"Mưa vàng” giải nhiệt Tây Nguyên

Vài ngày qua, tại một số địa phương khu vực Tây Nguyên xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Đây được coi là những cơn “mưa vàng” giải nhiệt cho Tây Nguyên trong cơn đại hạn.

Vài ngày qua, tại một số địa phương khu vực Tây Nguyên xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Đây được coi là những cơn “mưa vàng” giải nhiệt cho Tây Nguyên trong cơn đại hạn.

Lâm Đồng là tỉnh liên tiếp được đón những cơn mưa đầu mùa, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Đà Lạt. Ngoài một số nơi bị thiệt hại cục bộ do mưa đá, thì những cơn mưa đầu mùa đến sớm đã “cứu” nhiều diện tích cà phê tại Di Linh, Lạc Dương, Bảo Lâm, Bảo Lộc… khỏi nguy cơ chết cháy hoặc sụt giảm năng suất nghiêm trọng do hạn hán. Ông K’Sét (xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Hơn 2ha cà phê của gia đình tôi gần khu vực trung tâm xã đã được cứu sống nhờ hai cơn mưa rào đổ xuống trong hai ngày qua. Lượng mưa tuy chưa lớn nhưng đã thấm xuống đất khoảng trên 15cm, giảm đáng kể nguy cơ cà phê bị chết”.

Cùng với Lâm Đồng, nhiều địa phương tại Đắk Lắk đã đón cơn “mưa vàng” vào tối 4-4, sau nhiều tháng liền gồng mình chống chịu với hạn hán gay gắt. Tại huyện Cư M’gar, Krông Năng, Lắk, mưa diễn ra từ đầu giờ tối và kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ; riêng TP Buôn Ma Thuột, mưa nặng hạt hơn và kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Đây là cơn mưa duy nhất tính từ sau tết âm lịch nên nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk mừng như nhặt được vàng.

Ông Đỗ Nhượng (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) hớn hở: “Nhà tui trồng 5 sào cà phê. Những năm trước, nước giếng và ao hồ đủ tưới từ đầu đến cuối vụ nhưng năm nay mới tưới đợt 3 thì giếng đã trơ đáy. Cũng vì thiếu nước nên cà phê bắt đầu rụng lá, khô cành. Chúng tôi thuê người nạo vét giếng nhưng vẫn không có giọt nước nào. Gia đình bất lực phó mặc vườn cà phê thì bỗng dưng trời đổ mưa. Tuy lượng mưa còn thấp nhưng chí ít cũng làm đất đai dịu mát, cây cà phê nhờ thế được phục hồi”.

 Trước khi có cơn mưa này, tình trạng khô hạn kéo dài đã khiến hàng loạt sông suối, hồ đập ở Đắk Lắk cạn trơ đáy, đất đai nứt nẻ. Thống kê đã có hơn 32.000ha cây trồng bị hạn, trong đó cà phê chiếm khoảng 24.000ha, lúa 6.400ha, còn lại là các cây trồng khác. Hạn hán cũng làm hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, nhấn mạnh: “Cơn mưa góp phần giải cơn khát kéo dài cho cây trồng, giảm nguy cơ cháy rừng, cũng như làm dịu mát thời tiết sau những ngày nắng oi bức, ngột ngạt”.

Ngoài việc giải cứu nhiều diện tích cà phê khỏi khô hạn, những cơn mưa đầu mùa còn giải nhiệt những cánh rừng đang nóng hừng hực. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn tuy không đồng đều nhưng đã làm các cánh rừng trên địa bàn tỉnh giảm nhiệt đáng kể. Tính đến ngày 6-4, không còn địa phương nào bị cảnh báo cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ông Trịnh Xuân Tự, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Lâm Đồng), cho biết: “Trên 43.000ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt do đơn vị quản lý đã giảm nhiệt, không còn ở mức báo động cháy rừng cao. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không chủ quan và thường xuyên đôn đốc các hộ nhận khoán bảo vệ rừng cùng đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, tránh những sự cố bất ngờ xảy ra”.

NGUYỄN TIẾN - VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục