Mỹ bị cô lập trên “sân sau”

Ngày 15-4, lần đầu tiên sau nhiều năm, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Colombia, tất cả các nước thành viên của tổ chức này bất ngờ gây áp lực đòi Washington bãi bỏ cấm vận với Cuba.

Ngày 15-4, lần đầu tiên sau nhiều năm, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Colombia, tất cả các nước thành viên của tổ chức này bất ngờ gây áp lực đòi Washington bãi bỏ cấm vận với Cuba.

OAS còn yêu cầu Mỹ phải chấp nhận sự có mặt của Cuba tại những hội nghị diễn ra trong tương lai. Ông Juan Manuel Santos, tổng thống nước chủ nhà, quốc gia luôn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, cũng cho rằng: “Không thể chấp nhận việc Cuba ở ngoài vòng đàm phán trong những lần hội nghị sau. Sự cô lập, lạnh nhạt không mang lại hiệu quả tích cực. Trong thế giới hôm nay, không gì có thể biện minh cho sai lầm này”.

Liên minh cánh tả các quốc gia châu Mỹ ALBA, gồm 12 quốc gia thành viên và sẽ kết nạp thêm 4 nước nữa, cũng tuyên bố trước hội nghị rằng không tham dự các hội nghị của OAS trong tương lai nếu không có Cuba.

Diễn biến bất ngờ tại hội nghị OAS cho thấy sự đoàn kết hiếm hoi giữa những quốc gia châu Mỹ vốn có đường lối chính trị riêng rẽ. Đây cũng là lần đầu tiên, Mỹ phải đối mặt với những sức ép lớn chưa từng có trong một tổ chức gồm các phe cánh tả và phe bảo thủ vốn có xu hướng ủng hộ Mỹ.

Đối phó với sự cương quyết của OAS, ông Obama trả lời một cách hòa hoãn rằng đây là cơ hội cho sự thay đổi của châu Mỹ và chưa đưa ra phán xét gì về việc để Cuba tham gia vào các hội nghị sau.

Gáo nước lạnh thứ hai mà ông Obama nhận được khi đặt chân đến dự hội nghị này là ngay từ trong nội bộ. 11 nhân viên an ninh bí mật được cử phục vụ cho ông Obama ở Hội nghị Colombia bị trục xuất vì tình nghi có hành vi mua dâm. Sau đó, đến lượt quân đội cũng bị tai tiếng. 5 binh sĩ bị quản thúc trong doanh trại vì có hành vi không đúng mực. Những vụ bê bối trên đã góp phần làm suy giảm hình ảnh của nước Mỹ tại OAS, hội nghị mà Mỹ từng có tiếng nói rất có trọng lượng.

Năm 2009, OAS trừ Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí bãi bỏ quyết định khai trừ Cuba năm 1962, lúc cao điểm của chiến tranh lạnh và sau khi Cuba tuyên bố là nước xã hội chủ nghĩa. Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama, mặc dù đã có những bước đi mở rộng hơn quan hệ với Cuba, song vẫn cho rằng không nên để Cuba quay lại OAS cho đến khi Cuba có những cải cách theo cái mà họ gọi là dân chủ. Đáp lại, Cuba cũng không tỏ ra mặn mà với quyết định này. Cuba tuyên bố không mong muốn quay trở lại OAS, vốn bấy lâu nay đã bị Mỹ thao túng.

Cuba có lý do để làm như vậy. Bởi lẽ, trong nhiều năm qua, OAS đã dần trở thành tổ chức bị Mỹ thao túng bằng hàng loạt các chiêu bài kinh tế và ủng hộ tăng trưởng. Ví dụ gần đây nhất là trong năm 2009, OAS đưa ra quyết định khai trừ Honduras khỏi tổ chức để phản đối vụ quân đội đảo chính lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya. Nhưng chỉ hơn hai năm sau, OAS đã buộc phải tái kết nạp Honduras dưới sức ép của Mỹ.

Những chuyển động bất ngờ tại hội nghị OAS cho thấy đã đến lúc không một thế lực nào có thể ra lệnh hoặc áp đặt điều kiện cho các quốc gia ở đây. Chính sách thù địch trong quan hệ và cư xử với các quốc gia khác của Mỹ đã lỗi thời. Nó đang gây ra những tác động ngược lại. Chính quyền Washington có nguy cơ rơi vào tình thế bị cô lập với những đồng minh từng ở cạnh mình lớn hơn bao giờ hết. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục