Gặp các cựu chiến binh biệt động Sài Gòn năm xưa, chúng tôi tự hào và ngưỡng mộ bởi những chiến công vang dội của họ đã được ghi vào sử sách. Hôm nay, tuy tuổi cao sức yếu khi nhắc đến kỷ niệm một thời oanh liệt, ai nấy đều thấy mình như trẻ lại.
Chị Nguyễn Thị Bích Nga, hồi đó mới 16 tuổi đã dùng cây tầm vông chế tạo thay bàn đế kê súng cối 82 ly để nã đạn vào dinh thự Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ Westmoreland, làm chết và bị thương 24 tên địch. Không thua kém đồng đội, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Thu Trang, 20 tuổi đã cải trang, bí mật đưa 300kg thuốc nổ vào đánh cư xá Mỹ, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch.
Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết ngày ấy mưu trí đưa nhiều lần 200kg thuốc nổ bí mật làm nổ tung sào huyệt địch ở Tòa hành chính quận 3, Trung tâm Báo chí và Khu hành chính Gia Định. Trong lực lượng biệt động, có lúc các nữ biệt động Sài Gòn phát huy vai trò rất mạnh mẽ.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, tuy là cô gái trẻ nhưng một mình vác khẩu B40 nã thẳng vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Với tài thao lược “xuất quỷ nhập thần”, lực lượng biệt động Sài Gòn luôn làm cho kẻ thù ăn không ngon, ngủ không yên. Chị Võ Thị Nghĩa, đóng giả làm cô dâu, tổ chức đám cưới để bí mật mang 400kg thuốc nổ vào khách sạn Metropol. Sau tiếng nổ long trời, chị và đồng đội đã tiêu diệt hàng trăm tên địch tại khách sạn này.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Văn Náo ngày ấy nổi tiếng là một chiến sĩ biệt động mưu trí dũng cảm, một mình anh cùng đồng đội Nguyễn Văn Hùng giả dạng thường dân, qua mắt sự tuần tra canh gác gắt gao của địch để trinh sát khu vực sông quanh cảng Sài Gòn, nơi vừa có chiến hạm Mỹ chở vũ khí tối tân vào Việt Nam. Sau nhiều ngày quan sát và suy nghĩ cách đánh, anh xuống đường cống thoát nước dẫn ra sông Sài Gòn, bí mật đưa thuốc nổ vào trong cảng. Sau tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn, anh và đồng đội đã đánh chìm chiến hạm Mỹ đang đậu tại cảng.
Sau chiến công vang dội đó, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen ngợi Lâm Văn Náo nói riêng và lực lượng biệt động Sài Gòn nói chung.
Gia đình anh Trần Văn Căn (Ba Căn) ở đường 3-2 bây giờ, nơi chỉ cách trụ sở đầu não của địch chưa đầy 100m, vậy mà suốt từ năm 1962 đến năm 1968, gia đình anh đã đào căn hầm bí mật chứa tới 2,5 tấn vũ khí để cung cấp cho biệt động Sài Gòn tấn công địch trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Để đào được hầm bí mật ngay sát căn cứ địch đầy hiểm nguy, việc không để địch nghe thấy tiếng cuốc và phải qua mắt địch đi đổ từng ký đất là vô cùng nguy hiểm và khó khăn.
Vì vậy, hàng ngày cả nhà anh Ba Căn ngồi trên nắp căn hầm bí mật ăn cơm, bất chấp án tử treo trên đầu nếu địch phát hiện. Sau ngày giải phóng, căn hầm này được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm căn hầm này, đã khen ngợi tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ biệt động. Với khí thế xuất quỷ nhập thần, lực lượng biệt động Sài Gòn được trang bị súng đạn tấn công kẻ thù khiến chúng trở tay không kịp. Em Thu Nguyệt, mới 16 tuổi đã dũng cảm mang 100kg thuốc nổ vào sân bay Tân Sơn Nhất để quân ta bí mật làm nổ tung máy bay địch.
Gặp các chiến sĩ biệt động Sài Gòn hôm nay, thấy họ vẫn bừng bừng khí thế của một thời ra trận. Chị Nguyễn Thị Bích Nga, ở quận 8, nay tuy tuổi cao vẫn đang giữ nhiều công việc bí thư chi bộ, hội phụ nữ, tổ dân phố… tại địa phương. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thu Trang, ở quận 10 vẫn đau đáu những vấn đề thời sự và có nhiều đóng góp với địa phương. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Văn Náo, ở quận 7, nay đã ngoài 80 tuổi, khi nói về chiến lược quân sự thì hào hứng sôi nổi không kém thời trai trẻ.
Chị Võ Thị Nghĩa ở quận Gò Vấp và chị Nguyễn Thị Nguyên ở quận Tân Bình vẫn bận rộn với việc nước, việc dân. Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh phụ trách nội thành của Lực lượng Biệt động Sài Gòn, nay là Trưởng ban Liên lạc Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tâm đắc: “Dòng máu cách mạng luôn chảy mãi trong huyết quản chúng tôi nên những cựu chiến binh luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trên các lĩnh vực…”.
Minh Ngọc