Mỹ kỷ niệm Quốc khánh 4-7: Sợ khủng bố, tăng an ninh

Lo ngại tấn công khủng bố hàng không, đảm bảo an ninh trong dịp nghỉ Quốc khánh bắt đầu từ hôm nay 4-7, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ tăng cường các biện pháp an ninh tại các sân bay ở châu Âu và Trung Đông, những nơi có chuyến bay thẳng đến Mỹ, trong vài ngày tới.
Mỹ kỷ niệm Quốc khánh 4-7: Sợ khủng bố, tăng an ninh

Lo ngại tấn công khủng bố hàng không, đảm bảo an ninh trong dịp nghỉ Quốc khánh bắt đầu từ hôm nay 4-7, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ tăng cường các biện pháp an ninh tại các sân bay ở châu Âu và Trung Đông, những nơi có chuyến bay thẳng đến Mỹ, trong vài ngày tới.

Các hành khách đến Mỹ sẽ bị kiểm tra an ninh kỹ lưỡng hơn.

Các hành khách đến Mỹ sẽ bị kiểm tra an ninh kỹ lưỡng hơn.

Bom “qua mặt” kiểm tra an ninh

Các biện pháp không được Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) tiết lộ cụ thể nhưng tờ Financial Times cho biết có thể sẽ bao gồm việc lắp đặt thêm các máy soi cơ thể hành khách tại tất cả các trạm kiểm tra an ninh, cổng vào sân bay; kiểm tra kỹ giày, hành lý xách tay, thiết bị điện tử... trước khi hành khách lên máy bay. Jeh Johnson, Bộ trưởng DHS, cho biết Mỹ cũng đang chia sẻ thông tin với các cơ quan an ninh nước ngoài và tư vấn cho các hãng hàng không.

Theo giới chức Mỹ, việc tăng cường an ninh hàng không không phải là động thái nhằm phản ứng lại một đe dọa cụ thể nào của Washington, song là để đối phó với một số loại bom mới có khả năng dùng vào việc tấn công ngành hàng không. Mấy tuần qua, nhiều thông tin tình báo cho biết chi nhánh Al-Qaeda ở bán đảo Ảrập (AQAP) đang phối hợp với mặt trận Al-Nusra, nhóm phiến quân tại Syria, chế tạo một loại bom có khả năng vượt qua các biện pháp kiểm tra an ninh. Tháng trước, hãng ABC News cũng từng đưa tin AQAP đang chế tạo các loại chất nổ “phi kim loại”.

Lo lắng của Mỹ không thừa khi nước này đã bị 2 lần khủng bố hàng không “hụt” của Richard Reid, kẻ định kích nổ một quả bom giấu trong giày năm 2001 và Umar Farouk Abdulmutallab, bị phát hiện giấu bom trong quần lót trong một chuyến bay đến Detroit vào Giáng sinh năm 2009. Tuy nhiên, việc tăng cường hợp tác an ninh hàng không giữa Mỹ và nhiều quốc gia đang vấp phải tranh cãi. Ví dụ, người dân một số nước phản đối việc lắp đặt các máy soi cơ thể vì ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Vì vậy, Washington đang nỗ lực thảo luận với các chính phủ ở châu Âu để làm sao tăng thêm các biện pháp an ninh hàng không mà không gây ra chậm trễ cho hành khách cũng như phản ứng về chính trị.

Khủng bố “hồi hương”

Chính quyền Tổng thống Obama cũng cảnh báo về việc “công dân nhiều quốc gia” đang tham gia các nhóm thánh chiến tại Syria và nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) có khả năng tiến hành các vụ khủng bố đẫm máu khi quay về nước.

Đầu năm nay, truyền thông của Anh dẫn nguồn tin tình báo phương Tây và một thành viên đã rời bỏ ISIL cho hay Al-Qaeda đang sử dụng người nước ngoài tham gia cuộc chiến Syria để huấn luyện thành những kẻ khủng bố tiềm năng khi trở về nước, nhất là ở Anh và Liên minh châu Âu (EU). Tổ chức khủng bố trên đã huấn luyện công dân từ châu Âu, Anh và Mỹ cách chế tạo và kích nổ bom xe và áo đánh bom liều chết để phòng khi đưa về nước thiết lập các cơ sở khủng bố mới.

James Comey, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), cho biết Mỹ vẫn đang bỏ thời gian, công sức theo dõi công dân nước này xuất ngoại nên có thể biết khi nào họ quay về. Tuy nhiên, việc kiểm soát theo kiểu này không đem lại hiệu quả cao bởi mỗi tháng đều có hàng trăm ngàn người dân Mỹ xuất ngoại du lịch. “Vì vậy, không có cách nào khác là phải tăng cường biện pháp an ninh giữa các nước cũng như chia sẻ, trao đổi thường xuyên thông tin với nhau”, ông James Comey nói.

* Các biện pháp an ninh được thắt chặt ở nhiều sân bay của Anh, không lâu sau khi Mỹ ra tuyên bố tăng cường an ninh do lo ngại khủng bố. Anh có Heathrow, sân bay đông thứ ba thế giới và nhất châu Âu, với gần 200.000 hành khách mỗi ngày. Trong khi đó, Italia cảnh báo các phần tử khủng bố có thể trà trộn trên các thuyền chở người nhập cư trái phép qua Địa Trung Hải vào châu Âu.


* Kết quả thăm dò của Quinnipiac University (Mỹ) vừa công bố cho biết tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ Tổng thống Barack Obama đã giảm mạnh khiến ông trở thành tổng thống có uy tín thấp nhất trong 12 tổng thống Mỹ kể từ Thế chiến thứ 2. Trong gần 1.500 cử tri Mỹ được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại di động, có 33% cử tri cho rằng ông Obama là tổng thống kém nhất trong vòng 70 năm qua; 45% cho rằng nước Mỹ sẽ tốt đẹp hơn nếu trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2012, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney đánh bại ông Obama.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục