Mỹ có can thiệp quân sự?

Ngày 26-6, các nguồn tin từ Iraq cho biết nhóm phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông (ISIL) cùng với các tay súng bộ lạc người Sunni đã tấn công một trong những căn cứ không quân lớn nhất của Iraq ở cách thủ đô Baghdad 90km về phía Bắc và giành quyền kiểm soát nhiều mỏ dầu ở thành phố Tikrit. Diễn biến mới nhất của ISIL diễn ra ngay trước khi các binh sĩ lực lượng đặc nhiệm và các nhà phân tích tình báo của Mỹ đến Iraq trợ giúp các lực lượng an ninh nước này chống phiến quân.

Trước đó, New York Times đưa tin Iran đã triển khai một “phi đội nhỏ” máy bay không người lái Ababil đến sân bay Al Rashid gần Baghdad, cùng với đó là một đơn vị tình báo để chặn các liên lạc điện tử giữa các tay súng ISIL với các chỉ huy của tổ chức này. Iran cũng điều 2 chuyến bay mỗi ngày đến Baghdad, mỗi chuyến chở 70 tấn trang thiết bị quân sự và hàng tiếp tế. Tehran cũng đã tập trung 10 sư đoàn dọc biên giới với Iraq, sẵn sàng hành động.

Sau khi người Mỹ rút, cuộc đối đầu giữa hai cộng đồng Sunni và Shiite ngày càng gia tăng. Sự sụp đổ của Nhà nước Iraq khiến các chia rẽ tôn giáo càng trở nên quyết liệt như những gì diễn ra tại Syria. Trong khi, theo bài viết có tựa đề “Iraq: Obama ưu tiên giải pháp ngoại giao” trên tờ Les Echos của Pháp mới đây nhận định “người Iraq phải vượt qua khác biệt để tự tìm ra giải pháp với nhau”, thì giới phân tích chính trị cho rằng, thông qua việc “làm ngơ” trước những kẻ khủng bố ISIL tại Iraq, “Washington đang thực hiện kế hoạch của Israel để hủy hoại các quốc gia Arập”.

Một khi không thể thuyết phục Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trước ngày 1-7, những người ở Washington cũng đang muốn loại bỏ ông Maliki. Trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo người Kurd Massud Barzani sau khi đến thăm bất ngờ thành phố Irbil ngày 25-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với nhà lãnh đạo người Kurd Massud Barzani rằng Thủ tướng al-Maliki “phải chịu trách nhiệm với những gì đã diễn ra” và cần phải từ chức. Nhưng ngay cả trong trường hợp ông al-Maliki chấp nhận từ chức thì Baghdad vẫn sẽ chìm trong bất ổn. Bởi các đảng Shiite, Sunni và Kurd chưa tìm ra được một ứng cử viên đủ uy tín để thay thế.

Hơn 30 năm qua, Iraq chỉ biết đến chiến tranh, cả trong và ngoài nước; tôn giáo và phi tôn giáo. Từ chỗ là một trong những nhà nước mạnh nhất vùng cận Đông, quân đội Iraq giờ không có khả năng tự vệ vì đang trong tình trạng “suy sụp tinh thần” sau những thất bại liên tiếp khiến hàng ngàn binh sĩ đào ngũ. Hy vọng cuối cùng của chính quyền Iraq là hỏa lực của Mỹ nhưng cả Mỹ và Anh đều cho rằng Iraq phải tự chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, cho dù Tổng thống Obama khẳng định không đưa quân tham chiến thì thực tế không thể đoán trước. Các nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa đang gây áp lực lên Obama đề nghị ông triển khai lực lượng quân sự trên bộ tại Iraq. Những dấu hiệu về sự chuẩn bị của Nhà Trắng cho một cuộc phiêu lưu quân sự khác cũng rất rõ ràng. Người Mỹ ở Iraq đang rời khỏi đây. Tàu sân bay USS George H. W. Bush đã được điều động đi từ ngày 14-6 đến vùng Vịnh nhằm “tạo cho Tổng thống Mỹ thêm khả năng linh hoạt”. Mà linh hoạt, trong trường hợp này, có thể hiểu hành động quân sự là cần thiết với lý do bảo vệ công dân Mỹ và lợi ích của nước này ở Iraq.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục