Từ bao đời nay, lễ hội đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Mỗi độ xuân về, bỏ lại đằng sau những lo toan, vất vả của 1 năm lao động miệt mài, người người lại nô nức trẩy hội với tấm lòng hướng về tổ tiên, tưởng nhớ các bậc hiền tài có công với quê hương đất nước, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đông đảo người dân dự lễ hội chùa Hương.
Trẩy hội tháng Giêng
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ là lễ hội được tổ chức sớm nhất trong năm, khai hội vào mùng 4 tháng Giêng. Tại đây, người dân làng Đồng Kỵ (Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh) tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc. Lễ hội là hoạt động tiêu biểu nhất mà người dân làng nghề giàu có nhất vùng Bắc Ninh còn lưu giữ được đến ngày nay. Tuy chỉ là một lễ hội ở quy mô nhỏ, hội rước pháo làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn) vẫn nổi tiếng khắp cả nước bởi duy trì được nét truyền thống đặc sắc.
Diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết, lễ hội Gò Đống Đa, tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung luôn là một trong những hoạt động du xuân không thể bỏ qua của người dân Hà Nội. Sau những hội trống, chiêng báo hiệu bắt đầu cuộc rước thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa. Tham gia cuộc rước có thanh niên các làng: Khương Thượng, Thịnh Hào… mặc lễ phục hội, đi sau là cờ, biểu… và cuối đoàn rước là hình tượng “con rồng lửa” kết bằng rơm. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ người, chọi gà… Đặc biệt, trong ngày mùng 6 Tết, hàng loạt các lễ hội lớn cũng sẽ chính thức khai hội như dẫn như lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội Cổ Loa tưởng nhớ và suy tôn An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa…
Mạnh tay với tiêu cực
Hiện nay, nhiều lễ hội đang dần biến đổi, lộn xộn, kém bản sắc văn hóa dân tộc, gây phản cảm làm lễ hội không còn giữ được ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Vì thế ngay khi bước vào mùa hội mới rất nhiều các giải pháp nhằm bảo tồn phát huy giá trị của lễ hội truyền thống đã được đưa ra.
Đối với những lễ hội có quy mô lớn và kéo dài trong nhiều ngày như lễ hội chùa Hương - Hà Nội, lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh, lễ hội phát ấn đền Trần - Nam Định… nhằm từng bước đưa các hoạt động trở nên nề nếp, để người hành hương thảnh thơi du xuân, năm nay các tổ chức đã đề xuất nhiều giải pháp mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2015 cho biết, công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được chú trọng bằng việc lắp dựng pano, băng rôn, khẩu hiệu dọc theo suối Yến cùng hệ thống loa phát thanh từ bến Thiên Trù tới động Hương Tích. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn tổ chức học tập, tuyên truyền trực tiếp đến người dân và các hộ kinh doanh trong khu vực di tích về giá trị lịch sử văn hóa, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn; tập huấn Luật Di sản, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa… để người dân nắm được và có thái độ ứng xử, giao tiếp chuẩn mực, phù hợp với du khách. Đặc biệt, lễ hội chùa Hương năm nay cũng kiên quyết không để các hộ kinh doanh bày bán, treo móc thịt động vật ở khu vực ăn uống trước chùa Thiên Trù. Các hộ kinh doanh hàng ăn, người bán hàng trực tiếp phải được cấp giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe, đủ điều kiện tham gia chế biến thực phẩm, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được cấp giấy phép kinh doanh.
Để tránh tình trạng lộn xộn cướp lộc, ấn, ném tiền lên kiệu, ăn xin tái diễn tại lễ hội năm nay, ban tổ chức lễ hội Đền Trần - Nam Định cũng lên nhiều phương án tuyên truyền, kêu gọi người dân đến dự lễ hội thực hiện nếp sống văn minh lịch sự. Bên cạnh đó, nhà đền cũng quyết định thực hiện việc phát ấn ngay từ 6 giờ ngày 15 tháng Giêng, sớm hơn mọi năm 1 giờ. Theo ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban tổ chức Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần cho biết, năm 2015 cũng là lần đầu tiên lễ hội Đền Trần sẽ phục dựng nghi lễ “Lễ rước kiệu Ngọc Lộ”. Đây là nghi lễ đã có từ xa xưa, bị thất truyền, năm nay sẽ được tái hiện tại lễ hội Đền Trần vào ngày 11 tháng Giêng (ngày 1-3 dương lịch). Việc phục dựng này không chỉ nhằm tái hiện các nghi lễ văn hóa trong lễ hội truyền thống mà còn góp phần giải tỏa áp lực cho chính khu di tích khi có quá đông du khách dồn về đây trong lễ khai ấn.
Cùng chung mong muốn này, Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh năm nay cũng đưa ra nhiều văn bản quy định trong việc quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ “ngả nón nhận tiền” đặc biệt là trong các khu lán, trại ở đồi Lim trong những ngày lễ hội đầu xuân. Lễ hội Lim năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày (mùng 2 và 3-3), các làng tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa (nay là thị trấn Lim), xã Nội Duệ và xã Liên Bão (huyện Tiên Du) sẽ mở cửa đình, đền, chùa tổ chức tế lễ dâng hương theo nghi lễ truyền thống. Tổ chức hát quan họ tại 5 lán và trên sân khấu của lễ hội, hát quan họ tại cửa đình, cửa chùa, dưới thuyền tại 10 làng thuộc 3 xã xung quanh đồi Lim… Ban tổ chức cũng đưa ra các quy định như các lán trại chỉ được phép hát giao lưu quan họ, khuyến khích dùng nhạc cụ dân tộc, nghiêm cấm hát nhảy đồng…
MAI AN