Ngày 19-8 tại Brussels, đại diện thường trực 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã họp khẩn bàn phương án cụ thể cho lệnh cấm vận cung cấp vũ khí, khí tài và các phương tiện sử dụng cho Ai Cập. Trước đó, EU cũng tuyên bố sẽ xem xét lại mối quan hệ với Ai Cập, còn các nghị sĩ Mỹ gây áp lực buộc chính phủ ngừng viện trợ cho quốc gia Bắc Phi này.
Châu Âu đe dọa
Mặc dù EU tạm thời không có kế hoạch ngừng các chương trình viện trợ phát triển kinh tế, ủng hộ các thể chế dân chủ và xã hội dân sự cho Ai Cập, nhưng EU có thể sử dụng việc tiếp tục giải ngân gói viện trợ cam kết trị giá khoảng 5 tỷ EUR như một điều kiện để Chính phủ Ai Cập phải dừng các hoạt động vũ trang, ấn định ngày bầu cử, điều tra những cái chết của người dân trong các đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.
Trước đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng cảnh báo quân đội và Chính phủ lâm thời Ai Cập rằng EU sẵn sàng “xem xét lại” các mối quan hệ với nước này nếu không chấm dứt bạo lực và quay lại đối thoại.
Trong khi đó tại Mỹ, các nghị sĩ đã kêu gọi cắt viện trợ quân sự cho Ai Cập. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain, Thượng nghị sĩ Blumenthal của đảng Dân chủ… cho rằng Chính phủ Mỹ cần áp đặt điều kiện đối với các khoản viện trợ cho Ai Cập trong tương lai theo một lộ trình đặc biệt nhằm đưa quốc gia Bắc Phi này hướng tới pháp trị và quay lại dân chủ.
Trách nhiệm từ láng giềng
Tại Ai Cập, tuy những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đã hủy bỏ một số kế hoạch biểu tình tại thủ đô Cairo vì “các lý do an ninh” nhưng bất ổn vẫn chưa lắng dịu. Ngày 19-8, các tay súng không rõ danh tính đã nã súng chống tăng vào hai xe buýt chở cảnh sát Ai Cập ở Sinai, làm 24 người thiệt mạng.
Chính quyền Cairo đã ra lệnh đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo chính trong nước sau mỗi buổi cầu nguyện, nhằm ngăn chặn ý đồ biến nhà thờ thành thiên đường của phe Hồi giáo cực đoan đối lập sau khi lực lượng Anh em Hồi giáo (MB) tố cáo cảnh sát Ai Cập xả súng và bắn hơi cay sát hại 36 tù nhân khi họ đang bị nhốt trong xe tù đến nhà tù Abou Zaabal.
Thế giới tiếp tục kêu gọi Saudi Arabia và Qatar - hai quốc gia có nhiều ảnh hưởng trong khu vực - giúp tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ai Cập. Qatar, được coi là một đồng minh của MB, đã lên án mạnh mẽ việc chính quyền Ai Cập giải tán người biểu tình ủng hộ ông Morsi. Ngược lại, Saudi Arabia từng tuyên bố ủng hộ chính phủ lâm thời do quân đội thành lập ở Ai Cập.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Saud al-Faisal nêu rõ “các quốc gia Arập và Hồi giáo sẽ ra tay trợ giúp Ai Cập nếu các nước phương Tây cắt giảm các gói viện trợ cho Cairo. Phần lớn các nước láng giềng như Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Iraq ủng hộ chính phủ lâm thời Ai Cập, tuyên bố nước này ủng hộ Chính phủ Ai Cập và Tổng thống lâm thời Adly Mansour trong “cuộc chiến chống khủng bố”.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung cho biết, có khả năng sẽ sơ tán công dân Việt Nam khỏi Ai Cập. Ông Chung cho rằng, những ngày qua do diễn biến bạo lực phức tạp đã tác động rất mạnh tới cộng đồng người Việt Nam ở Ai Cập. Hiện nay có 79 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây, trong đó số lượng cán bộ công nhân viên cũng như các thành viên gia đình đi theo là 24 người. Số còn lại là sinh viên, học sinh và người làm ăn sinh sống tại đây. |
HẠNH CHI (tổng hợp)