Thông tin Cục Xuất bản, in và phát hành (Cục Xuất bản) chính thức đưa ra danh sách 39 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản (sửa đổi) gây xôn xao dư luận. Xôn xao không phải việc có quá nhiều NXB yếu kém mà là lần đầu tiên, Cục Xuất bản đề cập trực tiếp đến việc đóng cửa các NXB không đạt tiêu chuẩn.
Việc nhiều NXB không đủ điều kiện hoạt động thực ra không mới. Cách nay 10 năm, trong một cuộc hội nghị về ngành xuất bản, người ta đã nhắc đến những NXB “3 không”: không tiền, không người, không nhà. Những NXB đó mỗi năm làm chỉ 1 đến 2 cuốn sách, có nơi cả năm không làm một cuốn sách nào. Có nơi toàn bộ nhân sự chỉ vỏn vẹn 3 người, giám đốc kiêm tổng biên tập, kiêm biên tập viên, thủ quỹ và nhân viên. Cũng những NXB đó có trụ sở đồng thời cũng là nhà riêng của giám đốc NXB. Và khi đó, vấn đề có cần thiết tồn tại những NXB như trên hay không cũng được nêu ra, nhưng câu trả lời khi đó lại là: Luật không cấm, cơ quan chủ quản không ý kiến thì việc tồn tại những NXB như vậy không ảnh hưởng đến ai. Có cũng được, không có cũng được!
Thế nhưng, mọi việc lại không đơn giản như vậy, các NXB “3 không” đó lại đều có giấy phép xuất bản. Cùng với chủ trương xã hội hóa xuất bản, một số NXB “3 không” này hoạt động để chỉ nhằm hợp pháp hóa về thủ tục xuất bản để đưa ra thị trường những ấn phẩm kém chất lượng. Không có tiền, không biên tập viên, có nghĩa phải dựa hết vào đối tác và dĩ nhiên chất lượng sách cũng phụ thuộc hoàn toàn vào lương tâm của đối tác. Đây là mối quan hệ bất bình đẳng khi NXB chỉ thu được một khoản quản lý phí, còn toàn bộ lợi nhuận từ xuất bản phẩm thuộc về đối tác. Thế nhưng, trách nhiệm pháp lý khi sách có sai sót NXB lại phải gánh chịu.
Tuy biết bất bình đẳng, biết sẽ gặp nhiều rắc rối khi sách sai phạm nhưng các NXB yếu kém vẫn nồng nhiệt chào đón các đối tác vì đây là một trong những khoản thu quan trọng nhất của đơn vị. Thậm chí còn nảy sinh cả việc cạnh tranh giữa các NXB. Cạnh tranh này đến từ việc giảm phí và thoải mái trong cấp phép, thậm chí có NXB khi bị tố có sách sai phạm còn không biết đó có phải sách do mình cấp phép hay không, phải đến khi kiểm tra lại sổ sách mới biết đúng là từng cấp phép cho cuốn sách sai phạm. Không phải ngẫu nhiên gần như tuyệt đại đa số các ấn phẩm sai phạm về xuất bản trong suốt gần 10 năm qua đều nằm ở các NXB “3 không”.
Trước thực tế đó, việc siết chặt quản lý các NXB được đề ra và trong Luật Xuất bản (sửa đổi) đã quy định cụ thể những tiêu chí của một NXB như vốn điều lệ ít nhất phải 5 tỷ đồng, lãnh đạo có trình độ, biên tập viên được cấp chứng chỉ… Vấn đề lãnh đạo và biên tập viên tuy khó nhưng khả dĩ có thể nhanh chóng khắc phục khi từ Cục Xuất bản đến Hội Xuất bản đều đang nỗ lực mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng; chỉ có vấn đề 5 tỷ đồng đôi khi có trở ngại. “Đồng tiền liền khúc ruột”, khi phải bỏ ra khoản tiền lớn để duy trì NXB, các cơ quan chủ quản cũng sẽ phải có trách nhiệm hơn với “đứa con” của mình.
Việc nêu tên những NXB chưa đủ điều kiện hoạt động là bước đi đầu tiên trong việc chấn chỉnh lại hoạt động của các đơn vị xuất bản hiện nay. Có lẽ một số NXB sẽ phải đóng cửa, một số được tồn tại sau khi tái cơ cấu… nhưng điều chung lại sau cuộc điều chỉnh này, những NXB còn lại sẽ hoạt động một cách thực sự, không còn là tấm bình phong cho một số người làm sách thiếu trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận.
XUÂN THÂN