Mùa xuân chưa đơm hoa

Ngày 17-2, chính quyền lâm thời của Libya sẽ tổ chức lễ kỷ niệm một năm phong trào nổi dậy nhằm lật đổ cựu Tổng thống Gaddafi trong nỗi lo sợ về tình hình an ninh bất ổn khi lực lượng ủng hộ ông Gaddafi hiện đã tập hợp và kêu gọi lật đổ chính quyền mới.

Libya là một trong số các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi bị cuốn vào vòng xoáy của phong trào nổi dậy được báo chí phương Tây ưu ái gọi là “Mùa xuân Ảrập”. Hơn một năm trước, khởi đầu của phong trào “Mùa xuân Ảrập” diễn ra tại Tunisia. Tiếp theo là Ai Cập, rồi phản kháng bùng lên tại Yemen và bén tới Libya và hiện nay là Syria.

Những diễn biến sau đó tại các quốc gia trong phong trào “Mùa xuân Ảrập” tưởng chừng như sẽ được lèo lái theo hướng thuận buồm xuôi gió nhờ sự ủng hộ của phương Tây nhưng mọi việc xảy ra đang ngược lại. Euro News nhận định, khi chế độ sụp đổ thì các nước hầu như rơi vào tình trạng vô chính phủ do khoảng trống quyền lực quá lớn.

Sự phản ứng dữ dội của người dân đối với chính quyền lâm thời tại Libya và chính quyền quân sự Ai Cập đang là một ví dụ điển hình. Họ ủng hộ phe nổi dậy vì hy vọng vào một cuộc sống tốt hơn từ chính quyền mới chứ không phải trông chờ vào một chính quyền phụ thuộc thế lực bên ngoài, trì trệ trong việc đưa ra những cải cách.

Những ghi nhận mới từ Ai Cập một năm sau khi lật đổ chính phủ ông Mubarak cho thấy, người dân Ai Cập vẫn sống trong nghèo đói, sản xuất dầu mỏ bị giảm sút. Tại Libya, nhiều thành phố, thị trấn ngổn ngang vì chưa được tái thiết, cuộc sống người dân luôn bất an và nền kinh tế từng nằm trong tốp đầu châu Phi nay mọi sản xuất bị đình trệ, ngành công nghiệp dầu mỏ rơi vào tay nước ngoài.

Từ những mong đợi thiếu thực tế, say sưa những “học thuyết dân chủ” do các chính phủ phương Tây phác họa nay đã nhường chỗ cho nghi ngờ, thất vọng và thậm chí là tuyệt vọng đối với kết quả của “Mùa xuân Ảrập”.

Giờ đây, mối lo ngại đang tập trung vào sự trỗi dậy của thế lực Hồi giáo ở những quốc gia Ảrập nhờ tham gia cùng nhân dân trong cuộc nổi dậy. Sau khi giành được quyền lực họ không còn đứng bên cạnh nhân dân. Đó là trường hợp đảng “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập. Mới đây, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, “Anh em Hồi giáo” đã nói không khi người dân kêu gọi xuống đường phản đối giới quân sự cầm quyền yêu cầu chuyển giao quyền lực cho các lực lượng dân sự.

Bên cạnh lo ngại các thế lực Hồi giáo không còn bảo vệ quyền lợi của nhân dân còn là nỗi lo các thế lực này phát triển theo hướng cực đoan. Khi đó mạng lưới Al-Qaeda sẽ có ảnh hưởng nhất định và đó sẽ là bài toán hóc búa cho Mỹ và đặc biệt là Israel.

Thất vọng tiếp theo có lẽ là đất nước đang trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích phương Tây. Tại Ai Cập, ai cũng biết chính quyền quân sự tiếp quản quyền lực từ tay Tổng thống Mubarak là do Mỹ dựng lên và hiện nay Washington chưa xoay xở được một lực lượng đáng tin cậy hơn quân đội Ai Cập, người nhận viện trợ của Mỹ mỗi năm gần 1,5 tỷ USD.

Tại Libya, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Gaddafi sụp đổ, chính quyền mới cho phép Pháp, nước đã nhiệt tình ủng hộ họ trong cuộc chiến chống ông Gaddafi, được khai thác 1/3 trữ lượng dầu mỏ.

Những diễn biến theo chiều hướng không lấy gì làm tươi sáng thời hậu “Mùa xuân Ảrập” tại Trung Đông và Bắc Phi đang cho thấy một thực tế rằng một mùa xuân hy vọng vẫn chưa thật sự đơm hoa, kết trái mà đang mang lại rất nhiều quả đắng. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục