Hoạt động logistics bị bỏ ngỏ
Tại diễn đàn pháp lý Liên minh HTX khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng chí Vương Đình Huệ, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể và HTX, nhấn mạnh trước đây, kinh tế hợp tác và HTX là thành phần quan trọng trải qua giai đoạn phát triển kinh tế huy hoàng. Lúc đó HTX là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường thì gặp lúng túng.
Từ khi có Luật HTX sửa đổi năm 2012, kinh tế hợp tác và HTX đã thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Mô hình HTX mới đang mang lại lợi ích cho các hộ thành viên HTX, chi phí đầu vào giảm, đầu ra tăng lên, cá biệt có mô hình áp dụng khoa học công nghệ nên lợi nhuận thu được tăng thêm 20% - 30% so với hộ cá thể. Việc thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài là thành tựu, dù hiện nay mới có khoảng 50% HTX hoạt động hiệu quả, nhưng so với 5 năm trước, con số này chỉ là 10%.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết cả nước có trên 22.400 HTX, trong đó hơn 13.700 HTX nông nghiệp. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 2.000 - 2.500 HTX ra đời với tốc độ, quy mô ngày càng lớn.
Mặc dù đã đạt được những con số khá tích cực, nhưng sự phát triển này chưa đồng đều, đặc biệt là những HTX kiểu cũ, việc chuyển đổi gặp khó khăn trong việc xử lý những tồn đọng tài chính, không ít HTX còn nhiều khó khăn nội tại, nhất là hạn chế về nguồn lực. Do còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là chính sách vay vốn, HTX đã không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Nếu được, cũng chỉ là các nguồn vốn nhỏ phục vụ cho các hoạt động thường xuyên. Vì không tiếp cận được các nguồn vốn lớn phục vụ việc tái cấu trúc cây trồng, vật nuôi… dẫn đến việc các HTX hoạt động thiếu đột phá, hiệu quả không cao.
Theo tiến sĩ Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, việc thiếu vốn còn dẫn đến một vấn đề khác là hoạt động logistics của HTX bị bỏ ngỏ. Từ việc cung ứng các khâu đầu vào, lưu kho, xử lý và bảo quản sau thu hoạch cho đến vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng đều không chủ động và hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác nhỏ lẻ, không đảm bảo được sự ổn định cả đầu vào lẫn đầu ra cho quá trình sản xuất.
Có nghị định riêng cho HTX nông nghiệp
Nói về kinh nghiệm hợp tác hóa, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho biết không ít doanh nghiệp đến Đồng Tháp liên kết với từng hộ nông dân để hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng sau vài mùa, doanh nghiệp đó đề nghị tỉnh thành lập HTX nông nghiệp để bình đẳng với doanh nghiệp trong đàm phán liên kết, hợp tác. Nhưng khi tỉnh đi vào thực tế thực hiện chủ trương thì bị ngay điểm nghẽn hợp tác. Sau nhiều thế hệ làm ăn cá thể, khi hợp tác dẫn đến chuyện so đo, đố kỵ, tính toán hay xung đột làm chậm việc hình thành HTX kiểu mới. Ngay cả nhận thức của chính quyền địa phương cũng mơ hồ. Vì vậy, chúng tôi lập ra các hội quán nông dân, hiện có 68 hội quán kiểu này với nhiều loại cây trồng vật nuôi như xoài, lúa, nuôi cá... Đây là nơi để người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; qua đó hợp tác, gắn kết, tạo dựng niềm tin cho nhau. Sau 1 - 2 năm, các hội quán này là nền tảng cho việc ra đời các HTX nông nghiệp, khơi gợi làm tiền đề để nông dân liên kết và kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
“Điều quan trọng là phải mang lại lợi ích gì cho bà con nông dân và để nông dân tự suy nghĩ. Từ đó nhận ra rằng, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Đầu tiên HTX liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng không dừng lại mà tiến tới việc chế biến, thương mại. Khi nông dân thích nghi với sự hợp tác, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của nông dân làm ra, nông dân thấy rằng, con đường duy nhất để phát triển là vào HTX. Một khi nông dân thay đổi nhận thức thì đồng lòng rất cao. Để có thể làm được điều này, ông Lê Minh Hoan đề nghị Chính phủ có nghị định riêng cho HTX nông nghiệp trong việc triển khai Luật HTX (thay vì chỉ có nghị định chung cho HTX thương mại, dịch vụ và giao thông vận tải với nông nghiệp), để HTX thực sự là “bà đỡ” cho hàng triệu hộ nông dân nhằm thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển trong thời gian 5 - 10 năm tới.
Tiến sĩ Lê Thành cho rằng, trong tình hình mới, HTX nông nghiệp cần phải đặt trong chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu; cần có hỗ trợ toàn diện cho các HTX. Từ mô hình Lavifood với nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood ở tỉnh Tây Ninh, một trong những nhà máy chế biến sâu có công nghệ hiện đại nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy sự ra đời của nhà máy không chỉ giải quyết đầu ra cho các HTX trồng rau - củ - quả mà còn giải luôn bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt, gia tăng thu nhập cho nông dân. Nhà máy cũng kết nối với các đối tác quốc tế như Amazon, Walmart bằng những hợp đồng dài hạn; nhờ đó ký kết được nhiều hợp đồng dài hạn, tạo sự chủ động trong sản xuất cho các HTX. Để hoàn thiện và mở rộng chuỗi giá trị, Liên minh HTX Việt Nam, Lavifood và ngành ngân hàng ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc xây dựng các trung tâm hỗ trợ nông dân và nhà máy để hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các HTX.