Mùi của ký ức

ĐỖ PHẤN

Tản văn

Rất lâu rồi người Hà Nội không còn được thong thả đạp xe ra các vùng ngoại ô Cầu Diễn, Văn Điển, Gia Lâm, Thanh Xuân… để ngóng lúa vàng. Ở đấy bây giờ mọc lên những chung cư hiện đại, nhìn từ xa trông như những bãi cọc vuông, cái dài cái ngắn đóng trên mặt đất. Không chỉ cây lúa mà tất cả hoa màu đều đã vắng bóng. Thế nhưng, ký ức về một Hà Nội cũ thanh bình thì vẫn còn nguyên. Nó làm yên lòng biết bao người sống đủ lâu ở Hà Nội mỗi khi thấy thành phố của mình đổi khác.

Mùi hương lúa ra đòng sực nức đường vào các cửa ô ngày tháng ba tháng tám. Mùi khói rạ đốt đồng sau mùa gặt. Từ cửa ô Yên Phụ vào thành phố thấy mùi than đá hăng nồng đầu dốc Hàng Than. Nhà máy điện Yên Phụ nhả khói nằm kế bên nhà máy nước suốt đêm ngày rì rào giàn phun mưa lọc nước. Quá chút nữa vào trong là mùi hương trầm tỏa ra từ những giàn phơi hương thắp của vài nhà sản xuất trên phố Hồng Phúc, Phó Đức Chính. Từ phía Nam theo bờ đê sông Hồng vào thành phố qua vùng Đầm Trấu, Lương Yên là mùi cám thơm ngậy từ nhà máy xay thầm thì lan tỏa.

Tháng ba, mùi ung ủng chua hiền hòa hoa gạo chín rơi đầy xuống con đường ven đê nhà Bác Cổ, trước cửa đền Ngọc Sơn và góc Hàng Bột - Nguyễn Thái Học. Mùi hoa dạ lan ngát đêm trong các khu phố Tây có nhiều biệt thự như các phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Lê Thánh Tông kéo dài xuống Tăng Bạt Hổ. Gió heo may tháng chín đưa mùi hoa sữa loang xa hàng cây số vào tận khu phố cổ.

Hà Nội những năm chiến tranh, thời  bao cấp kéo dài, nhà nhà nuôi lợn nuôi gà. Sáng sớm và chiều tối, cả phố nôn nao mùi cám bã. Mùi khói bếp đun mùn cưa ẩm chua gắt sặc sụa. Nhưng vẫn có một thứ mùi khiến ai cũng khoan khoái. Đó là mùi bánh mì mới ra lò ở các cửa hàng mậu dịch. Trẻ con tranh nhau đi xếp hàng đổi bánh mì bằng tem gạo mậu dịch cũng vì thứ mùi hấp dẫn ấy. Hơn nữa, cái tem gạo 250gr đổi chiếc bánh mì 225gr bao giờ cũng có một mẩu bánh mậu dịch viên cắt thêm cho đủ định lượng. Rất ít đứa trẻ mang mẩu bánh ấy về được đến nhà. Lũ trẻ ngày ấy lang thang chơi ở Bách hóa tổng hợp còn thuộc lòng mùi vị của từng gian hàng. Có thể bịt mắt mà đi cũng biết đâu là gian bán đồ kim khí sặc mùi dầu mỡ, đâu là gian bán xà phòng, nước hoa. Gian hàng bán vải thơm mùi hồ vải mới. Gian hàng mỹ nghệ sực nức mùi dầu bóng, véc-ni. Gian bán văn phòng phẩm thơm phức mùi mực Cửu Long sang trọng. Không như lọ mực tím khét lẹt mùi cứt gián chúng vẫn phải tha đến trường hàng ngày.

Món ăn Hà Nội đặc biệt chú trọng đến mùi vị. Đi trên các con phố Hàng Mành, Nguyễn Khuyến là mùi bún chả nồng nàn lan tỏa dù chỉ có vài hàng mà thôi. Những hàng phở trên phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Quốc Sư, Đỗ Hành, Nam Ngư tỏa mùi nước dùng thôi thúc. Thật lạ, ở Hà Nội hiếm khi thấy có hai hàng phở cạnh nhau. Và cũng thật lạ, không bao giờ có hai hàng phở mùi vị giống nhau. Thế cho nên khách hàng vẫn luôn được san sẻ đều. Chẳng ai ăn mãi ở một hàng.

Tháng bảy, rau rút (rau nhút) từ các làng ven nội được các chị gánh vào đầy chợ. Ai cũng biết đó là thứ rau các thầy lang không khuyến khích ăn nhiều. Nhưng canh cua khoai sọ rau rút lại là món ăn gia đình Hà Nội nào cũng thích bởi mùi thơm rất đặc biệt của nó. Cơm gạo tám xoan, gạo dự mà ăn với canh cua rau rút thì chẳng có gì bằng. Hàng quà vặt xôi lúa ngát thơm mùi hành phi, đậu xanh nắm to thái mỏng. Bánh cuốn Thanh Trì có mùi hanh hanh cay cà cuống nướng trong liễn nước chấm. Ông bán lạc rang húng lìu mỗi khi mở tấm vải phủ trong chiếc hòm gỗ đeo ngang bụng là trẻ con xúm đầy. Năm xu mua được một gói búp đa. Ông ấy dùng chiếc chén gỗ nông choèn rất dày mạnh dạn múc hai lần cũng chỉ được mươi hạt.

Cuộc sống văn minh lên rất nhiều. Người Hà Nội hình như đã kiểm soát được nhiều mùi vị không mong muốn của mình. Bếp nấu ăn các nhà bây giờ hầu như đã có đủ máy hút mùi. Toilet sạch bóng. Nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn dùng nước hoa trong phòng lịch sự trang nhã.

Nhưng mấy con sông Tô Lịch, Kim Ngưu… chảy qua thành phố thì lại bốc mùi gấp nhiều lần ngày trước. Và xem trên bản đồ thì thấy chúng vẫn thuộc về Hà Nội! Nếu không vì có bạn trai nhà ở gần đấy thì chắc chắn con gái Hà Nội chẳng bao giờ bén mảng.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục