
Những vườn trầu xanh ngút ngàn tầm mắt, những phiên chợ sớm mai nhộn nhịp với từng đoàn người nối đuôi nhau gánh trầu từ khắp các thôn, ấp đổ về, và từng đoàn xe ngựa với tiếng vó lốc cốc vang xa… một thời là hình ảnh và thanh âm quen thuộc của người dân 18 thôn vườn trầu. Nhưng với tốc độ đô thị hóa hiện nay, những điều ấy chỉ còn tồn tại trong miền ký ức của nhiều người.
Hoài niệm màu xanh xưa
Ông Mai Văn Tài – cán bộ Hội Người cao tuổi xã Bà Điểm – cũng như nhiều người dân nơi đây vẫn nhớ như in về “một thời hoàng kim” của 18 thôn vườn trầu. Cái thời mà trầu là nguồn sống chính của người dân nơi đây; thời mà trầu cau là sản vật chính trong những phiên chợ sầm uất, nhộn nhịp; thời mà vườn trầu là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và cũng là cái thời cả làng … nghiện trầu. Ông Tài kể: “Khi tôi sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ mình trồng trầu. Ngày đó, cả vùng này nhìn đâu cũng thấy trầu, những phiên chợ cũng chỉ xanh mướt một màu trầu, cau.

Trầu không thể thiếu... cau.
Cứ chập choạng tối, những vườn trầu lại sáng lên lung linh, huyền ảo với những ngọn đèn bão ẩn hiện sau những gióng trầu. Để trầu cho buổi chợ ngày mai thật tươi bà con không hái trầu từ chiều mà đợi đến tối mới hái và dùng những ngọn đèn bão để soi trầu. Mỗi buổi sớm mai, vùng quê yên tĩnh này lại rộn ràng tiếng bước chân của những người gánh trầu cho buổi chợ sớm, tiếng vó ngựa từ từng đoàn xe thổ mộ nối đuôi nhau chở trầu, cau về Bến Nghé, Chợ Lớn để từ đó phân phối đi các tỉnh khác”.
Trồng trầu đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Theo anh Nguyễn Văn Mười – Phó Chủ tịch HĐND xã Bà Điểm: 80% dân vùng này đều có 3-4 đời trồng trầu. Gia đình ông Mười Rê (Nguyễn Văn Thành) – một nông dân trồng trầu “mát tay” có tiếng ở ấp Hậu Lân năm nay đã 71 tuổi – đã có 4 đời tiếp nối nghề trồng trầu trên mảnh đất này.
Ông Mười Rê là thế hệ thứ tư hiện vẫn còn giữ lại được 2 thiên (2.000 gốc) trầu, kể rằng: “Ông cố tui là Nguyễn Văn Mân, vô đây từ thời khai hoang lập đất, tính đến nay dòng họ Nguyễn nhà tui đã có 5 đời sinh sống trên vùng đất này thì 4 đời đã theo nghề trồng trầu. Ông nội tui kể lại, thời mới vô đây, vùng này còn hoang vu lắm, cọp dữ còn về hoài. Hồi ông cố tui chết đâu có dám chôn cất ở đây, sợ cọp nó về moi xác nên phải đem tận xuống xóm Dâu (ấp Tây Lân bây giờ) để làm mộ. Đến đời tui, dân cư ở đây vẫn còn thưa thớt lắm, mỗi nhà có tới cả mẫu trầu, nhà nào khá thì có từ 3-4 mẫu”.
Nhà ông Mười Rê cũng như nhiều người ở đây chủ yếu sống nhờ nghề trồng trầu. Căn nhà từ đường mang nét cổ xưa gồm ba gian thoáng mát, lợp ngói âm dương mà gia đình ông đang sinh sống cũng được cất từ tiền bán trầu. Ông Mười cho biết, căn nhà đã được cất đi cất lại 2-3 lần do trúng bom, đạn của giặc.
Từ trầu, 18 thôn đã trở thành một vùng đất trù phú, giàu có, nhiều gia đình đã xây cất được nhà ba gian khá bề thế. Cho đến nay, tại Bà Điểm vẫn còn 2 căn nhà cổ có tuổi trên 100 năm với những nét chạm trổ công phu của những người trồng và buôn bán trầu có tiếng ở vùng này.
Chỉ còn trong ký ức?!

Thăm vườn trầu.
Dẫn tôi đi vào những con đường làng chỉ còn thấp thoáng bóng trầu, anh Nguyễn Văn Mười tâm sự: “Diện tích đất trồng trầu mỗi năm một thu hẹp do đô thị hóa. Giá trầu lúc được lúc mất, giá đất thì tăng lên từng ngày nên nhiều người nhổ trầu đi, bán đất lấy vốn làm nghề khác.
Địa giới 18 thôn vườn trầu lúc trước ngoài các xã của huyện Hóc Môn bây giờ còn có một phần đất của huyện Củ Chi, Gò Vấp, quận 12 … nhưng cho đến nay chỉ còn mỗi Bà Điểm là còn lưu giữ nghề trồng trầu song ngay tại Bà Điểm, số hộ còn gắn bó với cây trầu cũng ngày một giảm sút. Nếu năm 2000 có 1.000/6.000 hộ trong xã trồng trầu thì năm 2001 đã giảm xuống còn 500 hộ và cho đến nay chỉ còn 281 hộ”.
Theo sách sử “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, 18 Thôn vườn trầu Hóc Môn – Bà Điểm, được hình thành từ đầu thế kỷ 17. Trong quá trình sinh cơ lập nghiệp, từ năm 1698 đến 1731, nông dân nơi đây đã lập ra 6 thôn đầu tiên gồm: Tân Thới Nhất, Thuận Kiều, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung, Xuân Thới Tây, Tân Phú. Từ đó, phát triển thêm 12 thôn khác, tổng cộng là 18 thôn chuyên canh trồng trầu. Nhờ thổ nhưỡng tốt, hợp với cây trầu (nhất là ở Bà Điểm với nguồn nước đặc biệt trong và ngọt), hơn nữa những người từ đàng ngoài đã có sẵn kinh nghiệm trồng trầu nên trầu 18 thôn nhanh chóng tỏa được tiếng thơm đi khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Đến đầu thế kỷ 19, 18 thôn vườn trầu đã trở thành một vùng dân cư trù mật với những phiên chợ trầu sầm uất phân phối trầu cau cho khắp lục tỉnh Nam Kỳ. |
Ông Hai Mươi (Huỳnh Văn Mươi) – một nông dân trồng trầu có tiếng ở ấp Trung Lân - thì hóm hỉnh một cách chua xót: “Thời buổi tấc đất tấc vàng như bây giờ người ta thích trồng trụ xi măng hơn trồng trầu”. Cách đây chừng 15 năm trước, nhà ông Hai Mươi cũng còn cả mẫu đất với hàng chục ngàn gốc trầu.
Cũng như ông Mười Rê, vốn là người được “hưởng lộc” từ trầu rất nhiều nên ông Hai Mươi luôn muốn con cái mình tiếp nối nghiệp chăm những gióng trầu. Khi con cái lớn lên, ông chia cho mỗi đứa vài ngàn gốc nhưng đúng vào thời buổi công nghiệp hóa – hiện đại hóa, mấy người con của ông nhổ trầu đi bán đất, ra mặt phố buôn bán làm ăn.
Khu chợ trầu ngày xưa giờ vẫn còn họp nhưng không còn nhộn nhịp như trước nữa. Mối từ nội thành đánh xe ô tô hay xe lam về mua ào một cái rồi đi. Giá trầu lúc cao, lúc thấp (mà phần nhiều là thấp) cũng khiến phường buôn bán trầu ngày một đìu hiu. Bà Năm, một người có thâm niên buôn bán trầu ở chợ Bà Điểm, nay đã về dưỡng già, vui vầy với con cái hai năm nay tâm sự rằng: “Bây giờ còn mấy ai ăn trầu nữa mà bán, năm ngoái nghe bà con nói, mối trầu về thu mua để xuất ra nước ngoài, bà con mừng húm, lúc đó trầu bán được tới 20.000đ/kg, nhưng mừng chẳng được bao lâu thì giá trầu lại tụt xuống còn 3.000 – 5.000đ/kg. Giá như thế lời lãi được là bao, thậm chí còn lỗ nữa là đằng khác”.
Không lỗ của cũng lỗ công khi trồng trầu phải tốn không ít công sức, bởi đây là một loại cây trồng rất khó tính chỉ ưa nước ngọt và phải là nước sạch, nước phèn một chút cũng không chịu được. Độ ẩm của vườn trầu phải luôn được giữ ở mức trung bình, không được ngập nước, như người xưa đã có câu “Trồng trầu thì phải khai mương”, cũng không được để khô hạn.

Chăm sóc dây trầu.
Trầu không ưa phân hóa học, chỉ thích ứng với phân chuồng, phân xanh mà đặc biệt phải là phân tằm trộn lẫn với thân cây dâu bằm nát thì trầu mới ngon. Ngày xưa, khi trầu còn đang được giá và thời lụa tơ tằm cũng đang hưng thịnh thì các thương lái thường chở các thuyền phân tằm từ Tân Châu – Hồng Ngự, Đồng Tháp cập bến chợ Cầu bán lại cho các chủ vườn trầu. Nhưng đến nay, giá trầu thấp đi, nghề nuôi tằm cũng đang mai một thì loại phân này ngày càng khan hiếm và giá thành khá cao.
Loại cây dùng làm gióng trầu cũng phải chọn lọc, phải là cây nọc lấy từ rừng Sác tròn và chắc mới dựng được gióng trầu tốt. Nguyên vật liệu làm một dàn trầu ngày càng khan hiếm, giá thành cao nhiều người phải tìm loại khác thay thế nhưng như vậy lại ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và chất lượng trầu. Đó cũng là một trong những lý do khiến nghề trồng trầu ở 18 thôn vườn trầu ngày càng mai một đi.
Mơ về tour du lịch - văn hóa vườn trầu
Chị Phan Thị Kiện – Bí thư Đảng ủy Xã Bà Điểm nói như tâm sự: “Cũng như nhiều người dân ở đây, tui cũng lớn lên nhờ những gióng trầu nên thực tâm mà nói, cũng muốn giữ lại vườn trầu lắm nhưng để làm được điều đó thì trước mắt phải làm sao để bà con nông dân sống được với nghề trồng trầu như trước đây thì mình mới nghĩ đến chuyện duy trì được”.

Vườn trầu Bà Điểm.
Năm ngoái, nghe đâu Sở Du lịch đã đề nghị thành phố quy hoạch một tour du lịch văn hóa vườn trầu để bảo tồn làng nghề truyền thống và nhắc nhở thế hệ mai sau về một địa danh lịch sử. Ngay sau đó, Công ty Du lịch Bến Thành đã có ý định phối hợp với một số hộ gia đình có diện tích trồng lớn và có thâm niên trong nghề trồng trầu để tổ chức tour khám phá và tìm hiểu lịch sử 18 thôn vườn trầu…
Khi nghe thông tin này nhiều người mừng lắm nhưng không hiểu sao, cho đến nay vẫn chưa thấy động thái nào. Chị Kiện cũng như nhiều người tâm huyết với trầu vẫn mong mỏi chờ đợi dự án này thành hiện thực. Khi nói về dự án này, chị có vẻ hồ hởi hơn khi khoe rằng: chị Thế Thanh – Phó giám đốc Sở VHTT rất ủng hộ và hứa sẽ sớm đề xuất với thành phố thúc đẩy dự án này.
Tìm đến nhà văn Sơn Nam – người rất am hiểu về đất Gia Định xưa và đặc biệt là 18 thôn vườn trầu, tôi được nhận ngay sự chia sẻ đầy tâm huyết và trăn trở của ông. Với ông, 18 thôn vườn trầu không chỉ làng nghề truyền thống mà còn là một địa danh cách mạng. Mười tám thôn vườn trầu giờ chỉ còn một thôn nhưng một thôn cũng không còn nguyên vẹn, ngày ngày vẫn bị cuộc sống hiện đại cắt xén đi. Việc tổ chức tour du lịch vườn trầu là rất cần thiết để giữ lại vẻ đẹp của vùng đất này.
KIM LIÊN