Những ngày lũ chồng lũ cách đây không lâu, nước lớn cuồn cuộn đổ về “xé nát” bao xóm làng. Trong cơn lũ dại, cuộc sống của con người, sinh vật, cây cối… đều loạn cả lên. Thế nhưng, trong cơn hoạn nạn, thiên tai; nhiều người ở Quảng Trị đã biết tận dụng lũ dữ để mưu sinh, tìm kế sinh nhai.
Đêm với cánh thợ câu
Nói về nghề câu đêm, mọi người nghĩ ngay đến cánh thợ câu ở xã Vĩnh Nam (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Nơi đây có đội câu hùng hậu nhất, cũng như kinh nghiệm câu đêm trong những đợt mưa lũ. Làng mà chúng tôi chọn để nhập hội câu đêm là làng Nam Cường (xã Vĩnh Nam).
Câu cặm được cánh thợ ưu tiên hàng đầu cho những ngày lũ về
Tại đây, cánh thợ câu trẻ tuổi giới thiệu chúng tôi tới nhà tay thợ lão luyện nhất là ông Trần Hanh (53 tuổi), người có trên 20 năm trong nghề lội lũ câu cá lóc (dân địa phương còn gọi là cá tràu).
Phải thuyết phục đến khản cả giọng, ông Trần Hanh mới chịu gật đầu cho chúng tôi theo câu. “Đêm nay chúng ta sẽ câu ở vùng ruộng làng Lê Xá (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh). Các anh đi theo nhớ đừng làm động nước, cá không chịu cắn câu. Cá tràu là loài ăn đêm, chúng rất khôn, việc đánh lưới hay cất vó lâu nay không thể bắt được. Chỉ có câu đêm thôi nên cần phải tỉ mỉ và khéo tay mới câu được”, ông Trần Hanh rỉ tai trước khi cho chúng tôi tháp tùng.
Cánh đồng tại làng Lê Xá nằm cạnh quốc lộ 1A (tuyến mới). Màn đêm dần buông xuống trên cánh đồng ngập trắng nước lũ. Những ánh đèn câu nhá nhem, nhấp nhô theo con sóng bạc. Tối nay, ông Hanh sử dụng 100 cần câu cắm trên cánh đồng này. Thường mỗi đêm ông Hanh câu được khoảng 3 - 4kg cá tràu, đem ra chợ bán với giá 100.000 đồng/kg.
Ông Hanh nói: “Bình quân mỗi đêm như vậy, tôi kiếm được 300 - 400 ngàn đồng. Như thế là khá lắm rồi đó. Ngày nay, người ta đều đổ xô đi câu đêm; riêng xã tôi, cánh thợ câu đã ngót 30 người và có xu hướng trẻ hóa”.
Bên cạnh vùng câu của ông Hanh là chiếc xuồng của ông Nguyễn Công (54 tuổi, thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) đang hành nghề câu vàng. Theo lời ông Công, mấy đêm rày cánh thợ câu ở những vùng khác như Đông Hà, Vĩnh Thủy, Vĩnh Hải… đã “ngửi” thấy mùi nên tìm đến cánh đồng này nhiều hơn mọi khi. “Nghề câu đêm trong lũ đem lại thu nhập cao, nên cứ có lũ là người ta đổ xô chen nhau đi câu. Nhiều đêm, trên cánh đồng thấy dày đặt ánh đèn. Các đường câu của cánh thợ cứ chồng chéo lên nhau, chẳng biết đâu mà lần”, ông Công nói.
Câu vàng, câu cặm…
Thợ câu Nguyễn Công giải bày: “Câu cá tràu vào mùa lũ có 2 loại, câu cặm và câu vàng. Mỗi loại có ưu - nhược điểm riêng biệt. Câu vàng là câu theo chuỗi dây, đi theo đường dây như lưới. Thợ câu ra mồi đồng loạt rồi đi rải một lượt. Một đêm câu vàng, người thợ chỉ đi thăm câu 2 bận vào lúc giữa đêm và rạng sáng. Mồi câu chủ yếu là giun đất hoặc nhái. Câu vàng cá nhỏ hơn, ít cá hơn câu cặm nhưng đỡ cực hơn. Mỗi dây câu vàng khoảng 200 lưỡi, khi gặp vùng nhiều cá thì câu vàng này chiếm lợi thế hơn, nhờ vậy nhiều hôm cá mắc kín lưới câu…”.
