Hàng chục năm qua, quýt ngọt, quýt tắc, quýt sáp - đặc sản ở miền núi thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp vùng Bắc Trung bộ bởi vị ngọt, vị thơm ngon, giá trị dược liệu… mà còn là cây trồng chủ lực, góp phần giúp hàng ngàn dân nghèo nơi đây cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.
Trúng mùa, được giá
Những ngày cuối tháng 11-2015, chúng tôi có dịp ghé vào các vườn chuyên canh trồng cây quýt sáp, quýt tắc, quýt ngọt ở xã Kỳ Thượng, Kỳ Lâm… nằm hai bên bờ thượng nguồn sông Rào Trổ, thuộc huyện Kỳ Anh. Dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại quýt của mình ở khu vực động Nhà Hòi, ông Võ Văn Minh (52 tuổi, ở thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng) phấn khởi: “Hàng chục năm về trước, khu vực này còn hoang vắng, nhà dân thưa thớt, đi lại khó khăn. Nhưng sau khi chúng tôi lên đây nhận đất, khai hoang, cải tạo trồng cây quýt sáp và quýt tắc; nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt có nguồn nước sông Rào Trổ kết hợp với chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật nên cây quýt phát triển rất tốt, có chất lượng, sản lượng quả đều và nhiều. Cứ đến mùa thu hoạch là thương lái khắp nơi nườm nượp đổ về thu mua tại chỗ với giá cao. Và cũng nhờ có cây quýt, gia đình tôi từ chỗ hai bàn tay trắng, nay đã có của ăn của để dư dả, ngoài ra còn lo được cho hai con sang làm ăn sinh sống tại Cộng hòa Czech và giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động khác…”.
Trang trại của ông Minh có tổng diện tích khoảng 7ha, chưa tính phần mới khai hoang, trong đó trồng 4.000 - 5.000 gốc quýt tắc, quýt sáp đã hàng chục năm tuổi, cao từ 3 - 5m, ươm 10.000 - 20.000 cây quýt con giống (quy mô lớn nhất nhì ở xã Kỳ Thượng từ trước tới nay), bình quân mỗi năm đạt trên 10 tấn quả chất lượng, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, thu về trên 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong vụ mùa năm 2014 và 2015, sản lượng quả tăng đột biến, bình quân từ 40-50kg quả/cây, thậm chí có cây đạt hơn 120kg quả. Ngoài ra, ông Minh còn trồng xen thêm hàng ngàn cây dó trầm, cam đường... “Không chỉ thu nhập cao từ việc bán quýt, hàng năm gia đình tôi và nhiều hộ khác ở các thôn Tân Tiến, Tiến Vịnh, Tiến Quang, Tiến Thượng, Bắc Tiến, Trung Tiến còn thu về hàng triệu đồng từ việc bán vỏ quýt, hạt quýt làm dược liệu cho các hiệu thuốc nam khắp địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình và ươm cây quýt giống”.
Ông Nguyễn Thanh Liên bên trang trại trồng quýt của mình.
Cách trang trại ông Minh hơn 2km là trang trại rộng 2ha, trồng hơn 1.000 gốc cây quýt tắc và quýt sáp của ông Nguyễn Thanh Liên (61 tuổi, ở thôn Phúc Độ, xã Kỳ Thượng). Ông Liên chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây làm ruộng quanh năm không đủ sống, sau khi thấy một số hộ dân trong xã chuyển sang trồng cây quýt thoát được nghèo, nên tôi cũng về cải tạo vườn tược, mua cây giống trồng thử với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay với hơn 2ha quýt, hàng năm đạt trên dưới 4 tấn quả, thu nhập bình quân 70 - 80 triệu đồng/năm, ngoài ra còn bán được hàng trăm ký vỏ quýt, hạt quýt…”.
Tại xã Kỳ Lâm, mặc dù cây quýt ngọt bản địa xuất hiện đã lâu, tuy nhiên phải hơn 10 năm trở lại đây mới liên tiếp được mùa, được giá, góp phần giúp người dân nơi đây từng bước xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Đình (45 tuổi, ở thôn Bắc Hà) có vườn quýt rộng 3ha với 2.800 gốc. Sau nhiều năm dày công chăm sóc, hiện vườn quýt của gia đình đã đến mùa thu hoạch, trung bình từ 25 đến hơn 30kg quả/cây, bình quân cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng. Kế đó là vườn quýt ngọt của ông Phạm Hữu Khánh (68 tuổi, ở thôn Bắc Hà), với diện tích 2,5ha, trồng hơn 3.000 gốc, bình quân mỗi năm cho thu nhập 180 triệu đồng; hay vườn quýt 1,5ha của bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi, ở thôn Bắc Hà) có 1.500 gốc, bình quân đem lại thu nhập 85 triệu đồng…
Góp phần làm giàu
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, xã có diện tích đất tự nhiên hơn 13.000ha, trong đó gần 100ha trồng cây quýt tắc, quýt sáp kết hợp trồng xen cây dó trầm, cam đường... Hiện toàn xã có gần 700 hộ trồng quýt với tổng thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân từ trồng quýt 30 - 50 triệu đồng/hộ, thậm chí nhiều hộ thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Xã đã đưa cây quýt cùng với cây cam đường, bưởi Phúc Trạch vào loại cây trồng chủ lực của địa phương và sắp tới diện tích cũng như số lượng gốc cây quýt sẽ tiếp tục tăng nhiều.
Còn ông Trần Biểu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm cho biết, hơn 10 năm trở lại đây, cây quýt ngọt bản địa rất được mùa, được giá, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và giúp dân vươn lên làm giàu. Hiện xã có 3.644ha đất tự nhiên, trong đó hơn 30ha chuyên trồng quýt ngọt, bình quân mỗi năm thu nhập gần 2 tỷ đồng. Xã cũng đã thành lập 8 mô hình điểm về trồng quýt ngọt ở 8 hộ dân và còn hơn 300 hộ dân khác trồng quýt ngọt rải rác. Trong đề án phát triển kinh tế của xã Kỳ Lâm đã chọn cây quýt ngọt làm cây trồng chủ lực, đồng thời đang tiếp tục nhân rộng thêm 8 mô hình điểm ở thôn Bắc Hà, Nam Hà…
|
DƯƠNG QUANG