân. Đề nghị người dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bán cho thương lái để rồi khi gặp trở ngại, thương lái “chạy làng”, bỏ mía khô héo. Ông Trần Hữu Thế đề xuất, trước mắt, cần phải đẩy nhanh các chương trình thâm canh, cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất mía. Các nhà máy phải đầu tư, tạo thêm chuỗi sản phẩm sau đường để nâng cao giá trị gia tăng của ngành mía đường. “Tới đây, chính quyền sẽ có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt khó”, ông Trần Hữu Thế khẳng định.