Về câu cặm, thợ câu Trần Hanh giải thích: “Câu cặm đòi hỏi nhiều công sức hơn, thợ câu phải
chuẩn bị cần từ trước đó. Cần dài khoảng 60cm, làm từ phần vỏ của thân cây tre. Sau đó đem treo lên đầu bếp lửa để khói ám. Làm vậy cần câu sẽ bền, dẻo dai hơn và giữ được chân cá lâu hơn. Câu cặm được cá to và nhiều hơn câu vàng. Nhưng phải thức cả đêm để tra cần, sửa cần, chêm mồi...”.
“Nghề câu không chỉ tìm được nguồn thu đáng kể trong những ngày mưa lũ, giúp cải thiện đời sống, bù đắp lại những thiệt hại do lũ cuốn trôi mà còn là cái thú tiêu sầu, niềm đam mê nữa. Đêm nào mà không đi, bạn câu gọi rầm cả lên, mình ở nhà thấp thỏm cũng chẳng yên được”, ông Hanh tâm sự.
Quay theo lũ dại
Ngày lũ về, nước tràn ngập cánh đồng. Cá từ các nẻo đổ về, số thì lạc đàn, số bị nước lũ cuốn trôi. Cá lạc đàn đói và xót mắt, người thợ chỉ cần đặt mẻ lưới hoặc mẻ vó là cá mắc đầy lưới, đầy vó. “Năm nào đến mùa mà không có lũ, y như rằng năm đó cánh thợ chúng tôi buồn héo ruột. Tính chất của nghề này như thế, lũ càng to, nước càng lớn thì càng trúng mánh, thợ câu càng chen chúc nhau…
Thế nhưng, khi thấy lũ dữ cuốn phăng nhà cửa, tài sản của gia đình và cả làng xóm mà sót cả ruột gan. Nhưng thiên tai là do ông trời, có ai muốn lũ dữ đâu. Chúng tôi chỉ biết tận dụng thời điểm này mà kiếm cơm cho gia đình thôi!”, lão thợ câu Nguyễn Công trần tình.
Hành trình theo đuôi con cá lạc lũ, được những người trong nghề chia ra làm nhiều giai đoạn. Ví như, ngày nước lớn thì cánh thợ sử dụng lưới bén, lội nước thả lưới để bắt cá rô đồng, một ngày kiếm trên 10kg cá, thu nhập cũng được 400 - 500 ngàn đồng. Số khác sử dụng vó để cất cá. Cất vó tuy ít cá hơn, nhưng chỉ việc ngồi trên bờ cất vó lên, hạ vó xuống, khỏi phải lội giữa nước lũ. Khi con nước hạ dần và mặt nước yên ắng trở lại, là thời điểm “trổ tài” của các “câu thủ” trong đêm. Cứ như thế, cánh thợ như xoay quanh vòng quay đợt lũ mà bày ra những ngón nghề để theo đuôi con cá.
Ông Hanh nói: “Nguy hiểm nhất là việc đánh lưới bén khi lũ về, những ngày đó chúng tôi phải lội cả ngày giữa nước lụt. Nhiều người yếu, có khi bị chuột rút, rất dễ bị lũ cuốn trôi. Cực khổ và nguy hiểm lắm nhưng vẫn phải làm, bởi vợ con ở nhà trong những ngày lũ dữ chỉ biết trông chờ vào những cái cần câu này thôi”.
Ngày nay, nghề cắm câu, giăng câu bị những người săn cá bằng chích điện “lấn sân”. Đi đâu cũng gặp nhan nhản cảnh dí cá bằng điện. Nói đến tình trạng này, ông Nguyễn Công thở dài: “Không bỏ sót một con nào hết. Cá to cũng chết, nhỏ cũng chết, chết la liệt. Thay nhau tận diệt như thế thì ít năm nữa còn đâu cá mà bắt chứ. Cánh thợ chích điện bây giờ nhiều vô kể, đi đâu cũng gặp, già có, trẻ có. Không biết rồi những mùa lũ sau, chúng tôi mưu sinh thế nào đây?”. Bỏ lửng câu hỏi, ông Công nhìn về phía những con sóng bạc dập dìu trong đêm tối mù mịt.
NGỌC OAI