20 giờ 30 phút, đặt chân về đến nhà sau ca làm thêm buổi chiều, nghỉ ngơi chốc lát, Hoàng Anh lại lao vào nấu cơm. Khi hỏi cô sinh viên đang theo học một trường thiết kế ở Berlin (Đức) rằng sao không ăn luôn ở ngoài cho đỡ vất vả, Hoàng Anh cho biết để có một bữa ăn chất lượng thì rất tốn kém, trung bình từ 15-20 EUR. Nhưng nếu nấu ở nhà, số tiền trên có thể mua được thức ăn, thực phẩm cho vài ngày.
Hoàng Anh ví dụ với một hộp 12 quả trứng trung bình giá khoảng 2,6 EUR, cô có thể chế biến thành các món khác nhau cho nhiều bữa ăn. Người Tây ít ăn đồ nội tạng của heo hay gà nên giá rất rẻ. Cô gái người Hà Nội này khoái khẩu món tim gà hấp cách thủy hoặc để ăn với mì, miến vào buổi sáng nên thường mua về để chế biến với giá khoảng 5 EUR/pound (1 pound = 0,4 kg)... Theo Hoàng Anh, nấu ăn ở nhà tuy cực nhưng là một trong những cách tiết kiệm hữu hiệu nhất.
Cô sinh viên người Việt này còn cho hay, có thời gian rảnh, cô thường xuyên truy cập vào những website của các siêu thị như ALDI, Trung tâm thương mại Gesundbrunnen... xem thông báo về các đợt bán hàng gia dụng, thực phẩm giảm giá để mua đồ giá rẻ.
Ngoài các trang web bán hàng giảm giá, Hoàng Anh và các bạn của mình thường xuyên ghé thăm những khu flea market (chợ trời) vào mỗi dịp cuối tuần. Đây là nơi bán các loại hàng hóa cũ nhưng còn sử dụng rất tốt. Những sinh viên mới sang du học muốn mua sắm đồ dùng cho sinh hoạt hàng ngày thì flea market là một trong những lựa chọn hữu ích. Ví dụ, một chiếc lò vi sóng mới giá trung bình hơn 70 EUR thì tại flea market, bạn có thể tìm thấy một chiếc cũ với giá vỏn vẹn vào khoảng 10 EUR. Hàng thời trang, quần áo, giày dép cũng không thiếu với nhiều món rẻ bất ngờ chỉ hơn 1 EUR... Không chỉ có các du học sinh đến đây để tìm mua đồ còn tốt, giá rẻ mà ngay cả người dân Berlin cũng đổ về đây rất nhiều. Chính vì thế, những chuyến đi “săn hàng” thế này cũng còn là dịp để tìm hiểu văn hóa, lối sống của người bản xứ. Nhờ đó, những ngày cuối tuần mang đúng nghĩa xả stress đích thực để chuẩn bị cho một tuần mới căng thẳng với học hành và công việc.
Một khu flea market ở Berlin, Đức. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Ngoài flea market, thêm một lựa chọn để tiết kiệm nữa là các trang web bán hàng cũ. Đây có thể được xem là thiên đường dành cho các sinh viên bởi gần như có đầy đủ các món đồ họ cần từ dụng cụ học tập, vé tàu, vé xe giá rẻ đến các mặt hàng xa xỉ hơn như máy tính bảng, điện thoại. Ngọc Ly, một sinh viên Việt Nam cũng đang theo học tại Berlin, cho biết cuối tháng 7 vừa qua, cô lên kế hoạch sang thăm người bà con ở Prague, Czech bằng xe buýt của Công ty Eurolines. Giá vé khứ hồi cho một người vào khoảng 39 EUR, nhưng khi tìm trên một trang bán hàng trên mạng, cô đã mua được vé với giá 25 EUR, do người mua không còn nhu cầu sử dụng bán lại. “Xa nhà cái gì cũng cần đến tiền nên phải tiết kiệm triệt để”, Ngọc Ly nói.
Và một trong những “chiêu” tiết kiệm vô cùng quan trọng khi sống ở trời Tây đó là share (chia sẻ). Sinh viên nước ngoài thường có thói quen chia tiền trong mọi hoạt động sinh hoạt thường nhật trừ một số trường hợp như đãi tiệc hay có sự kiện quan trọng nào đó. Và đây là một kinh nghiệm mà các du học sinh Việt Nam xa nhà cũng đang áp dụng rất nhiều để tiết kiệm chi phí từ tìm bạn ở chung phòng trọ cho đến nấu ăn chung, đi chơi chung... Lướt qua các diễn đàn sinh viên chính thống hay trên các mạng xã hội như Facebook, không khó để bắt gặp những thông tin rao tìm bạn ở chung phòng hay đi du lịch chung để được mua vé có giá rẻ. Vậy mới thấy, du học không sướng như nhiều người vẫn nghĩ!
PHƯƠNG TRANG