Mỹ Báo động về tình trạng lười đọc sách

Mỹ Báo động về tình trạng lười đọc sách

Dù Mỹ là thị trường xuất bản thông tin lớn nhất thế giới nhưng dân Mỹ ngày càng lười đọc sách. Hơn nữa, hiện tượng này đang biến thành “xu hướng”…

  • Người đọc sách ít dần đi

Tháng 4-1983, Ủy ban chuyên trách quốc gia về giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Mỹ tung ra báo cáo A Nation at Risk (ANAR - Một quốc gia đang lâm nguy). Sau bốn năm Tổng thống Jimmy Carter thành lập Bộ Giáo dục. Báo cáo đã gây sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng giáo dục cũng như xã hội và nhắc người Mỹ rằng họ có hệ thống giáo dục chưa hoàn thiện.

Bây giờ, hơn hai thập niên sau ANAR, Phòng nghiên cứu và phân tích thuộc Cơ quan văn hóa nghệ thuật quốc gia (NEA) lại tung ra báo cáo dài 60 trang mang tựa Reading at Risk: A Survey of Literary Reading in America (Thói quen đọc sách đang gặp nguy hiểm: Một khảo sát về tình trạng đọc sách văn học tại Mỹ). Chủ tịch NEA Dana Gioia cho biết tình hình đã đến lúc

Mỹ Báo động về tình trạng lười đọc sách ảnh 1

Tỉ lệ giới trẻ đọc sách ngày càng giảm bởi ảnh hưởng của phương tiện truyền thông hiện đại. Và giới nữ chiếm tỉ lệ cao hơn phái nam ở mức độ đam mê văn học.

báo động. Báo cáo (tung ra hạ tuần tháng 8-2004), NEA cho thấy chỉ 56,6% người Mỹ đọc một quyển sách trong năm 2002 so với 60,9% năm 1992. Tỉ lệ sách văn học thậm chí chênh lệch nhiều hơn. Năm 2002, chỉ có 46,7% người Mỹ đọc một quyển sách văn học, so với 54% năm 1992.

Sự tụt giảm về thang bậc tình yêu dành cho văn học xuất hiện ở tất cả nhóm nam, nữ, người da trắng, da màu và Hispanic (gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Thậm chí sự thờ ơ văn học cũng xảy ra trong sinh viên: từ 82,1% đọc ít nhất một quyển văn học vào năm 1982 xuống còn 74,6% năm 1992 và tụt còn 66,7% năm 2002.

Xét cụ thể khu vực, các bang miền núi, từ Arizona đến Montana, là vùng có độ tập trung cao độc giả văn học (53,4%) và thấp nhất là Alabama, Kentucky, Mississippi và Tennessee (40,9%). Một trong những nguyên nhân đầu tiên có thể thấy ngay là ảnh hưởng của truyền hình. Dân “văn học” xem truyền hình trung bình 2,7 tiếng/ngày trong khi dân ít đọc sách xem tivi 3,1 tiếng/ngày. Tất nhiên không phải nhóm người không xem truyền hình thì đọc sách nhiều hơn nhưng dù sao các con số trên cũng cho thấy tác động không ít của truyền hình.

Tương tự là Internet. Năm 2001, Viện Gallup cho biết số người sử dụng Internet 1,5 tiếng/ngày chỉ dành 1,1 tiếng cho đọc sách. Với thành phần có khuynh hướng tôn trọng đời sống nghệ thuật, đọc sách – trong hầu hết trường hợp – đều xuất phát từ thói quen.

Theo khảo sát NEA, năm 2002, 77% người thường đến viện bảo tàng hoặc gallery nghệ thuật là dân ghiền sách. Và thông thường đọc sách là thói quen của người rảnh rỗi hoặc ít lo nghĩ vật chất. Điều này đã thể hiện trong báo cáo NEA. Trong các gia đình có thu nhập thấp hơn 10.000 USD/năm, chỉ 29,6% là sờ đến sách văn học. Trong khi đó, gia đình có thu nhập trên 75.000 USD/năm, tỉ lệ này là 59,4%.

