Ngày 10-10, 2 nhà khoa học người Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka đã giành được giải thưởng Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu về các thụ quan của tế bào mang tên: thụ thể bắt cặp (kết hợp) với protein G.
Theo website nobelprize.org, mỗi một tế bào của cơ thể con người đều có các thụ quan rất nhỏ giúp cảm nhận được môi trường bên ngoài tế bào, qua đó giúp tế bào thích nghi, phản ứng với các điều kiện mới thay đổi. Hay nói cách khác, vai trò chính của thụ thể bắt cặp protein G là truyền các tín hiệu cho tế bào.
Trong một thời gian dài, việc các thế bào cảm nhận môi trường xung quanh chúng như thế nào vẫn luôn là một ẩn số. Ví dụ, các nhà khoa học biết rằng các loại hormone như adrenalin có khả năng làm tăng huyết áp và khiến nhịp tim nhanh hơn. Họ cho rằng bề mặt của các tế bào có chứa một thứ gì đó để tiếp nhận các loại hormone. Và công trình nghiên cứu của Robert Lefkowitz và Brian Kobilka đã giúp các nhà khoa học tìm được lời giải đáp cho những khúc mắc của mình.
Có hàng ngàn loại thụ quan tồn tại trong cơ thể con người. Hơn nữa, thụ thể bắt cặp protein G lại liên quan đến rất nhiều loại bệnh. Vì vậy, Ủy ban Nobel cho biết việc hiểu rõ cơ chế hoạt động các thụ quan tế bào đem lại lợi ích lớn cho y học: giúp điều chế ra các loại thuốc tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn. Hiện khoảng 1/2 số dược phẩm có tác dụng với cơ thể con người đều nhờ thụ thể bắt cặp protein G.
Ông Robert Lefkowitz (sinh ngày 15-4-1943 tại New York, gốc Do Thái) là giáo sư khoa hóa và y sinh của Đại học Duke ở Bắc Carolina. Năm 1968, ông Lefkowitz đã bắt đầu sử dụng phóng xạ để “truy tìm” các thụ quan của tế bào. Thành quả đạt được đó là việc giáo sư Lefkowitz phát hiện ra một số các thụ quan, trong đó có thụ quan của adrenalin. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Lefkowitz đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong suốt những năm 1980.
Trong khi đó, ông Kobilka (sinh năm 1955 tại Mỹ, gốc Ba Lan) là giáo sư sinh lý học phân tử và tế bào tại Đại học Stanford, đã thành công trong việc phân tách gene nhằm giải mã thụ quan của adrenalin. Nhờ công trình của giáo sư Kobilka, các nhà nghiên cứu mới tìm ra được cơ chế hoạt động, chức năng của thụ quan. Năm 2011, nhóm nghiên cứu của giáo sư Kobilka còn tạo được một bước đột phá đó là chụp được hình ảnh thời điểm chính xác thụ quan của adrenalin phản ứng với hormone và gửi một tín hiệu về cho tế bào. Hình ảnh này được xem như là một kiệt tác của phân tử học.
Với thành quả đạt được, 2 nhà khoa học Lefkowitz và Kobilka sẽ cùng chia nhau giải thưởng trị giá 1,2 triệu USD.
ĐỖ CAO