Cùng với hơn 600 nghệ nhân đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/NĐ-CP quy định cụ thể chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú như tiếp thêm ngọn lửa đam mê, thêm niềm vui mang đến cho những người yêu mến nghệ thuật truyền thống.
Theo đó, các đối tượng được hưởng hỗ trợ là những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành nghị định này là 1.150.000 đồng) gồm 4 nhóm đối tượng: Người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người phụng dưỡng, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định. Đối tượng thứ 4 được hưởng trợ cấp là các nghệ nhân dân gian không thuộc 3 nhóm đối tượng kể trên.
Cụ thể theo nghị định, mức trợ cấp 1 triệu đồng/tháng dành cho 3 nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt nêu trên thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở. Mức trợ cấp 850.000 đồng/tháng áp dụng đối với 3 nhóm đối tượng trên thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở và nhóm đối tượng thứ 4 thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở. Mức trợ cấp 700.000 đồng/tháng được hỗ trợ đối với nhóm đối tượng 4 thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở. Cùng với chế độ trợ cấp hàng tháng theo 3 mức nói trên, các nghệ nhân dân gian được hưởng trợ cấp còn được chăm lo chế độ bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo (mức đóng tại thời điểm ban hành nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở do Chính phủ quy định); đồng thời được hưởng bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh với mức hưởng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các đối tượng trên khi qua đời thì cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tổ chức mai táng được nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng 7 triệu đồng/người.
Việc tôn vinh cũng như có chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân thực ra đã được ngành văn hóa đề cập từ khá sớm, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau, đến nay chủ trương mới thành hiện thực. Những “bảo tàng sống” hay “báu vật nhân văn sống” là những danh hiệu cao quý và trân trọng mà tổ chức UNESCO dùng khi nói về các nghệ nhân mà nhiều nước trên thế giới đã quan tâm thực hiện để tôn vinh các nghệ nhân dân gian; mục đích là để bảo tồn, phát huy và trao truyền những tinh hoa giá trị văn hóa phi vật thể do con người nắm giữ. Chính các nghệ nhân dân gian là người đã có công thực hành, lưu giữ và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau, là một phần không thể tách rời của di sản. Nếu ví di sản văn hóa là một cơ thể sống thì bản thân di sản chỉ là phần xác, còn nghệ nhân mới là nhân tố góp phần làm nên phần hồn tinh túy của di sản. Nghệ nhân là người sống cùng di sản, gắn bó với di sản trọn vẹn cuộc đời. Di sản vì thế không chỉ chất chứa hồn cốt, tinh thần của cả dân tộc mà còn phản ánh tinh thần, cốt cách và sự trân quý của nghệ nhân với vốn văn hóa dân gian.
Phần đông các nghệ nhân các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là hát xẩm, ca trù, hát xoan, ví giặm… có đời sống khó khăn, không ít người tuổi cao sức yếu. Theo thống kê cho thấy hiện có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số; 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp, phần lớn trong số họ không thuộc đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Do vậy, mức hỗ trợ tuy còn khiêm tốn nhưng đã phần nào kịp thời tiếp sức để các nghệ nhân yên tâm cháy hết mình với niềm đam mê của đời mình.
Minh An