Muối và đường là 2 mặt hàng thiết yếu của mọi người. Những năm qua Việt Nam đều phải nhập khẩu ít nhiều để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến trong nước. Nhưng nghịch lý là khi nhập khẩu 2 mặt hàng này thường rơi vào thời điểm trong nước thu hoạch và chế biến nên đã tác động đến giá thu mua nguyên liệu của nhà máy, ảnh hưởng đến đời sống vốn đã cơ cực của bà con nông dân.
Niên vụ mía đường năm 2011-2012 đã bắt đầu hơn một tháng nay, nếu không bị ảnh hưởng của thời tiết, các nhà máy trong nước sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn đường, dự kiến tăng hơn niên vụ trước khoảng 250.000 tấn. Theo số liệu thống kê, số lượng này đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và chế biến trong nước, tuy nhiên, thực tế rất khó có con số chính xác về nhu cầu thực. Bởi mỗi năm còn có một lượng đáng kể đường Thái Lan nhập lậu qua biên giới từ Campuchia và Lào.
Đó là chưa nói thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) còn xuất qua Trung Quốc một lượng đường không nhỏ. Vì vậy, để hạn chế dần những bất cập trong quản lý, vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi văn bản lên Bộ Công thương kiến nghị thay đổi căn bản việc điều hành nhập khẩu đường.
Theo đó, Bộ Công thương chỉ nên cho phép nhập khẩu sau khi mùa vụ thu hoạch mía và chế biến đường trong nước chấm dứt. Hiệp hội cũng đề nghị, đặt trường hợp xảy ra dư thừa đường cục bộ, cho phép DN xuất khẩu một lượng đường nhất định nhằm ổn định mặt bằng giá đường trong nước. Bộ Công thương sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu lượng đường bổ sung sau đó, đồng thời ưu tiên cho DN xuất khẩu. Lượng đường nhập về bằng với số lượng đã xuất nhưng điều quan trọng hơn, chỉ cho thông quan sau khi vụ thu mua và chế biến kết thúc.
Bộ Công thương đã ghi nhận đề nghị này và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan thảo luận khi xây dựng cơ chế quản lý nhập khẩu đường trong thời gian tới sao cho phù hợp nhất. Nếu đúng như vậy, đây là tín hiệu vui cho người trồng mía và các nhà máy chế biến!
Với ngành muối, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ NN-PTNT để xây dựng cơ chế điều hành quản lý muối nhập khẩu theo hạn ngạch, tránh tình trạng DN nhập khẩu muối công nghiệp về bán bớt ra thị trường làm muối tiêu dùng, ảnh hưởng đến giá mua bán trong nước như vụ việc mà ngành hải quan vừa phát hiện mới đây. Dư luận bức xúc và hoài nghi đây không phải là trường hợp vi phạm duy nhất của một DN diễn ra thời gian qua. Để hạn chế điều đáng tiếc xảy ra như ở trên, các ngành quản lý sẽ có những quy định ràng buộc nhằm giám sát chặt việc sử dụng muối sau nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng khung kiểm soát mới nhằm đảm bảo cho việc sử dụng muối nhập khẩu đúng mục đích.
Trước đó, sau cuộc khảo sát các DN sản xuất muối và DN sử dụng muối để chế biến hóa chất, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT đều nhận định, các DN sản xuất muối công nghiệp trong nước đủ khả năng sản xuất muối đáp ứng theo chất lượng yêu cầu của DN sản xuất hóa chất. Những điều này, nhà nước có thể quản lý nếu có cơ chế và quy định rõ ràng, không để mỗi lần vào mùa thu hoạch diêm dân và người trồng mía luôn khắc khoải nỗi lo, được mùa mất giá vì muối, đường nhập khẩu.
ĐĂNG LÃM