Chủ tịch NEA Dana Gioia hẳn đã rất đau lòng khi phải viết ngay trong phần mở đầu của báo cáo: “Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, có không đến phân nửa người trưởng thành trong dân số Mỹ còn đọc sách văn học và khuynh hướng này thể hiện

Mỹ Báo động về tình trạng lười đọc sách ảnh 2

một sự tụt giảm nhiều hơn ở các thể loại khác. Bất cứ ai yêu văn học hoặc những giá trị của tầm quan trọng về văn hóa, tri thức và chính trị trong xã hội Mỹ hẳn sẽ lo ngại thật sự khi đọc báo cáo này”. Thi ca là một trong những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng “ngược đãi” văn học. Trong số những người “còn một chút”quan tâm văn học, có 45% người trưởng thành chưng tiểu thuyết và truyện ngắn trong kệ sách nhà mình, trong khi đó, độc giả thi ca chỉ chiếm 12%.

Văn học Mỹ đang lâm nguy

Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là nước có ngành xuất bản lớn nhất thế giới, về qui mô lẫn tính chuyên nghiệp (tiếp thị, quảng cáo và phương cách bán). Năm 2000, công nghiệp xuất bản Mỹ in 122.000 đầu sách mới và bán tổng cộng 2,5 tỉ quyển sách, tăng gấp ba trong 25 năm. Độc giả được NEA chia thành bốn nhóm: 1/ Độc giả đọc ít (1-5 cuốn/năm – văn học hoặc các thể loại khác); 2/ Độc giả trung bình (6-11 quyển/năm); 3/ Độc giả thường xuyên (12-49 quyển/năm); và 4/ “Mọt” sách (hơn 50 quyển/năm).

Tỉ lệ tương ứng như sau: độc giả nhóm một chiếm 21%; nhóm hai 9%; nhóm ba 12% và nhóm bốn 4%. Tổng quát, báo cáo NEA đưa ra một số kết luận: 1/ Hơn phân nửa dân số Mỹ hiện không ngó ngàng đến sách. 2/ Một tỉ lệ giảm 10% trong số lượng độc giả tương đương khoảng 20 triệu người. 3/ Tỉ lệ độc giả (độ tuổi trưởng thành) giảm 7% trong một thập niên qua. 4/ Chỉ 1/3 phái nam trưởng thành hiện còn đọc văn học (tỉ lệ ở độc giả nữ cũng giảm nhưng ít hơn). 5/ Người có trình độ càng cao càng đọc sách nhiều (nhưng tỉ lệ cũng giảm ở từng nhóm đối tượng cụ thể). 6/ Sách đang bị khủng bố nghiêm trọng bởi các phương tiện truyền thông hiện đại. Năm 1990, tiền mua sách chiếm 5,7% trong tổng chi tiêu cho giải trí, so với 6% cho sản phẩm nghe - nhìn, phần mềm và máy tính; năm 2002, chi tiêu cho sản phẩm điện tử vọt lên 24% trong khi tiền cho sách chiếm vỏn vẹn 5,6%.

Khảo sát 1999 cho biết một đứa trẻ Mỹ sống trong căn nhà có (trung bình) 2,9 máy truyền hình; 1,8 đầu video (VCR); 2,1 máy CD; 1,4 máy chơi video game và 1 máy tính. 7/ Người đọc sách nhiều có khuynh hướng hoạt động xã hội và làm công tác từ thiện nhiều hơn người ít đọc sách (và người đọc sách nhiều cũng thích đi xem viện bảo tàng và tham gia hoạt động nghệ thuật cũng như thể thao).

Trong đoạn kết luận, Chủ tịch NEA Dana Gioia viết: “(Báo cáo) Reading at Risk là bằng chứng cho thấy một di sản văn hóa đang biến mất, đặc biệt ở giới trẻ… Reading at Risk cho thấy một tình huống nghiêm trọng, một nền văn hóa đang lâm nguy. NEA kêu gọi các cơ quan, tổ chức văn hóa, báo chí và giới giáo dục học nên quan tâm khẩn cấp đến tình trạng văn học tụt dốc của đất nước. Đã đến lúc khởi phát một sự hồi sinh cho thói quen đọc sách văn học và truyền dẫn sức mạnh chuyển đổi của văn học vào đời sống tất cả công dân Mỹ” . 

ĐOAN THƯ 

Tin cùng chuyên mục