Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 22-5, Thủ tướng Italia Enrico Letta đã cảnh báo EU có nguy cơ sụp đổ nếu không hành động quyết liệt hơn để giải quyết khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi.
Nhờ chính sách tăng trưởng
Thống kê quý 1-2013 của Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% và có thể đạt mức tăng 3% cả năm 2013, còn Nhật Bản có mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên là 0,9% và có thể lên tới 3,5%. Trái ngược với Mỹ và Nhật, hầu hết các nền kinh tế lớn của EU đều suy thoái: GDP của Pháp giảm 0,1%, Tây Ban Nha giảm 1,5%, Italia giảm 1,3%, Hà Lan giảm 0,8% và tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu lên tới mức cao kỷ lục 12,1%.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự tăng trưởng của Nhật Bản có được là nhờ vào chính sách phục hồi kinh tế của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, thường được biết đến với tên gọi “Abenomics”. Chính sách này bao gồm 3 mục tiêu: hạ giá đồng yên, thúc đẩy sử dụng ngân sách và chiến lược phát triển. Với việc hạ giá đồng yên, xuất khẩu đã tăng 3,8% từ đầu năm, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu ô tô, đặc biệt sang thị trường Mỹ. Chính phủ Nhật rót 60 triệu EUR vào các lĩnh vực công, đặc biệt trong việc tái xây dựng cơ sở hạ tầng sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011 và tạo ra 600.000 việc làm.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,5% trong quý đầu năm nhờ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) rót tiền vào hệ thống tài chính nước này, khoảng 2.300 tỷ EUR (3.000 tỷ USD). Ngoài ra, sự tăng trưởng này cũng nhờ vào một vài yếu tố khác: giá năng lượng giảm nhờ sử dụng dầu khí đá phiến và thị trường lao động linh hoạt. Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhờ rất nhiều vào ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch với 30% việc làm mới. Hơn nữa, tiêu dùng là động cơ hàng đầu của tăng trưởng Mỹ và con số này vẫn tăng trong quý đầu năm 2013.
Trong khi đó, một số nhà phân tích khẳng định rằng, tình trạng suy thoái tại châu Âu là do chính sách khắc khổ. EU, nhất là Pháp, quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 2 EU (sau Đức) đang đối mặt với khó khăn, nên thực hiện theo chính sách tiền tệ năng động và tăng chi công. Có thể thấy, Mỹ và Nhật chú trọng tăng trưởng kinh tế thì EU lại ưu tiên chính sách khắc khổ. Như vậy, nền kinh tế không thể phát triển. Theo những nhà phân tích kinh tế, 2 điều khó mà các chính phủ EU phải thực hiện để khôi phục kinh tế là giảm thuế để thúc đẩy tiêu dùng và giảm thâm hụt công ngay khi tỷ lệ thất nghiệp giảm trở lại.
Giải quyết thất nghiệp trong giới trẻ
Một trong những vấn đề nhức nhối của nền kinh tế EU hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao. Ngày 21-5 vừa qua, Đức và Tây Ban Nha đã thực hiện một nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên khi 2 bên ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, Berlin sẽ hỗ trợ Madrid trong hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên Tây Ban Nha. Mỗi năm sẽ có khoảng 5.000 thanh niên nước này được hưởng lợi từ chương trình hợp tác với Đức, có cơ hội làm việc ổn định và tham gia vào các lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao tại Đức.
Theo Bộ Lao động Tây Ban Nha, sự hợp tác trên là bước tiến lớn trong nỗ lực hỗ trợ người lao động trẻ tại châu Âu. Phía Đức cho biết, hiện nước này đang thiếu một nguồn nhân lực có trình độ cao với khoảng hơn 1 triệu việc làm đang chờ. Đức cũng đề cập đến ý tưởng xây dựng một chương trình đào tạo nhân lực chung trên toàn châu Âu và hoạt động song song với hệ thống hướng nghiệp của Đức nhằm thiết lập một hệ thống đào tạo chuyên môn hoàn thiện hơn cho người lao động.
ĐỖ CAO (tổng hợp)